Giúp nhau phòng chống "bệnh của trời"

23/02/2016 - 09:58

PNO - Tới H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng những ngày đầu năm, nghe bà con bàn nhau không làm vụ ba nữa vì “nước mặn xâm nhập sớm, độ mặn cao”...

Giup nhau phong chong
Diễn tập sơ cấp cứu tại xã Tân Thạnh, H.Long Phú

Tới H.Long Phú, tỉnh Sóc Trăng những ngày đầu năm, nghe bà con bàn nhau không làm vụ ba nữa vì “nước mặn xâm nhập sớm, độ mặn cao”, thấy lạ, vì cách đây hai năm, họ cứ xuống giống, chấp nhận năm ăn năm thua, có lỗ thì coi như xui, cũng chẳng biết vì sao mà lúa chết, đất hỏng. Điều khác biệt này xảy ra từ khi H.Long Phú tiếp nhận dự án “Phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai” (PNGNTT) của Tổ chức ActionAid Việt Nam.

Đội ngũ nòng cốt của dự án đa số là phụ nữ, những bà “nhà quê một cục, ít chữ, nghèo khó” luôn có cái điện thoại trong túi quần; họ cập nhật liên tục mọi thông tin liên quan đến nhà nông từ phòng nông nghiệp của huyện rồi kịp thời thông báo cho nhau, cùng nhau lên kế hoạch để phòng ngừa rủi ro từ thiên tai.

Mỗi ấp của các xã Tân Hưng, Tân Lịch, Châu Khánh có một tổ PNGNTT gồm tám người. Công cụ hoạt động là hai cái điện thoại di động, giao cho tổ trưởng và tổ phó, và một cái loa tay.

Chị Lê Thị Lệ Hoa ở ấp Nhì, xã Châu Khánh, H.Long Phú đang làm cỏ, ngưng tay để khoe cái điện thoại Nokia. Tập huấn cả mấy tuần, chị mới biết cách sử dụng vì “hồi nào đến giờ, tui có dùng điện thoại đâu, giờ có luôn một cái xịn, nghe kêu là biết có tin nhắn từ phòng nông nghiệp huyện, đọc luôn rồi trả lời liền”.

Nghề chính của chị là đi làm mướn, ông xã làm thợ hồ. Chị bảo: “Hai năm trước, trời mưa, tôi cứ đội mưa làm tiếp, mưa to thì núp đại dưới gốc cây… Còn bây giờ, mưa to, sấm sét… là tui ở nhà. Tiền cũng quan trọng, nhưng sinh mạng quý hơn. Lỡ đang làm mà mưa to là bỏ ngay giáo mác, dao xuống, rồi tìm nơi an toàn ẩn núp”. Thay đổi tưởng chừng như đơn giản ấy mà chị chỉ thực hiện được khi tham gia dự án PNGNTT. Hồi trước, vì chủ quan, thiếu hiểu biết mà dầm mưa, chứ chưa hẳn tham tiền.

Bây giờ, người ta gọi bà “Hoa làm mướn” là bà “Hoa sấm sét”, bởi chị rành rẽ mọi thông tin, chỗ nào sắp mưa, đang mưa, chị biết ngay, thông báo “ngay và luôn” cho mọi người đang cùng làm trên ruộng, gọi điện cho những người làm xa.

Ngày trước, chị có dám phát biểu gì, vậy mà giờ làm tổ phó tổ PNGNTT của ấp; họp nhóm, chị tham gia kêu gọi bà con phải cất vài cái chòi ngoài đồng để có chỗ trú mưa, vận động bà con làm bờ bao kiên cố, chống sạt lở. Rồi lúa mùa nào có giống tốt, thuốc nào tốt cho lúa, sạ lúc nào… chị biết hết, nhà chị thành nơi tụ tập chị em. Ông xã chị là khán giả trung thành của “diễn giả” vợ. Không biết chạy xe, chị lội bộ hoặc quá giang chứ nhất định không vắng mặt buổi tập huấn, buổi họp nào của dự án.

Giup nhau phong chong
Chị Trần Thị Tuyết kiểm tra thông tin trên điện thoại để "có gì là báo bà con liền"

Sang ấp Tân Lịch, xã Tân Hưng, muốn gặp chị Trần Thị Tuyết cứ ra quán cà phê, hoặc ra chợ... vì chỗ đông phụ nữ là nơi làm việc của chị. Công việc của chị là… nói. 57 tuổi, vừa về hưu từ vị trí phó chủ tịch phụ nữ xã, cán bộ chuyên trách kế hoạch hóa gia đình… chị “nhảy” ngay vào dự án PNGNTT. Bà con gọi chị là “bà tám”, với câu chào: “Có thông tin gì bà báo cho tụi tui liền nghen”.

“Bà tám” Tuyết mỗi ngày ít nhất nhận được hai tin nhắn từ phòng nông nghiệp huyện, vì thế bà biết rất nhiều chuyện bổ ích cho nhà nông. Nắm bắt nhanh và chính xác thông tin về dịch bệnh gia cầm, nên chị nuôi gà, heo rất thành công, mà phải như thế thì “nói người ta mới nghe, mình làm người ta mới làm theo”.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phụ nữ tụm lại với nhau còn bàn rất nhiều chuyện, như chuyện bạo hành gia đình, gả con gái kiểu buôn bán, chồng nhậu… Để chị em dễ thảo luận, mỗi chủ đề, chị Tuyết chọn một “điển hình” người thật, việc thật, mới thuyết phục người nghe. Bởi thế, nhiều người còn nói chị là “nhà báo dạo”. Ông xã chị thấy vợ làm chuyện có ích, nên vui vẻ ở nhà giữ cháu, nuôi gà kiêm nấu cơm, để bà xã đi “tám” về có cơm ăn.

Giup nhau phong chong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI