Giúp nhau vòng qua 'ổ gà' trên con đường hôn nhân

22/04/2017 - 06:30

PNO - Tình yêu là một chiến trường của những sai lầm, hiểu lầm và xung đột.

Lắm khi chúng ta ngồi lại nói chuyện với bạn đời của mình về một vấn đề nào đó, chuyện này dẫn đến chuyện kia và cuộc tranh luận lại nhanh chóng trở thành một cuộc cãi vã về những bức xúc mà bạn có, về hàng trăm lỗi lầm mà người bạn đời phạm phải.  

Giup nhau vong qua 'o ga' tren con duong hon nhan
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Tại sao anh không chịu nghe em nói?”

Uyên là cán bộ quản lý thành đạt ở một ngân hàng và là mẹ của hai đứa trẻ. Bằng, chồng Uyên, là một chủ doanh nghiệp cần mẫn với 60 nhân viên dưới quyền. Uyên và Bằng nhắm tới việc trở thành một cặp vợ chồng “siêu đẳng” - bỏ tất cả công sức của họ để thành đạt trong hôn nhân.

Nền giáo dục gia đình của họ đã dạy hai vợ chồng này thành những người hãnh tiến, đầy tham vọng, cầu toàn. Họ tự đặt lên chính mình áp lực để trở thành một cặp vợ chồng “hạnh phúc”. Đối với Uyên, điều đó có nghĩa là cô ấy muốn có một cuộc sống khá giả, tài chính ổn định, một cuộc sống tình dục thỏa mãn, hai đứa con xinh xắn, ngoan ngoãn và học giỏi.

Những yêu cầu này đè nặng lên Bằng, người mà theo Uyên, đã không cố gắng hết sức để giúp đỡ cô: “Anh ấy không dành thời gian để chăm sóc cho mối quan hệ vợ  chồng và không kiếm đủ tiền cho nhu cầu của gia đình”.

Thế là Uyên thường xuyên đẩy chồng mình vào “ngục tù tình cảm”, cô chê trách anh ấy, làm cho Bằng cảm thấy xấu hổ. Điều này dần đẩy Bằng ra khỏi mối quan hệ, anh cảm thấy chán chường với “chiến tranh” ở nhà và cắm đầu vào công việc như một cách trốn tránh. 

Cảm thấy cuộc hôn nhân “mẫu mực” của mình đang bị đe dọa, Uyên nhanh chóng tìm đến những cuốn sách hôn nhân, chuyên gia tư vấn để cứu vãn tình hình. Vì Uyên quá hào hứng để đấu tranh cho cuộc hôn nhân của mình, cô ấy nắm quyền “chỉ huy” trong cuộc tranh luận với sự có mặt của nhà tư vấn.

Giup nhau vong qua 'o ga' tren con duong hon nhan
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đáng buồn thay, Uyên “tấn công” Bằng quá mức, đến độ “áo giáp bảo hộ” của anh ấy bị thổi bay. Bằng bị chỉ trích dữ dội bởi tất cả những vấn đề mà hai vợ chồng gặp, tất cả các lỗi lầm mà anh ấy phạm phải. Dù Bằng muốn “lắng nghe để thấu hiểu” - theo lời khuyên của chuyên gia tư vấn - và cũng muốn cứu vãn mối quan hệ của mình, nhưng dưới những áp lực này, anh “đóng cửa” cảm xúc.

Nhận thấy điều này, Uyên lại thúc giục anh hơn nữa: “Tại sao anh không chịu nghe em nói?”. Vào lúc này, cuộc hôn nhân của họ đang ở trên con đường dẫn thẳng đến thảm họa ly hôn. Trường hợp của họ là ở mức độ đặc biệt, nhưng các “triệu chứng” lại rất phổ biến ở tất cả các cặp vợ chồng. 

Chọn một vấn đề làm trọng tâm

Những vấn đề trong hôn nhân có thể nhiều vô kể, nhưng bạn cần chú trọng sửa chữa từng cái một. Đừng để cuộc tranh luận dẫn đến việc bạn lôi mọi thứ ra để chỉ trích nhau. Hãy nói một cách cụ thể, thay vì như cách của Uyên:  “Anh không bao giờ giúp em làm việc nhà”, hãy nói: “Em cảm thấy bị bỏ rơi khi tất cả trách nhiệm dọn dẹp nhà cửa đều đổ lên em. Liệu anh có thể giúp em lau quét nhà hàng tuần được không?”.

Nếu chỉ nói cho bạn đời rằng họ đang làm tổn thương bạn, sẽ không giúp họ thay đổi hành vi, mà chỉ làm họ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ hơn. Bạn cần phải nói rõ từng hành động cụ thể, với góp ý để cải thiện. Bằng cách tập trung vào từng vấn đề và vào từng cảm xúc đi theo vấn đề đó, cả hai bạn sẽ có thể nhắm đến việc thay đổi cách nhìn nhận của mình rồi cải thiện tình hình dần dần.

Né tránh các điểm nhạy cảm

Không ai lớn lên mà tránh khỏi các mặc cảm. Những “vết sẹo” này có thể đeo bám một người cho đến khi họ trưởng thành. Tom Bradbury - nhà tâm thần học của Đại học UCLA (Mỹ) - gọi chúng là “điểm yếu đeo đuổi”. Với Bằng, lớn lên từ một gia đình nghèo khó, sự nghiệp là thứ mà anh ấy coi trọng nhiều nhất, nó mang lại cho anh tiền bạc, sự tôn trọng, các mối quan hệ...

Khi Uyên chỉ trích vào công việc của Bằng, anh ấy sẽ trở nên “tê liệt”, không nhận thấy được lỗi lầm của mình. Vì vào lúc đó, cảm giác tức giận khi thứ mà Bằng trân trọng nhất bị xúc phạm lấn át anh hơn cả. 

Trong gần như mọi trường hợp, các “điểm yếu đeo đuổi” của bạn và bạn đời đều sẽ trở thành những “vấn đề” trong cuộc hôn nhân. Chắc chắn cả hai bạn đã có những nhìn nhận vào các “vết sẹo” của nhau. Nhưng rất khó để có thể thay đổi những điểm yếu này chỉ bằng cách chỉ ra chúng.

Điều mà bạn có thể làm là né tránh việc khiến chúng làm dâng cao căng thẳng. Bạn có thể công nhận chúng và tìm đến các giải pháp hợp lý, sử dụng lòng đồng cảm và vị tha để hỗ trợ nhau. Uyên đã có thể nói với Bằng rằng công việc của anh đúng là quan trọng, vợ chồng họ cần tìm đến các giải pháp vừa thỏa mãn Uyên mà vừa đảm bảo công việc của Bằng không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Trong việc đấu tranh bảo vệ hôn nhân hay tình yêu, bạn cần phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng bạn và bạn đời cần phải hỗ trợ lẫn nhau vượt qua những mặc cảm và khó khăn tình cảm.

Hôn nhân không phải là một hành trình suôn sẻ, nhưng nếu các bạn có thể giúp lẫn nhau lái vòng qua các “ổ gà”, mà vẫn có thể giữ vững mục tiêu đến hạnh phúc, thì chắc chắn bạn có thể vượt qua mọi trở ngại và vun đắp cho mối quan hệ thêm bền chặt.

 Thạc sĩ tâm lý 
Trần Thiên Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI