Giúp người tiêu dùng thoát khỏi 'ác mộng' thực phẩm bẩn độc

13/05/2016 - 11:14

PNO - Hiện nay, vấn đề thực phẩm bẩn độc đang trở thành tâm điểm gây nhức nhối khiến người tiêu dùng đau đầu, bất lực.

Chia sẻ với báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này Tiến sĩ, Chuyên gia y tế dự phòng Trần Tuấn, Giám đốc phòng khám Cây thông xanh (Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Việc sử dụng hóa chất trong thực phẩm thường mắt ta không nhìn thấy được. Thậm chí, nó còn làm cho thực phẩm tươi hơn, ngon hơn, hấp dẫn hơn. Hơn nữa, thời gian đi chợ không thể có có đủ dài để xem xét tất cả mọi thứ để lựa chọn.

Hiện nay không có một cơ chế nào có thể khiến chúng ta tin tưởng được những lời quảng cáo mà các cửa hàng, kể cả các siêu thị lớn đưa ra cho chúng ta, điều này đã được minh chứng.

Hóa chất ăn vào người thì có thể không chết ngay, mà sẽ dẫn đến rối loạn, chuyển hóa cơ thể dẫn đến những bệnh tật nguy hiểm. Mà theo như khuyến cáo, tất cả các loại hóa chất đều gây ung thư.

Chính từ những điều đó, chúng ta phải hành động như thế nào để thức ăn của chúng ta được tốt? Thứ nhất là phải hạn chế tối đa việc ăn ngoài. Đừng cậy có đồng tiền mà việc gì cũng phải ra nhà hàng, quán nọ quán kia ăn.

Giup nguoi tieu dung thoat khoi 'ac mong' thuc pham ban doc
Tiến sĩ, Chuyên gia y tế dự phòng Trần Tuấn.

Theo tôi, bất kể loại thức ăn công nghiệp nào đều phải hạn chế tối đa. Tất cả mọi người đều phải nhận ra rằng, chỉ có gia đình mới là nơi an toàn nhất còn tất cả những thức ăn bên ngoài bất kể là rẻ hay đắt đều có nguy cơ bẩn độc. Đây cũng là việc làm thiết thực đầu tiên mà mọi người cần có.

Điểm thứ hai là phải tích cực thiết lập mối quan hệ với người dân nông thôn, cụ thể là với những gia đình có khả năng nuôi trồng, hãy làm cam kết với họ để họ có được nguồn cung cấp thực phẩm từ họ. Hãy nhớ rằng, một tuần lấy thực phẩm ở quê một lần và thực phẩm đó thực sự an toàn thì còn tốt hơn, tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc loanh quanh ngoài chợ phán đoán đống thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Điểm thứ ba là khi đến với những người nông dân ở nông thôn, chúng ta phải hiểu rằng, họ là những người còn thiếu kiến thức. Họ đã trở thành một thứ như tôi đã nói rất nhiều là "nghiện". Và đây vẫn luôn là nỗi trăn trở của tôi: "Dân nghiện, đất nghiện, nước thoái hóa. Dân nghiện vì dân biết cả! Biết thuốc trừ sâu là độc hại, cám công nghiệp khiến vật nuôi dễ bị bệnh, phân bón vô cơ làm chai đất... Đã dùng thì ngày càng phải tăng liều, tăng chi phí nhưng “không dùng thì lấy gì mà ăn?”

Qua một thời gian vừa rồi, nhìn chung, nông thôn Việt Nam đã trở nên tha hóa bởi ngành công công nghiệp hóa chất, đúng theo kiểu "Dân nghiện, đất nghiện, nước thoái hóa".

Cho nên, để thiết lập được mối quan hệ với người dân, chúng ta phải mất thời gian cùng tham gia với họ. Trước hết phải tìm hiểu xem tại sao người dân lại hay lạm dụng hóa chất và nguy hại của việc sử dụng hóa chất ra sao.

Khi có sự tiếp xúc trực tiếp như vậy cùng những kiến thức mà chúng ta có được để trao đổi với người dân, chúng ta sẽ dễ dàng lấy được lòng tin của họ. Hơn nữa, hãy trả cho họ cái giá xứng đáng với những công sức mà họ bỏ ra chứ không thể đòi hỏi giá của thực phẩm sạch không hóa chất, không thuốc trừ sâu lại bằng giá thực phẩm thông thường. Nhu vậy, người dân cũng khó lòng tồn tại.

Thứ tư, hãy ủng hộ các phong trào các chợ thôn quê. Bởi chỉ bằng cách phát triển mô hình tự cung, tự cấp thì chúng ta mới tránh được sự lạm dụng hóa chất.

Điểm thứ năm, hãy khai thác những điều kiện vốn có của gia đình mình. Nếu có thể trồng được thì hãy tận dụng tới cùng hoặc tham gia vào các nhóm đi trồng. Thay vì, những dịp nghỉ lễ lại đi chơi chỗ này chỗ khác, vừa tốn tiền vừa không có lợi cho sức khỏe. Trong khi, cũng với số tiền đó bỏ ra chúng ta có thể tìm về với người dân nông thôn, kí hợp đồng với họ, làm việc với họ để được cung cấp thực phẩm sạch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI