Giúp họ, tôi mong chờ nụ cười ở họ

31/01/2024 - 06:25

PNO - Mỗi lần nổi lửa, các cô nấu khoảng 100 phần cơm rồi đặt trước nhà để ai cần thì đến lấy. Ai đến cũng cho, lấy bao nhiêu phần cũng được.

Dù đã nghỉ hưu nhưng cô Nguyễn Thị Kim Dung (61 tuổi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn nhiệt tình với các hoạt động thiện nguyện để được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cứ đến 30 hằng tháng là cô lại chở gạo hoặc mì đến nhà tặng chị Kiều Thị Minh Hạnh (51 tuổi) ở cùng phường. Việc ấy cô đã làm đều đặn suốt hơn 2 năm qua. Thấy cô đến nhà là chị Hạnh dường như phần nào bớt đi nỗi lo. “Mình biết ơn cô Dung nhiều lắm…” - chị Hạnh nói.

Năm 2021, căn bệnh ung thư khớp gối khiến chị Hạnh bị mất đi sức lao động. Hoàn cảnh của chị vốn đã khó lại càng khó hơn, mọi chi tiêu trong gia đình, thuốc men để chống chọi lại bệnh tật… đều trông cậy vào thu nhập ít ỏi của người chồng. Biết hoàn cảnh của chị Hạnh, cô Dung đã giúp đỡ hết mình. “Lúc Hạnh phải mổ gấp, mình đã vận động được hơn 10 triệu đồng, rồi làm đơn lên phường xin trợ cấp thêm cho cô ấy” - cô Dung cho biết.

Cô Dung (trái) trong một lần đến thăm chị Hạnh
Cô Dung (trái) trong một lần đến thăm chị Hạnh

Hiện tại, cô Dung vẫn đang hỗ trợ chị Hạnh các thứ nhu yếu phẩm và 2 triệu đồng/tháng, đồng thời đang cố gắng làm hồ sơ khuyết tật giúp chị Hạnh được hưởng tiền trợ cấp và bảo hiểm y tế. Cô cũng đi khắp nơi để xin học bổng cho 2 con chị. Đến nay, con gái lớn của chị Hạnh đã là cô giáo mầm non. 

Cô Dung chia sẻ, trong 27 năm làm việc thiện, cô cũng đã hỗ trợ rất nhiều hoàn cảnh. Trong đợt dịch COVID-19, ở khu phố có 1 chú xe ôm nghèo bị bệnh phổi nặng, phải cách ly, không một ai dám đến gần. Thấy không nỡ, cô Dung đã đến nhà thăm hỏi và lấy hồ sơ để lên phường xin hỗ trợ tiền thuốc cũng như vận động giúp đỡ chú. “Mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn nào, tôi thường trích tiền lương của mình để giúp họ thêm bao gạo, chai nước mắm… Nếu vượt khả năng thì tôi kêu gọi bạn bè, người thân cùng giúp” - cô Dung chia sẻ.

Ngoài ra, cô Dung còn cùng 5 người bạn “bày” ra bếp cơm chay tại nhà vào ngày rằm và mùng Một hằng tháng. Thời gian đầu, bếp còn thiếu thốn, nhưng dần dà, các thành viên mỗi người góp một ít, đến nay bếp đã hoàn thiện. Mỗi lần nổi lửa, các cô nấu khoảng 100 phần cơm rồi đặt trước nhà để ai cần thì đến lấy. Ai đến cũng cho, lấy bao nhiêu phần cũng được.

Hiện tại, cô Dung đang đảm nhiệm công việc Tổ trưởng dân phố, Phó chủ tịch Hội Khuyến học phường Thạnh Mỹ Lợi. 

“Biết trường hợp nào khó khăn, trong khả năng của mình tôi đều giúp. Giúp họ, hạnh phúc lớn nhất mà tôi mong chờ là nụ cười ở họ” - cô Dung bộc bạch. 

Anh Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI