Giúp hội viên, công nhân đối phó với nạn trộm cướp

31/12/2015 - 12:00

PNO - Giáp tết là thời điểm người dân cần đặc biệt cảnh giác với tội phạm, nhất là nạn trộm cắp tại các khu nhà trọ.

Chị Lê Thị Loan, một nữ công nhân khu nhà trọ ở khu phố (KP) 4, P.Hiệp Thành Q.12, TP.HCM buồn bã kể, vợ chồng chị đi làm, trộm bẻ khóa phòng trọ, dọn sạch nồi cơm, bếp gas, ti vi, giày dép, quần áo… May mà tiền lương còn trong thẻ ATM, nếu không, tết này anh chị trắng tay.

Mới đây, chiều 24/12, anh Lê Vĩnh Tân trọ ở KP.1, P.Hiệp Thành vừa đi làm về đã bị kẻ gian lấy mất chiếc xe đạp mà anh dựng trước cổng nhà trọ. Anh kể: “Năm ngoái, tôi cũng từng mất một chiếc xe gắn máy ở khu nhà trọ bên quận Thủ Đức, nên khi dọn về đây sống, thấy công ty gần nhà, tôi sắm xe đạp đi làm, không ngờ xe đạp cũng bị trộm”.

Còn chị Vũ Thị Lựu, công nhân Công ty Noblan 1 trong Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12 thì chia sẻ, chị vừa bị móc túi trong giờ vào ca sáng. Hỏi ra mới biết, không ít nữ đồng nghiệp của chị cũng bị móc túi.

Tối 26/12, tại Q.12, Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Nâng cao ý thức cảnh giác và phòng chống các thủ đoạn trộm cắp tại khu vực nhà trọ”. Hội trường Nhà văn hóa Lao Động Q.12 tối hôm đó chật kín với sự hiện diện của 200 nữ công nhân.

Giup hoi vien, cong nhan doi pho voi nan trom cuop
Chị Kim Anh đang thực hành kế thoát thân trên sân khấu

Tại buổi sinh hoạt, Trung tá Trần Hùng Dũng, Đội trưởng Đội 4, Phòng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) Công an TP.HCM đã điểm qua tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua. Ông cho biết, các quận 12, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp… là địa bàn hoạt động khá thường xuyên của bọn cướp giật, trộm cắp. Chỉ tính riêng năm 2015, mỗi quận huyện trên đã xảy ra từ 340 đến gần 500 vụ phạm pháp hình sự.

Trung tá Trần Hùng Dũng đã nhắc các nữ công nhân, nữ chủ nhà trọ cần cảnh giác một số thủ đoạn của bọn trộm cắp như giả tìm người quen trà trộn vào phòng trọ để trộm tài sản; giả công nhân trà trộn lúc tan tầm để móc túi, giật giỏ xách… Ông đặc biệt lưu ý chị em không nên đi lại một mình trên các đoạn đường vắng, thưa người.

Ông cũng nhắc chị em đề cao cảnh giác với cả bạn thuê chung phòng trọ, bởi không ít vụ việc mà cơ quan điều tra thụ lý, kẻ gian chính là người bạn cùng phòng của nạn nhân. Trung tá Trần Hùng Dũng nói vui: “Tội phạm cũng cần tiền xài tết, nên việc đề cao cảnh giác mùa cuối năm là chuyện phải “thường trực” ở tất cả mọi người. Phải nhớ như in trong đầu là: tắt máy, rút chìa khóa xe khi dừng xe, dù đã vào đến cổng nhà; bước ra khỏi nhà phải tắt quạt, tắt bếp, tắt đèn và khóa cửa…”. Trung tá Dũng cho rằng, việc cất tiền lương, thưởng trong thẻ ATM hay sổ tiết kiệm là khôn ngoan, để bảo vệ tài sản.

Dịp này, các cán bộ, chiến sĩ phòng PV28 đã “thị phạm” một số thủ thuật thoát thân trong tình huống khẩn cấp như bị nắm tóc, giật cổ áo, ôm chụp từ phía sau, phía trước… Theo thượng úy Nguyễn Trung Nghĩa, các thủ thuật này khá đơn giản và bất kỳ ai khi tập luyện nhiều lần cũng có khả năng áp dụng được trong tình thế khẩn cấp. Nhiều hội viên, phụ nữ đã xung phong làm bài thực hành khiến cả hội trường sôi động…

Trở về sau khi thực hành bốn động tác thoát thân lúc bị tấn công bất ngờ, chị Kim Anh trọ tại nhà bà Ba ở KP.2, P.Hiệp Thành, Q.12 nói: “Mấy thế võ vừa học được rất hay và dễ áp dụng”. Nhiều nữ công nhân tham dự chuyên đề đánh giá đây là một chương trình thiết thực và bổ ích.

Bà Đỗ Thị Chánh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết, từ lâu, các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nữ công nhân, lao động ở các khu nhà trọ trên địa bàn TP.HCM, trong đó có sinh hoạt chuyên đề.

Hướng tới, Hội sẽ chỉ đạo các cơ sở triển khai sinh hoạt chuyên đề tương tự ở các khu vực nhà trọ nhằm trang bị thông tin, kiến thức, kỹ năng giúp chị em bảo vệ tài sản, sức khỏe của mình, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

Nghi Anh - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI