Giúp phụ nữ Khơ Me ổn định cuộc sống nơi quê nhà

26/01/2024 - 06:15

PNO - Nhiều năm qua, chị Thị Xà Ral - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Thạnh (xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) - đã cùng với tập thể đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất, tạo việc làm, giúp nhiều chị em có cuộc sống ổn định.

Góp gió thành bão

Từ trung tâm xã Phong Đông, chúng tôi đi theo con đường nhựa chạy dọc bờ kênh thủy lợi về ấp Vĩnh Thạnh, nơi có hơn 45% đồng bào Khơ Me sinh sống. Tại đây, chị Thị Diễm cho biết, gia đình chị canh tác 11 công lúa, mỗi năm 2 vụ, kết hợp nuôi tôm càng xanh và tôm sú, nhưng kinh tế vẫn không dư dả. Gần đây, nhờ Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Thạnh hỗ trợ chị làm thêm nghề đan lục bình để có thêm thu nhập. 

Theo đó, mỗi sáng chị Diễm tranh thủ dậy sớm lo việc đồng áng để buổi chiều có thời gian ngồi đan các sản phẩm từ lục bình như khay, sọt, giỏ, chậu, túi xách, thảm, mỗi sản phẩm được trả từ 35.000 đồng đến hơn 100.000 đồng tiền công. “Bình thường, mỗi ngày chị đan được 2 sản phẩm. Hôm nào làm nhiều thì được 3-4 sản phẩm. Trung bình mỗi tháng cũng có thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng, có tiền chi tiêu hằng ngày” - chị Diễm bộc bạch. 

Chị Thị Xà Ral (bìa phải) hướng dẫn chị em Khơ Me đan các sản phẩm từ lục bình
Chị Thị Xà Ral (bìa phải) hướng dẫn chị em Khơ Me đan các sản phẩm từ lục bình

Cũng ở ấp Vĩnh Thạnh, mấy ngày nay chị Thị Hà và con dâu Thị Thu Thủy đang khẩn trương đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để kịp giao hàng trong tháng tết. “Đợt này, tổ hợp tác Xà Ral giao cho gia đình khá nhiều sản phẩm, vì vậy tôi và con dâu phải tranh thủ làm. Phải làm nhiều một chút, nhưng bù lại mình có thu nhập để chi tiêu trong dịp tết sắp tới” - chị Hà tâm sự. 

Ấp Vĩnh Thạnh hiện có hơn 40 hộ phụ nữ Khơ Me tham gia tổ hợp tác đan lục bình Xà Ral. Việc làm có quanh năm nhưng chị em cũng chỉ tranh thủ làm sản phẩm vào những lúc nông nhàn. Chị Xà Ral - người khởi xướng mô hình - cho biết: “Lâu nay kinh tế chính của địa phương là trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh, tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng.

Đa phần việc chăm sóc các vuông tôm là do đàn ông đảm đương, nên chị em phụ nữ vẫn có thời gian nhàn rỗi. Nghề nuôi tôm những năm gần đây cũng có phần bấp bênh do ảnh hưởng dịch bệnh và giá cả. Để tạo thêm việc làm, thu nhập, chi hội đã lặn lội qua Hậu Giang và một số nơi để học hỏi nghề đan lục bình rồi về triển khai lại cho chị em”. 

Thời gian đầu mới thành lập vào năm 2019, tổ hợp tác chỉ triển khai ở quy mô nhỏ với vài hộ tham gia và chỉ làm một số sản phẩm. Nhưng nhờ khéo tay, sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu thị trường, nên các doanh nghiệp xuất khẩu ở Hậu Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp… đã đặt hàng và cung ứng nguyên vật liệu, mẫu mã nhiều hơn. Số thành viên của tổ hợp tác Xà Ral vì thế đã tăng dần lên hơn 40 hộ, chủ yếu là các chị em Khơ Me.

“Nuôi tôm hay trồng lúa thì mấy tháng mới thu hoạch, trong khi việc học hành của con cái, chi tiêu trong nhà thì hằng ngày, do đó có thêm nguồn thu nhập từ nghề đan lục bình sẽ giúp gia đình “dễ thở” hơn. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng “góp gió thành bão”, cộng với nhiều nguồn thu khác thì sẽ có tích lũy” - chị Thị Đẹt - thành viên tổ hợp tác - nói. 

Nâng cao đời sống và phát triển tổ chức hội

Trao đổi với chúng tôi, chị Thị Xà Ral không giấu niềm vui khi tổ hợp tác đan lục bình của chị lớn dần theo thời gian và góp phần tạo việc làm, thu nhập cho chị em phụ nữ Khơ Me ở nông thôn. “Thời gian qua, ở nông thôn do thiếu việc làm nên nhiều phụ nữ rời quê để lên TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… tìm việc.

Nhiều chị em đã có gia đình, có con nhỏ, nhưng vẫn gửi con lại cho ông bà để đi làm xa xứ. Những đứa trẻ ở quê thiếu tình cảm, thiếu vật chất, thấy thương lắm. Thấy thế nên chi hội đã bàn với nhau và quyết tâm tạo thêm việc làm cho một số chị em phụ nữ, giữ họ ở lại ổn định ở ngay mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên” - chị Xà Ral chia sẻ.

Bên cạnh tổ hợp tác đan lục bình, Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Thạnh còn thành lập tổ hợp tác sản xuất củ cải muối đồng thời phối hợp với các cấp hội để hỗ trợ chị em phụ nữ Khơ Me tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ hoặc làm thêm các ngành nghề khác.

Bà Danh Thị Bồ Khoa - Phó chủ tịch UBND xã Phong Đông - cho biết: “Những năm qua chương trình phát triển kinh tế hộ ở nông thôn luôn được quan tâm. Theo đó, trên địa bàn xã đã đầu tư nguồn vốn tín chấp từ ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 990 hộ với 41 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư ở ấp Vĩnh Thạnh là 250 hộ với trên 10 tỉ đồng, chủ yếu dành cho các chị em phụ nữ Khơ Me. Nhờ đó mà số hộ nghèo đã giảm từ 3,04% năm 2022 xuống còn 1,89% năm 2023, số hộ khá và giàu tăng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển và hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới”.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Thạnh Thị Xà Ral tiết lộ, nếu như ngày trước việc vận động chị em Khơ Me tham gia hội chưa được nhiều thì từ khi có tổ hợp tác, chi hội có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với các chị em nhiều hơn, số chị em tham gia tổ chức hội cũng tăng mạnh.

Đến nay, ấp có 7 tổ phụ nữ với 261 hội viên. Các phong trào của hội cấp trên triển khai đều được thực hiện đạt hiệu quả cao và là chi hội mạnh nhiều năm qua. Đồng thời với việc liên kết các chị em với nhau thông qua tổ hợp tác, chi hội còn lồng ghép các chương trình sinh hoạt một cách phù hợp, từng bước thay đổi nhận thức trong chị em Khơ Me từ việc làm đến tiết kiệm trong chi tiêu, đầu tư cho con em học hành, khuyến khích tránh xa các tệ nạn xã hội, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

Chị Thị Xà Ral (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm làm từ lục bình của tổ hợp tác
Chị Thị Xà Ral (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm làm từ lục bình của tổ hợp tác

Đến nay, nhiều chị em Khơ Me đã biết kết hợp trồng lúa, nuôi tôm, cùng với các ngành nghề khác để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Cả ấp Vĩnh Thạnh hiện chỉ còn vài hộ nghèo, trong khi hạ tầng liên tục được đầu tư đảm bảo cho sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa… 

Theo ông Châu Ngọc Cẩn - Bí thư Đảng ủy xã Phong Đông - địa phương rất mừng khi các chương trình phát triển kinh tế hỗ trợ bà con Khơ Me ở địa phương đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là tại ấp Vĩnh Thạnh - nơi có bà con Khơ Me đông nhất.

Tới đây xã tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao, thực hiện có hiệu quả mô hình tôm - lúa kết hợp tôm - cua - cá và các loại thủy sản có giá trị kinh tế để tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. 

Theo thông tin từ Huyện ủy huyện Vĩnh Thuận, toàn huyện có khoảng 8% bà con dân tộc Khơ Me sinh sống. Huyện luôn xác định tầm quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc, quan tâm giải quyết nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo thêm việc làm, thu nhập cho các hộ Khơ Me, trong đó có chị em phụ nữ.

Huyện ủy đánh giá cao hoạt động của tổ hợp tác Xà Ral và Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Thạnh về tạo việc làm, thu nhập cho chị em Khơ Me ở nông thôn, góp phần ổn định kinh tế hộ. Một khi đời sống được cải thiện thì chị em mới tích cực tham gia các phong trào và chung sức cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Huỳnh Lợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI