Giúp người trẻ ứng phó với áp lực từ bạn bè

21/03/2024 - 17:53

PNO - Áp lực đồng trang lứa diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi người. Việc học cách ứng phó bằng cách xây dựng sự tự tin ngay từ lúc trẻ có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề phát sinh sau này.

Phải tốt trong mắt bạn bè

Áp lực ngang hàng (peer pressure) được định nghĩa là bất kỳ loại ảnh hưởng nào, tích cực hay tiêu cực, xuất phát từ các thành viên thuộc cùng một nhóm xã hội, ví dụ như bạn bè cùng lớp, cùng độ tuổi, đồng nghiệp cùng công ty… Áp lực ngang hàng không đột ngột xuất hiện ở một độ tuổi nhất định. Nó xuất hiện xuyên suốt các nhóm tuổi và có thể bắt đầu từ trước ngày trẻ đến trường.

Áp lực đồng trang lứa có thể khiến người trẻ trở nên thiếu tự tin, gặp các rối loạn về tâm thần  hoặc rơi vào những thói quen không tốt cho sức khỏe - Nguồn ảnh: Getty Images
Áp lực đồng trang lứa có thể khiến người trẻ trở nên thiếu tự tin, gặp các rối loạn về tâm thần hoặc rơi vào những thói quen không tốt cho sức khỏe - Nguồn ảnh: Getty Images

Là một người mẹ 3 con ở quận Boulder, Colorado (Mỹ), Brandy Neher biết rất nhiều về trẻ em và áp lực từ bạn bè. Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, Neher đoán trước được áp lực từ bạn bè khi con cô bước vào tuổi thiếu niên, nhưng cô chưa sẵn sàng giải quyết vấn đề này. Cô nói: “Tôi thực sự không nghĩ đó là vấn đề ở trường tiểu học cho đến khi tôi có con gái. Đột nhiên tôi thấy mình rơi vào cuộc tranh cãi với một đứa trẻ 8 tuổi về việc con bé có thể mặc gì đến trường và liệu mỹ phẩm trang điểm có phù hợp với lứa tuổi này hay không. Bạn bè trong lớp sẽ chỉ trích con tôi nếu nó không làm những điều tương tự với chúng”.

Nghiên cứu cho thấy, áp lực ngang hàng có thể bắt đầu từ khoảng 6 tuổi, khi trẻ nhận ra giá trị của lòng trung thành với nhóm bạn và cảm thấy áp lực phải tuân theo. Do mạng xã hội, ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa đang tác động đến trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ngày càng mạnh mẽ. Một nghiên cứu do Viện Sức khỏe tâm thần và Khoa học thần kinh quốc gia (NIMHANS) ở TP Bengaluru, Ấn Độ thực hiện cho thấy: những học sinh chịu áp lực từ bạn bè có nhiều khả năng sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu và thuốc lá. Đáng lưu ý, áp lực này có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài và khiến trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm. Giới tính góp phần tác động đến cách những áp lực này được nội tâm hóa và thể hiện ra bên ngoài.

Cuộc khảo sát năm 2018 của trung tâm nghiên cứu Pew Research (Mỹ) chỉ ra: 29% thanh thiếu niên Mỹ cảm thấy áp lực từ bạn bè để trông “sành điệu”. Các bé gái cảm thấy nhiều áp lực hơn bé trai trong việc có ngoại hình đẹp (35% so với 23%). Nam giới vị thành niên muốn mình cao lên, nhiều cơ bắp và trở nên nam tính; trong khi các cô gái tuổi “teen” mơ ước đạt được cân nặng và đường cong hoàn hảo, có làn da không tì vết, mái tóc khỏe mạnh và khuôn mặt xinh đẹp. Khi thế hệ trẻ ngày càng tập trung quá mức vào “hình thể” và “sức khỏe” cùng sự vây bủa của những từ khóa như “không có chất béo”, “không calo”, “tự nhiên” và “hữu cơ”, họ không khỏi rơi vào vòng xoáy áp lực. Mong muốn được chấp nhận và ảnh hưởng từ truyền thông khiến thế hệ trẻ dễ bị tổn thương hơn trước các vấn đề tiêu cực về hình ảnh cơ thể và dễ dàng gặp các vấn đề lớn hơn về tinh thần như trầm cảm, rối loạn ăn uống hoặc giảm cân không lành mạnh.

Tạo kết nối đồng trang lứa

Tại quận Ventura, bang California (Mỹ), một số trường trung học đã đề ra chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên bằng cách tạo kết nối đồng trang lứa. Học sinh Jason Gutierrez cho biết: “Trong khoảng thời gian đại dịch, tôi là một trong số nhiều học sinh phải đối mặt với vấn đề về sức khỏe tâm thần”. Gutierrez được Wellness Centers - một trung tâm tư vấn có chi nhánh tại 8 cơ sở giáo dục thuộc quận Ventura - hỗ trợ. Tại đây, các nhân viên chuyên nghiệp cùng một đội học sinh tình nguyện được đào tạo về chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ giúp đỡ các bạn trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống, thông qua việc trò chuyện về những vấn đề khó nói, nêu cao tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và lan tỏa nhận thức về sự cạnh tranh tích cực. Suzanne Weist - điều phối viên của dự án - cho biết, các học sinh được đào tạo đặc biệt trước khi trở thành một trong những người hỗ trợ sức khỏe đồng trang lứa. Để tham gia khóa đào tạo này, các em phải có điểm trung bình là 3 (thang điểm 5), có thành tích hoạt động ngoài giờ tốt trong trường và trải qua quá trình phỏng vấn phù hợp.

Nhiều người tham gia chia sẻ, họ biết đến chương trình khi đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho chính mình. Học sinh Adi Ramirez từ trường trung học Moorpark tiết lộ, cô bé và nhiều người khác trong chương trình nhận thấy rằng khi giúp người khác cảm thấy tốt hơn, họ cũng giúp chính mình. Ramirez nói: “Trở lại trường sau đại dịch, tôi cảm thấy chương trình là thứ mình cần trong cuộc sống để đương đầu với mọi thứ. Khi giúp đỡ bạn bè, tôi cũng học được những điều bổ ích cho bản thân”. Cô Suzanne Weist nhận xét: “Thật tuyệt vời khi các tình nguyện viên trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc họ đang làm. Đặc biệt khi họ có thể trò chuyện với những thanh thiếu niên khác theo cách mà nhiều người lớn không thể làm được”.

Linh La (theo Parents, Verywell Health, KCLU)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI