Áp dụng ESG ngay từ đầu
Kinh tế xanh là cách tiếp cận mới khi làm doanh nghiệp, hướng đến giảm xả thải ra môi trường, tái chế một phần hoặc toàn bộ các chất thải trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, có thể sản xuất bền vững mà không gây hại môi trường sống.
Từ năm 2023, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều đợt giới thiệu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đối với hàng hóa Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu vào các quốc gia thuộc khối EU có thể phải chịu thêm thuế carbon nếu như sản phẩm làm ra có lượng phát thải lớn.
“Đây là khó khăn, cũng là cơ hội nếu các doanh nghiệp Việt Nam chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tìm cách tái chế một phần hoặc toàn bộ chất thải. Để làm được điều này, các sáng kiến về nguyên liệu sản xuất tái chế, quy trình sản xuất, quá trình vận chuyển, phân phối hàng hóa đều phải tối ưu để giảm chi phí về phát thải, giảm tiêu hao năng lượng. Và, chuyển đổi số có lẽ là câu trả lời cho những bài toán nêu trên mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lưu tâm” - Hoa hậu Môi trường thế giới 2023, Đại sứ thiện chí trẻ Liên hiệp quốc Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
|
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (bìa trái) - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc và Chuyển đổi số Dr.SME - trao đổi tại ngày hội |
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tái cấu trúc và Chuyển đổi số Dr.SME, sáng lập dự án Một triệu phụ nữ và người yếu thế khởi nghiệp cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà - cho rằng, chị em cần quan tâm nhiều hơn đến việc xác định và áp dụng ESG (môi trường, xã hội, quản trị) - bộ 3 tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng - một cách chặt chẽ ngay từ những bước đầu khởi nghiệp.
Định hướng ESG cho doanh nghiệp là xu hướng ngày càng rõ nét, bắt buộc phải làm dù khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ còn hạn hẹp về tài chính, nhân sự vẫn có thể áp dụng ESG tùy vào sự linh động và quyết tâm của lãnh đạo. Ông Vũ Tuấn Anh gợi ý, để thực hiện ESG, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần chiến lược “hành động nhỏ - ý nghĩa lớn - tầm nhìn xa”.
Những việc chị em có thể áp dụng với doanh nghiệp của mình là đầu tư tăng chất lượng sản phẩm, hạn chế rác thải nhựa, áp dụng thanh toán không tiền mặt, tận dụng mạng xã hội quảng bá sản phẩm, sử dụng bao bì thân thiện môi trường, chăm sóc nhân viên về môi trường làm việc và an toàn lao động, đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động từ thiện và tình nguyện, minh bạch và tuân thủ luật về thuế nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung.
Tạo mã QR, tem điện tử truy xuất nguồn gốc...
Trao đổi với chị em vấn đề chuyển đổi số cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Checkee - khẳng định, chuyển đổi số dựa vào máy móc, thiết bị hiện đại giúp tự động hóa quy trình sản xuất, đảm bảo hiệu suất tối đa, giảm lãng phí, theo dõi và tối ưu hóa hoạt động trong chuỗi cung ứng.
Thông qua các ứng dụng và nền tảng đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số cũng khiến tương tác giữa lãnh đạo và nhân viên, nhân viên với nhau thêm nhịp nhàng, ăn ý. Từ ý nghĩa đó, ông Phạm Văn Quân đề xuất chị em kinh doanh cần sớm tạo mã QR, tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm và bán hàng đa kênh nhằm tăng doanh thu, tăng liên kết.
Ông ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể phối hợp người nông dân, hợp tác xã tạo nhật ký điện tử ghi chép đặc điểm vùng trồng, quy trình canh tác, cách thức thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và lưu trữ trước khi đến tay người tiêu dùng. Nhật ký điện tử hướng tới phát triển sản phẩm thông minh, bởi không chỉ đảm bảo sự đồng nhất trong thông tin về sản phẩm, tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp mà còn giúp kịp thời phát hiện các vấn đề trong chuỗi cung ứng để đưa ra giải pháp cụ thể.
Bên cạnh các phương pháp tiếp thị và chăm sóc khách hàng truyền thống, ông Phạm Phú Lâm - Chủ tịch CRO Việt Nam, Cố vấn cấp cao Mirabot (GMO) - lưu ý chị em, thời đại số càng phát triển thì càng cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tiếp thị và chăm sóc khách hàng. Tùy theo nhu cầu và khả năng, doanh nghiệp có thể cân nhắc các ứng dụng AI, như chatbot (tương tác 24/7 và phản hồi tức thì mọi thắc mắc của khách hàng), phân tích dữ liệu khách hàng (hành vi mua hàng, sở thích và nhu cầu, dự đoán xu hướng), cá nhân hóa trải nghiệm (tạo nội dung marketing cho từng khách hàng), tự động hóa quy trình tiếp thị và bán hàng (gửi email, tin nhắn SMS cho khách hàng tiềm năng, tùy chỉnh nội dung dựa trên phân tích hành trình mua hàng của họ)…
Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, AI mang lại lợi thế cạnh tranh và chị em nên tận dụng, lựa chọn đối tác hỗ trợ chuyên môn. Dù vậy, ông Phạm Phú Lâm lưu ý, các ứng dụng AI không phải là giải pháp hoàn hảo và cần được điều chỉnh liên tục theo thời gian, đồng thời chiến dịch tiếp thị bằng AI phải đảm bảo tính nhân văn và đạo đức.
“Chuyển đổi kép” vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm của doanh nghiệp Quận Bình Tân hiện có 67.079 đơn vị sản xuất kinh doanh đang hoạt động, gồm 31.212 doanh nghiệp và 35.867 hộ kinh doanh, hơn 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tỉ lệ 31,44%, hộ kinh doanh do nữ làm chủ chiếm 54,97%. Trong 10 tháng năm 2024, các ngân hàng thương mại trên địa bàn quận đã giải ngân các gói tín dụng ưu đãi cho 9.974 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với số tiền 17.342,77 tỉ đồng. Mặc dù được địa phương hỗ trợ duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình vay vốn, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại... nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp do nữ làm chủ lại càng khó khăn hơn, do các chị chưa có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ, và chưa có đủ nguồn lực để phát triển bền vững. “Chuyển đổi kép” - chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo ra giá trị lâu dài. Tôi mong rằng bằng sự nhạy bén, linh hoạt cũng như tố chất cẩn thận, chu đáo, chị em sẽ dùng những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ để áp dụng vào chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển doanh nghiệp lâu dài. Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân |
Chiêu sinh lớp học “Tiếng Anh cộng đồng” giai đoạn 2 Trong ngày hội, Hội LHPN quận Bình Tân công bố triển khai giai đoạn 2 dự án “Tiếng Anh cộng đồng” (giai đoạn 1 khởi động vào tháng 10/2023). Dự án do hoa hậu Nguyễn Thanh Hà sáng lập cùng sự đồng hành của Hội LHPN quận Bình Tân, các trường như Đại học Fulbright Việt Nam, Trường đại học Sài Gòn và Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Bên cạnh học sinh và nữ công nhân, dự án còn mở rộng đối tượng hỗ trợ cho cả cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Chương trình học được soạn thảo phù hợp từng lứa tuổi, tập trung thực hành giao tiếp, đối thoại cơ bản trong mua bán hàng hóa, trao đổi thông tin, những giao dịch mà người học có thể cần trong đời sống, sản xuất, kinh doanh hằng ngày. Khóa 1 dự kiến mở 6 lớp (15-20 học viên/lớp), khai giảng vào đầu tháng 12/2024, mỗi tuần học 2 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, kéo dài 3 tháng, học trực tuyến có phần mềm hỗ trợ học tập. Các khóa học được mở liền kề nhau và có khảo sát, đánh giá năng lực, nhu cầu của học viên, học trực tuyến hoặc trực tiếp. Liên hệ: Hội LHPN quận Bình Tân (521 Kinh Dương Vương, phường An Lạc; hotline: 0977375902). |
Thảo Nguyên