Giúp người như một cách trả ơn

01/02/2023 - 10:00

PNO - Được hội giúp đỡ trong thời khắc khó khăn nên khi ổn định, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (44 tuổi) đã trả ơn bằng cách chủ động giúp đỡ những người phụ nữ khác.

Ngày trẻ, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm từng làm việc cho nhiều hãng đồ uống nổi tiếng nên được tiếp xúc, học tập với nhiều chuyên gia về các loại cà phê. Đến năm 2017, chị muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, muốn được làm chủ bản thân, nên đã cùng người em mở công ty chuyên về đào tạo và buôn bán cà phê. 1 năm sau, cửa hàng cà phê của chị ra đời mang thương hiệu Loka Coffee (48/11 Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh, TPHCM).

Chị Thanh Tâm luôn nhiệt huyết, hết lòng truyền đạt các kiến thức và kỹ năng cho các chị em
Chị Thanh Tâm luôn nhiệt huyết, hết lòng truyền đạt các kiến thức và kỹ năng cho các chị em

Không lâu sau, chị mở thêm 3 cửa hàng, hỗ trợ việc làm cho hơn 10 nhân viên. Mọi thứ đang thuận lợi thì dịch COVID-19 ập đến, các cửa hàng phải đóng cửa tạm thời.

Trong lúc rơi vào khó khăn thì chị được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn vay của hội để trang bị thêm máy móc phục vụ cho sản xuất nhằm thu hút khách hàng, tăng thêm lợi nhuận. Nhưng dịch lại chẳng những không hết mà còn bùng lên khiến chị phải đóng cửa 3/4 cửa hàng của mình.

Áp lực đè nặng khiến chị từng nghĩ đến cái chết: “Tôi ngồi ngoài ban công và nghĩ đến việc lao đầu xuống đất. Nhưng rồi tôi lại nghĩ về lý do mình bắt đầu, nghĩ về những người đang cùng tôi làm việc. Nếu tôi từ bỏ thì họ phải làm sao. Trong lúc tôi đang loay hoay thì các chị bên Hội LHPN phường 19 một lần nữa đến động viên tôi đứng dậy” - chị Tâm thành thật. 

Đến nay, hoạt động tại cửa hàng Loka Coffee của chị Tâm đã đi vào ổn định, vừa bán cà phê, cơm văn phòng, vừa cung cấp cà phê rang xay cho nhiều cửa hàng khác. Ngoài ra, chị cũng duy trì công việc giảng dạy, đào tạo cho những doanh nghiệp về setup, pha chế, kỹ năng kinh doanh.

Nhận thấy thị trường ăn uống luôn thay đổi không ngừng, chị Tâm đã chủ động đề xuất Hội LHPN hỗ trợ mình cập nhật kiến thức kinh doanh. Theo đó, chị đã được tham gia nhiều chương trình khởi nghiệp do Thành hội và Quận hội tổ chức như hội nghị Chuyển đổi số trong khu kinh tế tập thể - hợp tác xã, diễn đàn Tư duy phát triển - Niềm tin bứt phá…

Trước sự hỗ trợ kịp thời và bền bỉ của Hội LHPN, chị Tâm đã chủ động đề xuất mở lớp hướng dẫn dạy nghề pha chế các loại thức uống từ trà và cà phê cho 30 phụ nữ có đam mê và nhu cầu khởi sự, khởi nghiệp trên địa bàn phường.

Không chỉ dạy cách thức sử dụng máy pha chế, cách phân biệt các loại trà, cà phê, nguyên vật liệu và dụng cụ pha chế cho từng loại đồ uống, chị còn truyền đạt hết thảy những kỹ năng mà mình có như kỹ năng làm bếp, phục vụ, trang trí… cho chị em. 

Kết thúc khóa học, chị Tâm chủ động giới thiệu việc làm theo mong muốn và sự phù hợp của các chị em. Hiện nhiều người đã có việc làm ổn định và thu nhập tốt.

Chị bộc bạch: “Tôi cho nghề chứ không cho tiền, mong muốn chia sẻ những cái mình biết và những cái họ cần. Kiếm tiền thực sự quan trọng nhưng tôi muốn những người phụ nữ chưa ổn định kinh tế có cơ hội phát triển tốt hơn, giống như tôi đã từng được hỗ trợ để ổn định như hiện tại. Hễ ai có nhu cầu học hỏi, kể cả học nghề, tôi đều sẵn sàng hỗ trợ”. 

Hiện tại, chị Tâm đang triển khai mô hình Coffee Cart (xe cà phê lưu động) và hỗ trợ nguyên liệu ban đầu cho những phụ nữ khó khăn có nhu cầu khởi nghiệp. “Làm chủ bản thân thực sự không khó, nhưng làm chủ doanh nghiệp thì rất khó, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề như thuế, mặt bằng, nhân viên, nguyên vật liệu… Do đó, muốn khởi nghiệp thành công, các chị cần có một ý chí vững vàng, dù có bất cứ khó khăn gì cũng không được nản lòng” - chị Tâm khuyên các chị em. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI