Giúp người già sống vui, sống khỏe

21/11/2022 - 16:24

PNO - Lao động là niềm vui, hạnh phúc không riêng của người cao tuổi. Do đó, khi người cao tuổi có điều kiện tiếp tục gia nhập lực lượng lao động thì không nên phân biệt đối xử. Bởi vì, họ thường bị ám ảnh với cảm giác mình bị lãng quên, mình là người thừa.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Huỳnh Thành Lập - Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM - cho rằng, xã hội phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi để tiếp tục phát huy vai trò của họ đối với đời sống cộng đồng.

Phóng viên: Xin ông cho biết, Hội Người cao tuổi (NCT) TPHCM chăm lo cho hội viên của mình như thế nào trong thời gian qua?

Ông Huỳnh Thành Lập: Hội NCT TPHCM hiện có 558.281 hội viên. Hội có nhiều hoạt động chăm lo, trong đó có mừng thọ người tròn 100 tuổi và trên 100 tuổi, trợ cấp hằng tháng theo quy định cho trên 15.500 hội viên từ 60 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo và trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lập sổ khám sức khỏe, tặng quà cho gần 81.700 hội viên từ 80 tuổi trở lên không hưởng lương hưu…

Để chăm lo hội viên tốt hơn, cán bộ hội cơ sở sẽ tìm gặp từng NCT đang sinh sống trên địa bàn mình phụ trách và trao cho họ thẻ hội viên, vận động họ tham gia sinh hoạt hội để cùng nhau xây dựng lối sống mẫu mực, làm tấm gương cho thế hệ trẻ.

* Theo ông, đối với những NCT còn khả năng làm việc, cống hiến, cần những chính sách hay cơ chế nào để phát huy sự cống hiến của họ?

- NCT đã có quãng đời dài lao động, cống hiến. Giờ đây, đã đến lúc họ được nghỉ ngơi, thư giãn, vui sống cùng cháu con. Họ đáng được kính trọng và xã hội phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ để tiếp tục phát huy vai trò của họ đối với đời sống cộng đồng.

Chăm sóc tốt sẽ phát huy có hiệu quả vai trò của NCT. Bên cạnh giám sát việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho NCT, hội thường xuyên tổ chức các chuyên đề sinh hoạt để tuyên truyền chủ trương, chính sách dành cho NCT. Trong thời gian qua, để hoạt động đa dạng, phong phú hơn, hội thành lập nhiều câu lạc bộ dưỡng sinh, đờn ca tài tử, thơ, cờ tướng… để vừa tạo sân chơi, vừa phát hiện tiềm năng của NCT.

Theo tôi, Nhà nước cần khuyến khích cộng đồng xã hội tạo mọi thuận lợi cho NCT tham gia các công việc phù hợp sức khỏe, hoàn cảnh của họ như may vá, buôn bán, giảng dạy hay trồng rau, chăm cháu, làm bảo vệ... 

* Có ý kiến cho rằng, TPHCM còn thiếu sân chơi, chưa đáp ứng các nhu cầu tinh thần của NCT. Ông nghĩ gì về ý kiến này?Lao động là niềm vui, hạnh phúc không riêng của NCT. Do đó, khi NCT có điều kiện tiếp tục gia nhập lực lượng lao động thì không nên phân biệt đối xử. Cần biết rằng, NCT thường bị ám ảnh với cảm giác mình bị lãng quên, mình là người thừa.

- TPHCM hiện có trên 3.000 câu lạc bộ NCT trên các lĩnh vực, nên không thiếu sân chơi. Vấn đề là cần duy trì sinh hoạt thường xuyên của các câu lạc bộ này. Điều đáng mừng là chính quyền các cấp rất quan tâm, tạo mọi điều kiện tổ chức thường xuyên các hội thao, hội thi, hội diễn dành cho đối tượng này.

* Thưa ông, xã hội vẫn còn có định kiến về viện dưỡng lão, xem đó như “mái nhà” bất đắc dĩ của người già. Ông nghĩ sao về điều này?

- Không phải ai già cũng nên vào viện dưỡng lão và cũng không phải đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão là bất hiếu. Chúng ta cũng cần xác định đối tượng nên vào viện dưỡng lão là ai. Theo tôi, có 3 đối tượng nên vào viện dưỡng lão, đó là: người cần chăm sóc sau tai biến, đột quỵ; người sa sút trí tuệ, lẫn; người bị bệnh cần được chăm sóc tích cực. 

Câu lạc bộ bóng chuyền hơi đã và đang mang lại nguồn vui sống cho những người cao tuổi ở khu phố 5, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM
Câu lạc bộ bóng chuyền hơi đã và đang mang lại nguồn vui sống cho những người cao tuổi ở khu phố 5, phường 6, quận Gò Vấp, TPHCM

Xã hội không nên nhìn nhà dưỡng lão là chỗ “đẩy” người già đến mà là nơi thay mặt cho người thân của họ để chăm sóc khi họ không thể tự chăm sóc mình, nhất là khi người thân không đủ thời gian, phương tiện, kiến thức, kỹ năng để chăm sóc họ. Xác định được như vậy sẽ khắc phục được định kiến nói trên. Và lúc này, tôi có thể đặt cho viện dưỡng lão những cái tên khác như viện tình thương, viện hiếu thảo. 

* Việt Nam đang già hóa dân số nhanh và nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội đối với người già ngày càng lớn. Vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030, trong đó có chủ trương xã hội hóa mô hình viện dưỡng lão. Theo ông, cần làm gì để hiện thực hóa chủ trương này?

- Tôi ủng hộ chủ trương này. Nhà nước nên giữ vai trò thiết kế, xây dựng chính sách rõ ràng, kêu gọi xã hội, cộng đồng cùng chăm lo cho NCT. Theo đó, cần nhanh chóng thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa. Tôi tin rằng, khi đã có chủ trương, chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp thì những người có tâm huyết và điều kiện sẽ tích cực tham gia thành lập các nhà dưỡng lão, nhà nghỉ dưỡng dành cho NCT.

* Xin cảm ơn ông.

Tuyết Dân (thực hiện)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI