Những tấm gương thầm lặng mà cao cả - Bài 1:

Giúp đời, giúp người theo cách của riêng mình

14/01/2025 - 06:11

PNO - Mỗi người một cách, ông Nguyễn Văn Hừng (huyện Bình Chánh) và ông Lê Văn Sang (huyện Nhà Bè) ngày ngày vẫn âm thầm giúp đời, giúp người.

17 tập thể và 23 cá nhân tiêu biểu vừa được UBND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ sáu. Họ là những người đến từ những vùng đất khác nhau nhưng đã chọn thành phố này là quê hương thứ hai, lặng lẽ góp thêm vào cuộc đời sự ấm áp cho người yếu thế, sự bình yên mỗi ngày trên từng con đường, góc phố và truyền đi thông điệp về lẽ sống, về sức mạnh của tình yêu thương.

Chuyên gia vá đường

Với dáng vẻ gầy gò, lam lũ, hơn 8 năm qua, ông Nguyễn Văn Hừng - 70 tuổi, ngụ xã Hưng Long, huyện Bình Chánh - vẫn hằng ngày chạy xe máy đi vá đường. Việc ông làm đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân trong xã và các xã lân cận. Bà con gọi ông là “chuyên gia vá đường”.

Chúng tôi tìm đến nhà ông vào một buổi trưa oi nắng. Nhà đóng cửa. Hàng xóm nói: “Giờ này chắc chú Hừng ngoài đường rồi! Cô chạy ra đường Ba Chả xem sao”. Chúng tôi đi tìm ông. Và đúng như lời hàng xóm, ông Hừng đang cặm cụi trám xi măng vào những ổ gà, ổ voi trên đường Ba Chả.

Ông Nguyễn Văn Hừng âm thầm dặm vá đường suốt 8 năm qua tại các xã thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM - ẢNH: NGỌC TRĂM
Ông Nguyễn Văn Hừng âm thầm dặm vá đường suốt 8 năm qua tại các xã thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM - Ảnh: Ngọc Trăm

Vừa làm, ông vừa quan sát các phương tiện giao thông. Không ít người đi đường ngạc nhiên, buông lời: “Ông làm cái gì. Chuyện ấy là của Nhà nước!”. Ông Hừng cười đáp hiền từ: “Được lợi nhiều chứ. Dù chẳng thể lấp hết, nhưng có làm thì vẫn hơn bỏ mặc! Người đi đường cũng an tâm phần nào”.

Vá được 5 ổ gà, ông Hừng tìm bóng mát ngơi tay. Ông cho biết, năm 2002, ông rời quê An Giang lên thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) sinh sống cùng con cháu. Đến năm 2018, sau nhiều lần chứng kiến người dân bị tai nạn vì những con đường lồi lõm, gập ghềnh, ông nảy ra ý định sẽ vá đường lại cho mọi người đi.

Rồi ông lại tình cờ thấy người ta chở đá xây dựng đi bán, thế là ông hỏi mua ngay 2 xe đá để tự mình vá lại con đường Rạch Ông Đồ dài hơn 100m. Đây là con đường đầu tiên mà ông làm. “Lúc đó mới lên đây, chưa quen biết ai nên cũng không dám rủ ai làm cùng, tôi chỉ có chút ít tiền dành dụm nên tự tay làm hết” - ông Hừng kể.

Một thời gian sau, ông Hừng chuyển về sống cùng con gái tại xã Hưng Long và tiếp tục công việc vá đường tự nguyện. Chẳng thể đếm được ông đã vá bao nhiêu ổ voi, ổ gà trên những con đường quen thuộc như Bàu Hà, Kênh T6, Ba Chả...

Hằng ngày, trên chiếc xe máy cũ, ông chở theo dụng cụ sửa đường, 2 thùng nước, máng hồ, bao xi măng và bao cát nhỏ ở phía trước. Hễ thấy chỗ nào đường hư hỏng là ông dừng xe, quét dọn sạch sẽ rồi trộn hồ vá lại. Ban đầu, vì lo cho sức khỏe của ông nên các con ông không đồng tình với việc ông đội nắng vá đường. Nhưng ông trấn an các con: “Cha làm được! Vá đường về cha thấy người khỏe khoắn hơn, chẳng đau ốm gì cả”.

Hằng ngày, ông Hừng kiếm sống bằng nghề lặt càng tôm thuê tại nhà. Với thu nhập ít ỏi, khoảng 30.000-40.000 đồng/ngày, nhưng ông vẫn dành dụm để mua xi măng. Ngày nào không có việc, ông lại rà xe quanh các con đường để xem có chỗ nào cần vá. Thời gian vá đường của ông thường từ 11g trưa đến 3g chiều để tránh xe cộ đông đúc. Nhiều khi, chỉ trên một đoạn đường ngắn, ông phải vá hơn 10 chỗ lớn, nhỏ. Vá xong, ông ngồi lại thêm 15 phút chờ cho mặt đường đủ chắc mới rời đi.

Làm việc bằng tất cả tấm lòng nhưng ông Hừng chưa bao giờ nhận tiền của ai gửi đến. Ông tâm sự: “Tôi có ít thì làm ít, có nhiều thì làm nhiều, làm từ cái tâm. Chỉ mong mọi người đi lại được an toàn là tôi vui chứ không mong được ai giúp đỡ, khen ngợi hay công nhận gì cả”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Diệu - 40 tuổi, hàng xóm của ông Hừng - chia sẻ: “Chú Hừng đã duy trì công việc vá đường bền bỉ suốt nhiều năm qua. Hình ảnh chú ngày ngày đi dặm vá các con đường đã truyền cảm hứng và hình thành những giá trị tốt đẹp cho nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Nhờ vào những nỗ lực cống hiến của chú, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được sửa sang bằng phẳng, an toàn. Người dân trong xã luôn biết ơn chú vì những đóng góp thầm lặng”.

Một đời nghĩa hiệp

Tháng 3/2024, chồng qua đời sau 6 năm nằm liệt một chỗ, trong căn phòng trọ, mẹ con bà Phan Thị Kim Liên chỉ biết ngồi khóc. Cùng đường, bà tìm đến cơ sở mai táng Sang Trọng Thọ của ông Lê Văn Sang - 53 tuổi, ở ấp 17, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Sau khi nghe câu chuyện của người phụ nữ tuổi 70 gầy gò, ông Sang bảo: “Có tui đây, chị cứ an tâm”. Rồi ông mang ghế bố đến phòng trọ để người quá cố có chỗ nằm, chuẩn bị mâm cúng và chu toàn mọi chuyện hậu sự, kể cả việc đưa tro cốt lên chùa.

Bà Liên xúc động: “Gia đình tôi lâm cảnh túng quẫn từ nhiều năm. Con gái là mẹ đơn thân. Cháu ở nhà chăm cha và chăm con nhỏ. Tôi lớn tuổi, lại đủ thứ bệnh, nhưng hằng ngày vẫn đi bán đồ chơi trẻ em để kiếm đôi đồng. Biết chú Chín (tên thường gọi của ông Sang) tốt bụng, nhưng mình lạ nước lạ cái... Vậy mà lo tang chồng tôi xong, chú còn cho gạo và thường xuyên thăm hỏi. Cái ơn của chú, mẹ con tôi ghi tạc cả đời”.

Ông Lê Văn Sang và con trai cùng tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và đồng hành trong hoạt động mai táng từ thiện - ẢNH: MẪN NHI
Ông Lê Văn Sang và con trai cùng tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và đồng hành trong hoạt động mai táng từ thiện - Ảnh: Mẫn Nhi

Hoàn cảnh trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được ông Sang tận tình trợ giúp hơn 20 năm qua. Sinh ra ở Phước Kiển, gia đình đông anh em nên từ nhỏ ông Sang đã vất vả mưu sinh. Tuổi trẻ của ông là những ngày ngược xuôi từ TPHCM xuống Vũng Tàu làm “thợ đụng” - đụng gì làm nấy. Có thời gian, ông phụ việc trong một cơ sở mai táng rồi bén duyên và lập cơ sở mai táng Sang Trọng Thọ sau này.

Mỗi tháng, ông Sang tình nguyện mai táng miễn phí cho 5-7 trường hợp, chủ yếu là những lao động nghèo. Bất kể giờ giấc, hễ hay tin có người cần là ông tới giúp. Ông tâm sự: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Bà con gọi, mình đâu đành lòng từ chối”.

Tháng 4/2024, sau nhiều năm tham gia công tác địa phương, ông Sang trở thành Trưởng ấp 17, xã Phước Kiển, kiêm Tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh trật tự. Ông nói vui: “Tôi sống về đêm, trực chốt và đi tuần với anh em suốt. Ban ngày, hễ bà con gọi là chạy, không tính công cán hay nề hà điều gì”.

Bên cạnh việc mai táng từ thiện và bảo vệ an ninh trật tự xóm ấp, ông Sang cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ xây nhà tình thương, hỗ trợ chi phí điều trị cho những người nghèo. Đến rằm tháng Bảy và tết Nguyên đán, ông lại có quà tặng bà con lao động nghèo. Riêng tết năm nay, ông đã chuẩn bị 50 phần quà.

Ông mở điện thoại cho chúng tôi xem những dòng tin nhắn, những tấm hình về những cảnh đời éo le mà cán bộ đoàn thể xã gửi nhờ ông hỗ trợ. Người thì bị u não, người bị hoại tử khớp. Rồi giọng ông chùng xuống: “Thấy như vậy, mình nói “không” sao được”.

Lặng lẽ lan tỏa giá trị tốt đẹp

Là một người trẻ, tôi xúc động và biết ơn trước những cống hiến thầm lặng của các chú Nguyễn Văn Hừng và Lê Văn Sang. Những việc làm lặng lẽ ấy không chỉ giúp đỡ những người xung quanh mà còn lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp. Những việc giúp đời, giúp người của các chú mang đến bài học quý giá về lòng nhân ái, sống biết sẻ chia.

Những việc làm thầm lặng ấy còn nhắc nhở chúng ta rằng: nếu mỗi chúng ta đều có hành vi đúng, hành động đẹp, thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn biết bao.

Những việc làm vốn tự nhiên, giản dị của các chú lại là những tấm gương sáng để mọi người nhìn vào soi mình và tự ngẫm.

Là một người trẻ, tôi nghĩ giới trẻ chúng tôi sẽ phải dành sức lực và nhiệt huyết của mình vào những hoạt động thực sự có ích cho cộng đồng để lan tỏa tinh thần sống tích cực và nhân ái. Mỗi đóng góp dù nhỏ bé nhưng được thực hiện từ trái tim đều sẽ tạo nên những thay đổi lớn lao cho xã hội.

Bạn Nguyễn Thị Thu Trang - 26 tuổi, huyện Bình Chánh, TPHCM

Ngọc Trăm - Mẫn Nhi

Kỳ tới: Dẫu không lành lặn vẫn miệt mài cho đi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI