Đừng mặc cảm với hoàn cảnh của mình!
Kể về hoàn cảnh gia đình, em Nguyễn Ngọc Quế Trâm - sinh viên năm tư ngành quản lý khách sạn, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - xúc động: “Cha em bị bệnh tim, đã mất 2 năm trước. Mẹ em đi làm thuê, phụ dọn quán buổi sáng. Con đường học hành của em nhiều lần bị thách thức, đứng trước nguy cơ phải dừng lại. Nhưng nhờ có học bổng Nguyễn Thị Minh Khai và dự án “Nâng bước em đi” của Hội LHPN TPHCM mà giờ đây em đã sắp tốt nghiệp đại học”.
Dự định cho tương lai, Trâm cho biết, sau tốt nghiệp, em sẽ tìm việc làm tại một nhà hàng, khách sạn để tích lũy kinh nghiệm quản lý kinh doanh, đồng thời sẽ học thêm nghề làm bánh để có thể tự kinh doanh sau này. Còn hiện tại, Trâm vẫn đang nỗ lực học tập và tranh thủ đi làm thêm để có thêm tiền cho các chi phí.
Cũng là sinh viên năm thứ tư và có 4 năm liên tiếp nhận được học bổng từ dự án “Nâng bước em đi” với số tiền học bổng được duy trì là 18 triệu đồng/năm, Lê Minh Tú kể: cha em mất sớm, gia đình em rơi vào cảnh khó khăn khi chỉ có một mình mẹ là lao động chính nuôi 3 đứa con ăn học. Mẹ Tú mắc bệnh xương khớp, đi đứng khó khăn nên bà chỉ dám nhận giữ trẻ cho người quen và nhận thêm hàng gia công về cắt chỉ.
|
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho các em học sinh khó khăn |
Ngoài giờ học, 3 chị em Tú phụ mẹ cắt chỉ, giữ em, làm việc nhà. Thu nhập của cả gia đình chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng, vì thế mẹ Tú đã phải hết sức chắt chiu với hy vọng con mình ít nhất cũng phải hoàn thành chương trình học phổ thông. Căn nhà cấp 4 của gia đình ọp ẹp, trống trơn. Đêm đến, cả 4 mẹ con trải chiếu ngủ. Không có bàn ghế, chị em Tú ngồi hoặc nằm dài ra nền nhà để học. Thế nhưng, cả 3 chị em đều học rất tốt.
Nhắc lại câu chuyện của mình, Tú xúc động: “Sau khi học hết lớp Mười hai, dù biết mình đã đậu đại học nhưng em vẫn có ý định tạm dừng để đi làm kiếm tiền. May mắn là em nhận được học bổng từ hội nên con đường học tập lại được tiếp nối cho đến nay”.
Tuy vậy, 4 năm đại học của Tú không hề dễ dàng, nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 kéo dài, đi lại cũng như việc làm thêm gặp nhiều khó khăn. “Đã có những lúc em thấy kiệt sức, nhưng nghĩ lại điều đó không là gì với việc không có tiền đi học, nên lại cố rướn tới. Vả lại, mình đang được nhiều người giúp đỡ thì sao lại không rướn lên một chút, sao lại từ bỏ ước mơ” - Tú tâm sự.
Những nỗ lực của Tú đã được ghi nhận. Hiện em vừa hoàn thành khóa thực tập và đang làm khóa luận tốt nghiệp. Trong thời gian chờ tốt nghiệp, Tú đi làm trợ giảng tại một trung tâm dạy tiếng Anh và luôn cố gắng tham gia trợ giảng cho nhiều lớp để có thêm tiền phụ mẹ nuôi 2 em, một đang học điều dưỡng và một đang học phổ thông.
Tú nhắn gửi đến các bạn nữ sinh có hoàn cảnh giống mình: “Các bạn, các em đừng mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Không ai có quyền lựa chọn hoàn cảnh sinh ra nhưng chúng ta có thể thay đổi để nó tốt hơn và chỉ có con đường duy nhất là học tập thật tốt. Mỗi ước mơ đều cần có sự quyết tâm và nỗ lực của mỗi người. Mình mong các bạn, các em luôn mạnh mẽ, lạc quan và thành công.
