Phụ huynh vừa mừng vừa lo
Ngành giáo dục TP.Hà Nội đang chờ duyệt phương án cho học sinh trở lại trường sau nhiều tháng học online phòng ngừa sự lây lan dịch bệnh. Dù gặp nhiều bất tiện khi trẻ phải học online nhưng không ít phụ huynh vẫn lo lắng khi con được đến trường, học trực tiếp.
Chị Phạm Thu Hương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) cảm thấy mừng vì vợ chồng chị không phải thay nhau nghỉ việc để ở nhà giám sát việc học của Tuấn - con trai chị, đang học lớp Sáu - nhưng lại lo về sự an toàn sức khỏe của con khi dịch COVID-19 vẫn âm ỉ, đồng thời cũng lo cho vấn đề tâm lý của con vì Tuấn vốn nhút nhát, ngại giao tiếp, không thích đến chỗ đông người. Năm nay, Tuấn chuyển cấp đúng thời điểm giãn cách xã hội. Với Tuấn, việc gặp gỡ thầy mới, bạn mới, trường mới trên màn hình máy tính dường như thoải mái hơn.
|
Theo chuyên gia, các bé ở cấp tiểu học sẽ gặp bất ổn tâm lý nhiều hơn so với các cấp học khác khi quay lại trường học sau thời gian ở nhà tránh dịch Ảnh: Thuận Hóa |
Chị Hương cho biết, năm ngoái, Tuấn cũng có thời gian phải học online do COVID-19. Khi trở lại trường học trực tiếp, Tuấn khá khó khăn khi hòa nhập lại. Nhút nhát, ít nói nên nhiều khi cháu bị bạn trêu chọc. Năm nay, thời gian học trực tuyến lâu hơn, chị Hương càng lo lắng hơn về việc hòa nhập của Tuấn ở môi trường hoàn toàn mới. Chị còn lo con bị bạn bắt nạt.
Chị Nguyễn Hồng Hải (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) lại đang tìm cách ứng phó với tình huống con gái (học lớp Năm) không chịu đến lớp. Học kỳ II năm ngoái, sau thời gian học trực tuyến, con chị chỉ muốn ở nhà. Cứ đến giờ đi học là con gái chị lại khóc lóc, rầu rĩ. Việc đi học bập bõm cộng với vấn đề tâm lý đã khiến kết quả học tập của con gái chị giảm sút rõ rệt. Tình trạng chán học, mất tập trung diễn ra từ khi cháu học online cho đến khi học trực tiếp và ngày càng nặng hơn. Năm nay, chị Hải phải thường xuyên tìm đọc các tài liệu hướng dẫn cân bằng tâm lý cho trẻ, vào các diễn đàn xin kinh nghiệm từ các phụ huynh khác. Chị nói: “Con học trực tuyến hay trực tiếp đều khiến vợ chồng tôi stress, ăn không ngon, ngủ không yên”.
Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, TP.Hà Nội - nhận định, môi trường học tập bị thay đổi, việc giao tiếp bị hạn chế trong thời gian dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của học sinh, đặc biệt là những em hướng nội, yếu thế, khuyết tật. Những ảnh hưởng đó trong năm học này sẽ lớn hơn cả về mức độ và số lượng học sinh.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, năm ngoái, khi trung tâm bồi dưỡng năng lực tư vấn tâm lý cho giáo viên phổ thông, giáo viên cho biết, nhiều học sinh rơi vào buồn chán, một số có những biểu hiện rối nhiễu tâm lý, mất kiểm soát về hành vi và cảm xúc sau thời gian học online ở nhà.
Cho trẻ làm quen với nền nếp mới
Tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc - Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho biết, sau đợt trẻ học online để phòng ngừa dịch COVID-19 năm 2020, mỗi ngày, số trẻ được đưa đến khám do không muốn đi học chiếm 60 - 70% tổng số ca khám tâm lý của khoa. Điển hình là nam sinh P.Q.T. - tám tuổi, ở H.Bình Chánh. Trước đó, T. học rất giỏi nhưng sau thời gian học online, bé không chịu quay lại trường nữa. Mỗi buổi sáng, dù cha mẹ kiên trì gọi dậy nhưng T. vẫn cố tình ì ra, thậm chí la hét, chạy trốn để khỏi phải tới trường.
Bác sĩ Đinh Thạc khuyên cha mẹ bé không nên cố ép hay la mắng con mà hãy tổ chức cho bé đến các khu vui chơi để bé làm quen với việc tương tác trở lại với người ngoài. Khoảng một tuần sau đó, T. đã chấp nhận quay trở lại trường lớp, không còn phản ứng dữ dội nữa.
|
Sau một thời gian dài học online vì dịch COVID-19, khi trẻ quay lại trường sẽ có nhiều vấn đề về tâm lý cần được theo dõi để hỗ trợ kịp thời (trong ảnh: Học sinh ở Huế quay lại trường từ cuối tháng 9/2021) - Ảnh: Thuận Hóa |
Theo bác sĩ Đinh Thạc, các bé ở cấp tiểu học gặp bất ổn tâm lý nhiều hơn so với các cấp học khác khi quay lại trường học. Ở cấp trung học, một số trẻ cũng gặp bất ổn tâm lý nhưng ý thức tự giác cao hơn nên biểu hiện nội tâm nhiều hơn là phát tác ra ngoài. Những bất ổn về tâm lý của trẻ khi quay lại trường sau thời gian dài học online là ngại đến trường, thụ động; ngại tiếp xúc với thầy cô do sợ bị dò bài; uể oải, lơ đễnh do giờ giấc ăn, ngủ đảo lộn (khi ở nhà, các bé thường thức khuya nên việc dậy sớm khiến các bé mệt mỏi, thiếu hào hứng).
Để khắc phục những điều trên, bác sĩ Đinh Thạc khuyên, phụ huynh cần đồng hành cùng con trong giai đoạn này. Cụ thể, trước thời điểm tựu trường một tuần, phụ huynh cần nắm lịch học của con và tổ chức cho con sinh hoạt vào nền nếp như đang đi học (có giờ giấc chơi, học, ngủ, nghỉ rõ ràng). Ngoài ra, cha mẹ cần trò chuyện, phân tích cho con về sự thú vị và lợi ích của việc đi học trực tiếp so với học online. Phụ huynh cũng cần làm gương cho trẻ, cùng ăn uống, học tập, làm việc và đi ngủ đúng giờ, tránh trường hợp bắt con đi ngủ nhưng mình vẫn thức khuya, dậy muộn.
Trẻ bị nhốt trong nhà quá lâu dễ trở nên thụ động, nhút nhát, ngại giao tiếp. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện để giúp con vượt qua các rối loạn về tâm lý đó, trẻ có thể ngày càng xa cách, sa đà vào thế giới ảo (game, mạng xã hội) và hệ lụy sẽ rất nghiêm trọng. Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức tập huấn cho 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD-ĐT, các trường về kỹ năng, kiến thức hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Bộ cũng yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tránh gây áp lực học hành, áp lực thành tích khi học sinh trở lại trường.
Trước đó, một số cơ sở giáo dục cũng đã lập bộ phận tâm lý học đường với nhiệm vụ khảo sát, nắm bắt tâm lý học sinh để giáo viên và phụ huynh cùng có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Một số trường chọn cách thay đổi các tiết học online để giảm thiểu những ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe tâm thần của học sinh như yêu cầu giáo viên tăng các hoạt động giao lưu trực tuyến, chia nhóm truy bài để học sinh có cơ hội trò chuyện với nhau. Đặc biệt, một số cơ sở giáo dục ở Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội còn có kế hoạch tăng cường các hoạt động thể chất, giảm thời lượng học kiến thức trong những ngày đầu học sinh quay lại trường để tạo môi trường giao tiếp, cân bằng tâm lý dần dần cho học sinh.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thanh Nam (Trường đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), khi trở lại trường, học sinh cần một khoảng thời gian để thích nghi. Nhà trường cần phối hợp với phụ huynh, nói rõ cho học sinh nắm những việc các em cần làm khi trở lại học trực tiếp ở trường, nói rõ những điều cần có trong thời gian còn lại của học kỳ. Nhà trường cũng cần nói rõ với học sinh khối lượng kiến thức nào cần ôn luyện hoặc cần được nhắc lại khi trở lại trường.
Minh Tuệ - Thanh Huyền
Đã có 23 tỉnh, thành cho học sinh đến lớp Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 25/10, cả nước có 23 tỉnh, thành đã tổ chức dạy học trực tiếp, 15 địa phương kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp, còn lại 25 địa phương đang áp dụng dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục; ưu tiên tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ. Đối với các trường học đang được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung, phục vụ công tác phòng, chống dịch… cần nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Chỉ đạo các Sở GD-ĐT rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên của các trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh, bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới… Đại Minh |