Thu gom ve chai - gây quỹ giúp người nghèo
Những ngày cuối tháng Tư, ba mẹ con chị Phù A Phương, P.Phú Trung, Q.Tân Phú đến tham gia “Ngày hội 0 đồng”. Gặp chị Nguyễn Thị Vóc - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 5, P.Phú Trung, mấy mẹ con chị Phương như vững tâm, không còn cảm giác rụt rè nơi đông người. Hai đứa trẻ hí hửng đến tham gia khu vui chơi dành cho trẻ em, gian hàng đọc sách, tô tượng và nhận nhiều quà tặng. Chị Phương được chị Vóc hướng dẫn tham gia mua sắm thực phẩm, hàng hóa với giá “0 đồng”.
Nhiều năm qua, từ ngày chồng mất, chị Phương một mình đi phụ quán ăn để lo cho các con. Thương chị Phương, chị Vóc ngày ngày tới lui động viên. Chị Vóc vận động chị em trong chi hội và hội viên tham gia góp ve chai gây quỹ. Định kỳ vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, chi hội ra quân làm vệ sinh các tuyến đường, tuyến hẻm, chị Vóc lại tranh thủ gõ cửa từng nhà để vận động, thu gom ve chai. Như thành thói quen, cứ đến hẹn là các gia đình lại mang ve chai góp cho chi hội.
|
Chị Vóc (phải) với hoạt động thu gom ve chai gây quỹ chăm lo cho người nghèo |
Mô hình đã duy trì nhiều năm qua, nhận được sự hưởng ứng của hội viên và bà con trong khu dân cư. Chị Vóc cho biết, mỗi tuần chi hội thu gom ve chai được từ 100.000-500.000 đồng. Số tiền thu được, các chị mua gạo, nước mắm, dầu ăn, có khi là tập vở đem tặng cho phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn. Gia đình chị Phương là một trong những gia đình được chi hội sẻ chia, giúp sức. Cá nhân chị Vóc đã không ít lần dốc hết tiền trong túi giúp chị Phương đưa con đi khám bệnh.
Chị Vóc chia sẻ: “Cùng là phụ nữ làm mẹ nên thấy hoàn cảnh chị Phương tôi hiểu và đồng cảm. Khi có tiền, tôi mua quần áo, tập sách mang qua nhà cho mấy đứa trẻ. Có Mạnh Thường Quân hay các hoạt động an sinh xã hội tại khu phố, tôi cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho mẹ con chị Phương. Tháng trước, chi hội cũng vận động ve chai bán gây quỹ hỗ trợ chị Phương phần quà gồm mì gói và các nhu yếu phẩm khoảng 400.000 đồng”. Từ sự cố gắng của chị Phương, sự quan tâm của địa phương, động viên từ chị Vóc, tuy còn nhiều khó khăn nhưng chị Phương đã có thể tự chủ động để nuôi hai đứa con ăn học.
Đến nay, chi hội Phụ nữ khu phố 5 với “đầu tàu” là chị Vóc đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho phụ nữ và trẻ em. Mỗi năm vận động hàng chục triệu đồng để chăm lo học bổng, phương tiện sinh kế, thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà và giới thiệu việc làm cho nhiều chị em khó khăn.
Nói về việc làm của mình, chị Vóc nói: “Tôi không giàu tiền bạc nhưng mỗi lần được góp sức giúp một ai đó cũng thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Trước đây chỉ quanh quẩn ở nhà lo chuyện nội trợ nhưng từ hơn sáu năm nay, đảm nhận vai trò chi hội trưởng, được trải nghiệm và có điều kiện để chia sẻ, tôi thấy cuộc sống vui hơn. May mắn, trong mọi việc tôi làm đều được chồng và các con ủng hộ”.
Làm riết cũng quen
Là Chủ tịch Hội LHPN P.16, Q.8, chị Bùi Thị Kim Hường là một điển hình trong thực hiện nội dung “3 tốt” khi vận dụng vào nhiệm vụ với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực đề xuất các sáng kiến, giải pháp góp phần triển khai hiệu quả, nâng chất phong trào phụ nữ và hoạt động Hội tại địa phương.
Tháng 9/2014, chị Hường về lãnh đạo phong trào Hội tại P.16 và nhận thấy rất nhiều khó khăn. Địa phương đang trong quá trình đô thị hóa, dân nhập cư đổ về rất đông, chiếm 2/3 dân số toàn phường. Phần đông trong số đó là công nhân ở các khu công nghiệp, người làm thuê, giúp việc nhà, buôn bán nhỏ… sống tập trung trong các khu nhà trọ. Việc tiếp cận để kêu gọi lực lượng này tham gia các hoạt động Hội là rất khó. Chị đã suy nghĩ đến việc phải thay đổi phương thức hoạt động sao cho phù hợp và có tác động rõ nét đến đời sống của người dân trên địa bàn.
Chứng kiến vụ cháy khu nhà trọ, chị em phụ nữ phải đi xin quần áo, thiết bị gia dụng để hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại, chị Hường nhận ra: bà con còn rất nhiều người khó khăn, họ đang rất cần những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống. Vậy tại sao Hội không quyên góp đồ dư của những người khá, tập kết tại một điểm nào đó để người cần biết mà tới lấy? Mô hình “Trao yêu thương” được thành lập ngay sau đó với ý nghĩa phát huy tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ trong cộng đồng, tạo điều kiện để người có điều kiện giúp đỡ người khó khăn, cũng như giúp người dân thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí.
|
Chị Bùi Thị Kim Hường (thứ tư từ trái sang) cùng mô hình đã trao yêu thương đến với người cần |
Việc làm có ý nghĩa thiết thực ấy đã nhanh chóng tạo hiệu ứng, được Hội LHPN nhân rộng trên địa bàn và lan tỏa ra hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, khiến “tác giả” là chị Hường có lúc cũng… bực mình vì những cuộc gọi để xin và cho cứ reo liên hồi. “Lúc đầu thành lập, tôi nghĩ mình chỉ vận động trong cán bộ, công chức rồi mang cho người khó, nghĩa là không vận động được nhiều. Không ngờ, mọi thứ diễn ra ngoài sức tưởng tượng mà bản thân tôi chưa hình dung để có sự chuẩn bị. Tôi bội thực… điện thoại”, chị phấn chấn. Những cuộc gọi từ các tỉnh thành, từ Lào Cai, Hà Giang cho đến Đắk Lắk, Bình Phước, An Giang… cũng đổ về, mong muốn kết nối để được hỗ trợ từ mô hình. Hội LHPN phường trở nên hết sức bận rộn trong việc nhận và vận chuyển hỗ trợ đến người dân các tỉnh, thành. Vất vả nhất khi nhận hỗ trợ là phải sàng lọc, phân loại quà tặng sao cho phù hợp với nhu cầu người cần. Trong hàng tấn đồ như vậy, phải phân loại cái nào phù hợp với nhu cầu của bà con vùng núi, cái nào thiết yếu với đời sống người miền Tây Nam bộ. Do vậy, công đoạn sàng lọc để “yêu thương được trao đúng” cần rất nhiều thời gian và tấm lòng của cán bộ Hội. “Mới đầu không biết, nhưng làm riết cũng quen”, chị Hường bày tỏ.
Qua gần bốn năm hoạt động, mô hình “Trao yêu thương” tính đến nay đã có trên 1.500 lượt tổ chức, cá nhân đến hỗ trợ trên 15 tấn quần áo và các trang thiết bị, vật dụng các loại; trên 4.000 lượt người đến nhận vật dụng, quần áo tại các điểm trao tặng. Hiện có ba điểm tập kết trên địa bàn (trụ sở sinh hoạt khu phố 3, khu nhà trọ, chung cư An Dương Vương) để những ai có nhu cầu đều có thể tiếp cận dễ dàng. Ngoài dân cư trên địa bàn P.16, Q.8, mô hình còn chia sẻ trên 12 tấn quần áo, 100 tấm nệm, đồ dùng các loại cho các đoàn từ thiện đưa đi hỗ trợ đồng bào nghèo ở các vùng miền trong cả nước với tần suất mười ngày một chuyến.
Bên cạnh mô hình “Trao yêu thương”, chị Bùi Thị Kim Hường cùng tập thể cán bộ Hội LHPN P.16 cũng đã thành lập các câu lạc bộ “Dịch vụ gia đình”, “Nữ chủ nhà trọ”, “Tổ Phụ nữ công nhân nhà trọ”… giúp kết nối chặt chẽ hơn những hoạt động của Hội với đông đảo các đối tượng phụ nữ trên địa bàn. n
Qua năm năm thực hiện chỉ thị 05, Hội LHPN thành phố đề xuất Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ban Tuyên giáo thành ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tuyên dương bốn tập thể và tám cá nhân điển hình thực hiện tốt chỉ thị 05. Hội LHPN thành phố cũng trao tặng bằng khen cho 21 tập thể và 21 cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong phong trào học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hầu hết đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp đã thể hiện được tính nêu gương và tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao. Những tấm gương ấy là minh chứng rõ ràng nhất, thiết thực nhất trong thi đua yêu nước, chủ động, sáng tạo trong công việc, xây dựng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tập hợp được đông đảo phụ nữ các giới tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng tại địa phương, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; sống mẫu mực, nghĩa tình, gần gũi với nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện…
Như vậy, qua các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, tính đến nay, các cấp Hội đã chọn lọc, biểu dương, tuyên truyền nhân rộng 5.537 điển hình (trong đó có 1.362 tập thể, mô hình/cách làm hay, 4.175 cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực).
|
Thu Lê - Thiên Ân