edf40wrjww2tblPage:Content
Đoàn công tác xã hội DHG khám chữa bệnh cho công nhân - ẢNH: DHG
DHG tổ chức ngày hội Giữ mãi nụ cười trẻ em vùng cao - ẢNH: DHG
BÀN TAY NẮM LẤY BÀN TAY
Một buổi trưa cuối năm 2014, chị Trần Thị Thanh Phướng (nhân viên công ty Dược Hậu Giang - DHG) tranh thủ giờ nghỉ đến thăm hai mẹ con chị Trần Thị Kim Chi (Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), một trường hợp bệnh tật nghèo khó mà chị đã cùng đoàn công tác xã hội tìm đến và hỗ trợ từ nhiều tháng trước. Nơi ở trọ chưa đến 5 m2, ọp ẹp, hầm hập nóng. Khi con còn nhỏ, chồng chị đã bỏ đi bặt tăm. Chị chật vật mưu sinh để nuôi con, ai thuê gì làm nấy. Mới đây, chị phát hiện bị ung thư ruột non, đã bị di căn qua các bộ phận khác. Họa vô đơn chí, con gái (Tô Kim Thy, 14 tuổi) cũng bị bệnh như mẹ.
Nghĩ đến cảnh hai mẹ con sẽ phải đón Tết với những cơn đau ung thư hành hạ, trong cảnh nghèo không hoa không bánh, chị Phướng lên kế hoạch cùng các đồng nghiệp trở lại nhà chị để tặng quà Tết là túi thuốc gia đình cùng một phần tiền mặt để trang trải, hy vọng hai mẹ con Kim Chi sẽ có cái Tết “nhiều no ít đủ”. Chị Kim Chi xúc động chia sẻ: “Đúng lúc mẹ con tôi tuyệt vọng nhất, đoàn từ thiện của Hapacol tìm đến. Hoàn cảnh cô quạnh như mẹ con tôi, được có người hỏi han, giúp đỡ như vậy là sự động viên tinh thần rất lớn để mẹ con tôi vượt qua cơn bạo bệnh”.
Với nhiều người, chục triệu đồng để chữa bệnh không quá lớn, nhưng có khi, chi phí chữa bệnh chỉ nhích đến con số triệu đồng thì cũng đủ khiến những người “đã nghèo lại mắc cái eo” bế tắc. Trường hợp của ông Dư Văn Tới (ngụ khu vực Thới An 3, phường Thuận An, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) là một ví dụ. Đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn phải đi làm mướn.
Nghèo khó không đủ ăn nên khi bị bệnh đái tháo đường, rồi ngực lại đau thắt dữ dội, ông vẫn chỉ biết cắn răng cố chịu khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật can thiệp mạch vành ngay nhưng không xoay ra tiền, ông đành chịu.
Rồi, đoàn công tác xã hội DHG tìm đến ông, đưa ông đi phẫu thuật. Giờ sức khỏe đã tạm ổn, ông Tới đã có thể đi làm trở lại. “Nói thật, gia cảnh bi đát quá, đôi lúc tôi như người nằm chờ chết. Được hỗ trợ chi phí phẫu thuật và thuốc thang đối với tôi như một phép lạ. Tôi cảm thấy mình thật may mắn. Tôi mang ơn DHG suốt đời”.
Trước ngày lâm bệnh, diễn viên Duy Nhân đã “bén duyên” với DHG khi phối hợp thực hiện clip quảng cáo cho nhãn hàng thuốc hạ sốt, giảm đau Hapacol. Clip hoàn chỉnh, chưa kịp phát thì Duy Nhân lâm bệnh ung thư. Những ngày nặng nề trong phòng bệnh, Nhân đã thể hiện mong muốn clip quảng cáo đó được phát đúng tiến độ. Anh muốn những người yêu mến mình tiếp tục được thấy hình ảnh khỏe mạnh, bảnh bao và lạc quan như vai diễn trong clip quảng cáo.
Vẫn là trái tim ấm nóng của những “chiến sĩ áo trắng”, DHG quyết định cho phát clip quảng cáo này trên các đài truyền hình, với mong muốn tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người em kém may mắn.
Duy Nhân nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi rất hài lòng với vai diễn trong đoạn quảng cáo này. Lúc bị bệnh cứ lo clip sẽ không được phát. Nhờ công ty thương nên tôi được lên TV rồi, xem lại thấy hình ảnh của mình thật “bảnh”. Chi phí chữa bệnh quá tốn kém, gia đình hầu như đã huy động hết tiền bạc trong khả năng có thể. Rồi nhờ thêm sự hỗ trợ của anh chị bạn bè đồng nghiệp nữa. Mấy hôm nay vô đợt thuốc mới, đang lo lắng thì nhận được tin vui. Việc các anh chị bên công ty thường xuyên đến thăm hỏi, gia hạn thêm hợp đồng đại diện và vẫn phát clip quảng cáo dù tôi đang bệnh hiểm nghèo thế này, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Nằm trên giường bệnh, tôi cứ chờ để xem clip đó trên TV, mỗi lần xem là mỗi lần cảm thấy mình mạnh mẽ hơn”.
Nhìn con trai qua ô cửa kính (Duy Nhân đang được cách ly đặc biệt), mẹ của anh ngậm ngùi: “Tính Nhân hiền lành, được nhiều người thương. Khi Nhân ngả bệnh, mẹ con tôi mới cảm nhận hết được tình thương mến của mọi người. Mong con trai sớm khỏi bệnh để sớm trở lại hình ảnh như trong đoạn clip quảng cáo ấy”.
DHG trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi - ẢNH: DHG
TỰ HÀO VỚI BẢN SẮC “SẺ CHIA LỢI ÍCH VỚI CỘNG ĐỒNG”
Ở công ty DHG, dù là những người làm việc lâu năm hay nhân viên mới đều cảm nhận rõ dòng chảy yêu thương mà tập thể ở đây bồi đắp từ nhiều năm qua. Những câu chuyện về người nghèo nhưng kém may mắn như vừa kể trên thường xuyên được lãnh đạo ở công ty chia sẻ trong các cuộc họp, để nhắc nhớ tinh thần vì cộng đồng của tất cả nhân sự làm việc tại công ty này.
Ông Nguyễn Hữu Khôi - Giám đốc nhãn hàng Hapacol - cho biết: “Tập thể DHG luôn ý thức mình đang làm việc trong môi trường mang bản sắc văn hóa của sự sẻ chia, nâng đỡ, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là người nghèo. Chúng tôi xác định phải luôn đồng hành và quan tâm tới những mảnh đời kém may mắn. Cứ mỗi dịp cận tết thì những viên thuốc, những món quà nghĩa tình và các chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe lại được tổ chức để người dân vui xuân mạnh khỏe, đã mang đến niềm tin yêu cuộc sống cho nhiều hoàn cảnh”.
Được làm việc trong một công ty có bản sắc vì cộng đồng như thế, nhiều cán bộ, nhân viên đã trưởng thành hơn trong ý niệm tìm đến người nghèo và giúp người nghèo ra sao. Như lời chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó phòng Marketing, DHG) bộc bạch: “Qua những lần đến với số phận bi thương như vậy, tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, cũng như biết cách chia sẻ giá trị và lợi ích với những số phận kém may mắn. Đây chính là điều thôi thúc tôi gắn bó với Hapacol đến bây giờ”.
Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, người nữ thuyền trưởng danh dự DHG từng được tạp chí Forbes vinh danh, tâm sự: “Nhiệm kỳ 2014 - 2018 là thời gian DHG Pharma khai thác, phát huy tác dụng của những tác nhân mới: nhà máy mới; chiến lược kinh doanh, bán hàng mới; cơ cấu tổ chức, phân công, phân nhiệm, phân quyền mới - chỉ có một điều duy nhất không mới đó là sự tâm huyết, lòng yêu nghề, tinh thần, trái tim vì màu cờ sắc áo, vì thương hiệu DHG Pharma, vì món nợ ân tình, vì niềm tin mọi người dành cho mình mãi mãi trường tồn và sáng ngời trong mỗi con người DHG hôm qua, hôm nay và mai sau”.
Một mùa Xuân mới lại về trên khắp nẻo, những con người đang gắn bó với DHG lại lên đường, không chỉ giúp mọi người vượt qua nỗi đau thể xác mà còn xoa dịu nỗi cô quạnh, buồn tủi của những người nghèo bằng những buổi thăm hỏi, những món quà nghĩa tình, hay những cuộc trò chuyện, ủi an.
QUANG ANH