Sau này, khi có điều kiện chúng ta sẽ quay trở lại đây, đóng góp vào quỹ học bổng hiếu học này, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như chính mình trước đây. Đây cũng là cách chúng ta khắc ghi, đền đáp những ân tình nhận được từ chương trình”.
|
Hội LHPN TPHCM và đơn vị tài trợ cùng trao học bổng cho các nữ sinh |
Thắp sáng những ước mơ
Ngày 26/8, Hội LHPN TPHCM đã trao 163 suất học bổng Nguyễn Thị Minh Khai - Thắp sáng những ước mơ, năm học 2023-2024 cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Phụ con gái nhỏ Đinh Thị Bích Ngọc - học sinh lớp Tám - bưng túi quà, chị Nguyễn Thị Ngọc Hường xúc động: “Món quà nặng trĩu như tấm lòng của các cô, các chú nhà hảo tâm dành cho con gái và gia đình tôi”.
Chị Hường làm nghề may gia công nhưng hàng hóa không ổn định. Chồng chị thất nghiệp từ nhiều tháng qua nên gần đây chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Nhìn thấy các con, đứa nào cũng cố gắng học, chị Hường như được an ủi và lấy đó làm động lực để cố gắng. Chị tâm sự: “Tôi đã khổ nhiều, nên bây giờ dù có cực nhọc mấy cũng phải ráng cho các con ăn học để tương lai được tốt hơn và cũng không phải để lại gánh nặng cho đất nước, cho xã hội như đời mình”.
Nói rồi, chị Hường báo tin mừng, năm nay nhiều niềm vui đã đến với gia đình mình. Chị được địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương thay thế cho căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nhiều năm qua. Dự tính, căn nhà mới sẽ được khởi công xây dựng trong vài tháng tới. Căn nhà hoàn thành sẽ giúp gia đình chị ổn định cuộc sống, các con có điều kiện học tốt hơn.
Trường hợp khác là Huỳnh Như Ngọc - học sinh lớp Mười hai Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hóc Môn, một cô học trò mạnh mẽ. Ba mẹ ly hôn, Ngọc sống cùng mẹ, ông bà và các cậu. Ngọc chia sẻ: “Hiện tại, dù vắng ba nhưng em vẫn thấy ổn vì may mắn đã có các cậu hết mực thương yêu”.
Mẹ của Như Ngọc làm công nhân. Dù đồng lương eo hẹp nhưng chị luôn cố gắng lo cho em tươm tất, nhất là trong việc học. Mỗi lúc thấy khó khăn, Như Ngọc lại nhìn về mẹ để được tiếp thêm động lực và sự quyết tâm học thật tốt.
33 năm gieo những hạt mầm yêu thương, chia sẻ Chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai ra đời năm 1989 và sau đó được Hội LHPN TPHCM nhân rộng, các cấp hội triển khai vận động với mục đích chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn luôn nỗ lực trong học tập. Trải qua 33 năm thực hiện chương trình, đến nay đã có 285.003 lượt học sinh, sinh viên được thụ hưởng với tổng số tiền hơn 215 tỉ đồng. Tính riêng trong niên học 2022-2023, các cấp hội đã trao hơn 7.242 suất học bổng với tổng trị giá hơn 9 tỉ đồng. Tiếp nối chương trình, trong năm học mới 2023-2024, Hội LHPN TPHCM đã trao 163 suất học bổng và quà cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 55 suất dành cho học sinh phổ thông (có giá trị từ 1,5-2 triệu đồng/suất), 80 suất dành cho nữ sinh viên (3 triệu đồng/suất) và 8 suất dành cho các em nữ sinh viên theo dự án “Nâng bước em đi” (15 triệu đồng/suất trở lên). Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết: “Sự tiếp sức từ chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai không chỉ dừng lại ở giá trị vật chất mà còn gieo vào các em những hạt mầm yêu thương, chia sẻ, để các em mang theo hạt giống này và tự tin bước ra cuộc đời, nỗ lực, phấn đấu, vươn lên và tiếp tục truyền yêu thương, sự tử tế đến với những người xung quanh”. |
Thiên Ân