Giúp người khuyết tật tìm thấy tình yêu đích thực

13/02/2024 - 12:34

PNO - Tìm kiếm tình yêu đích thực luôn là chuyện khó đối với người khuyết tật, vì họ gặp nhiều rào cản hơn. Do vậy, họ có thể cần sự giúp đỡ từ “mũi tên của thần tình yêu” mà các tổ chức xã hội đem đến.

 

Sinh ra với căn bệnh về mắt hiếm gặp, cô Norliana Mohamed Ajam hy vọng tìm được tình yêu bất chấp những khó khăn. ẢNH: SHENTONISTA
Sinh ra với căn bệnh về mắt hiếm gặp, cô Norliana Mohamed Ajam hy vọng tìm được tình yêu bất chấp những khó khăn - Ảnh: SHENTONISTA/ Straits Times

Khó tìm được tình yêu

Giống như nhiều người, cô Norliana Mohamed Ajam từ Singapore hy vọng một ngày nào đó sẽ ổn định cuộc sống với người đặc biệt của mình, ngay cả khi cô đã trải qua 3 mối tình không thành.

Nhưng việc tìm kiếm tình yêu không hề dễ dàng đối với người phụ nữ 40 tuổi, sinh ra với một căn bệnh về mắt hiếm gặp - viêm màng bồ đào, hay viêm mắt. Cô bị mù mắt trái và mù một phần ở mắt phải.

Cô Norliana, một hướng dẫn viên triển lãm, cho biết: “Mọi người nói với tôi, “Bạn bị mù. Tại sao bạn lại tìm kiếm một mối quan hệ?””.

Trong khi các nhóm và tổ chức tại đảo quốc sư tử như SG Enable có thể giúp người khuyết tật (NKT) hòa nhập hơn với xã hội, họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn khi nói về chuyện tình yêu.

Nhà tâm lý học Ooi Sze Jin - người thành lập phòng khám sức khỏe tâm thần A Kind Place vào năm 2021 - cho biết: “Tôi nghĩ nhiều NKT đang dần bắt đầu cảm thấy được trao quyền nhiều hơn, khi xã hội trở nên hòa nhập hơn với họ”.

Tuy nhiên, một số khách hàng khuyết tật đã chia sẻ với cô Ooi rằng việc khiến mọi người chấp nhận con người thật của họ có thể là một khó khăn. Một số nam giới khuyết tật cũng lo lắng về việc không thể hoàn thành vai trò “nam tính” điển hình và chăm sóc cho bạn đời của mình.

Cô Ooi cho biết, một số người khuyết tật thậm chí không hoàn toàn hiểu được sự khác biệt giữa tình yêu và tình dục. Nhiều khách hàng của cô bị lạm dụng tình dục hoặc bị tổn thương về mặt tinh thần. Ngoài ra, các thành viên gia đình của người bạn đời tiềm năng có thể không chấp thuận các mối quan hệ liên quan đến người khuyết tật.

Nhân viên xã hội cấp cao của tổ chức từ thiện SPD, Angela Chung, nói thêm rằng người khuyết tật thường có vòng kết nối xã hội nhỏ hơn những người khác. Một số người có thể bận tâm hơn đến việc đảm bảo tự túc tài chính hoặc quản lý các vấn đề sức khỏe, từ đó hạn chế khả năng xem xét các mối quan hệ lãng mạn.

Chương trình Love Enabled của kênh truyền thông xã hội Our Grandfather Story giúp mọi người hiểu thêm về chặng đường gian nan tìm kiếm tình yêu của người khuyết tật tại Singapore
Chương trình Love Enabled, do kênh truyền thông xã hội Our Grandfather Story thực hiện, giúp mọi người hiểu thêm về chặng đường gian nan tìm kiếm tình yêu của người khuyết tật tại Singapore

Trợ giúp từ xã hội

Ngoài các dịch vụ sức khỏe tâm thần, A Kind Place còn cung cấp đào tạo và hội thảo cho những người có nhu cầu đặc biệt về kỹ năng giao tiếp xã hội, qua đó dạy cho NKT về các loại quan hệ khác nhau và cách tương tác với người khác.

Hội Người khuyết tật Singapore đã có chương trình Tình yêu khác thường từ năm 2019 đến giữa năm 2023 với mục đích giáo dục NKT về giới tính và các mối quan hệ thông qua những buổi hội thảo.

NKT cũng được hưởng lợi từ các sáng kiến như chương trình Love Enabled của kênh truyền thông xã hội Our Grandfather Story. Loạt phim tài liệu tìm hiểu bối cảnh hẹn hò ở Singapore gồm 6 phần, phát hành trực tuyến vào năm 2023. Trong loạt phim, có 3 NKT tham gia, bao gồm cô Norliana.

Cô Chung từ tổ chức từ thiện SPD cho biết, dù mối quan hệ của NKT có thể gặp phải những định kiến và rào cản khó khăn, họ vẫn có thể tìm được tình yêu. Ví dụ, anh Bjorn Ng đã gặp bạn gái của mình khi đang học một học phần chung trong học kỳ đầu tiên tại Đại học Công nghệ Nanyang. Họ đã ở bên nhau được 3 năm.

Chàng trai 25 tuổi, mắc chứng tự kỷ, cho biết anh gặp khó khăn trong việc giải thích hầu hết các tín hiệu xã hội tiềm ẩn, chẳng hạn như ranh giới của hành vi thuần khiết và lãng mạn. Anh đã học cách cư xử trong môi trường xã hội và chuyện tình cảm thông qua phép “thử và sai”, cùng với sự giúp đỡ tận tình từ người bạn gái.

Một NKT khác tìm được tình yêu là anh Shalom Lim - người mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne - căn bệnh hiếm gặp khiến cơ bị mất dần. Chàng trai 28 tuổi gặp người bạn gái khỏe mạnh của mình tại một xưởng nghệ thuật và họ đã hẹn hò được hơn 8 tháng.

Theo anh Lim, tình trạng của bản thân giúp anh đánh giá cao tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng mối liên hệ tình cảm lâu dài cùng bạn đời. Anh cho biết: “Tôi tin rằng điều ràng buộc những người yêu nhau phải chung thủy trong tình yêu là sự tin tưởng và cam kết chung mà họ chia sẻ với nhau”.

Trong khi đó, cô Norliana vẫn chưa từ bỏ hy vọng tìm được tình yêu đích thực. Cô cũng không để tình trạng mắt cản trở cuộc sống trọn vẹn của mình. Cô là tuyển thủ quốc gia môn bóng ném dành cho người khiếm thị và là thành viên của đội đua thuyền rồng.

Cô chia sẻ: “Chúng tôi có cảm xúc và những nhu cầu bình thường như mọi người khác. Sự khác biệt duy nhất là chúng tôi có những khiếm khuyết. Thế thôi”.

Ngọc Hạ (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI