Giúp con vượt qua mùa sốt siêu vi

24/11/2024 - 16:18

PNO - Sốt siêu vi là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Việc chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt siêu vi không chỉ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục mà còn ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Thấy con sốt cao là mẹ cuống

Tới khi con trai đã qua cơn nguy hiểm, chị N.T.B. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) mới như trút được tảng đá đè nặng trong lòng. Con chị là bé T. (3 tuổi), đang học mầm non. Cách đây chừng 10 ngày, chiều đón con từ trường về, chị thấy 2 má con đỏ bừng, mắt lờ đờ, không chạy nhảy, vui đùa như ngày thường. Sờ tay lên trán con, chị B. thấy nóng ran, cặp nhiệt độ hiển thị 38,5 độ C. Chị gọi điện hỏi cô giáo thì được biết ở lớp đang có nhiều bé có biểu hiện ho, sổ mũi. Một số bé sốt cao nên nghỉ học. Đoán con bị lây bệnh từ các bạn, chị cho bé uống thuốc hạ sốt. Chị cảm thấy hiệu quả hạ sốt rất chậm, chỉ được khoảng 3 tiếng là con nóng trở lại. Lần kế tiếp, chị đo nhiệt độ thấy bé sốt tận 39 độ C. Sợ con sốt cao sẽ nguy hiểm, chị cho bé uống tiếp thuốc hạ sốt. Tới nửa đêm, bé sốt rất cao. Chị B. đặt viên hạ sốt đường hậu môn cho con vì nghĩ sẽ có tác dụng nhanh hơn rồi vội vàng đưa con đi cấp cứu.

Hãy lau mình bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng chỉ định khi trẻ bị sốt siêu vi - - Ảnh minh họa: Internet
Hãy lau mình bằng nước ấm và cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng chỉ định khi trẻ bị sốt siêu vi - Ảnh minh họa: Internet

Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé T. bị sốt cao do nhiễm siêu vi đường hô hấp và dùng quá liều thuốc hạ sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan bệnh nhi tăng cao so với mức bình thường. Các bác sĩ giải thích rằng việc lạm dụng thuốc hạ sốt có thể gây tổn thương gan, thận, thậm chí dẫn đến suy hô hấp ở trẻ nhỏ. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên tùy tiện cho con uống thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ và cần theo dõi nhiệt độ cơ thể bệnh nhi thường xuyên. Nếu bé sốt trên 38,5 độ C, người nhà có thể dùng các biện pháp vật lý như lau bằng nước ấm, chườm mát trán để hạ sốt.

Khoảng thời điểm đó, bé N.K.C. (2 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) cũng vật lộn với cơn sốt. Bé sốt cao nên run rẩy. Mẹ bé tưởng con bị lạnh, vội vàng đắp nhiều chăn cho bé và đóng kín cửa phòng. Tuy nhiên, nhiệt độ cơ thể bé càng lúc càng tăng. Đến 3 giờ sáng, bé C. sốt đến 40,5 độ C, co giật, tím tái. Gia đình vội vàng đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt cao gây co giật do nhiễm siêu vi và gia đình đã không hạ sốt cho con đúng cách. Việc đắp quá nhiều chăn khi trẻ sốt cao có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây khó thở và nguy cơ co giật. Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên giữ cho trẻ ở nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng nhẹ và lau mát bằng nước ấm để hạ sốt.

Lạm dụng kháng sinh

Sốt siêu vi là căn bệnh nhiều trẻ gặp phải, đặc biệt trong những ngày chuyển mùa. Mỗi gia đình có cách chăm sóc con khác nhau, đôi khi do quan niệm sai lầm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Bé T.T.X. (5 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) bị sốt 38 độ C kèm ho và sổ mũi kéo dài 5 ngày. Nhớ lại lần trước con có biểu hiện tương tự, bác sĩ đã kê đơn có kháng sinh và bé khỏi bệnh rất nhanh, từ đó, chị rất hay áp dụng toa thuốc cũ khi con có triệu chứng tương tự. Lần này cũng vậy, chị tự ý mua thuốc theo toa cũ cho con uống. Sau 3 ngày được mẹ tự điều trị bằng kháng sinh, tình trạng sốt của bé X. vẫn không giảm, thậm chí còn xuất hiện thêm các đốm đỏ li ti trên da. Mãi đến khi đó, bé mới được đưa đi khám. Bác sĩ thông báo bệnh nhi nhiễm siêu vi hô hấp và việc sử dụng kháng sinh là không hiệu quả đối với siêu vi. Bác sĩ giải thích rằng việc lạm dụng kháng sinh có thể làm cho vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc, khiến các loại thuốc kháng sinh khác trở nên kém hiệu quả trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Chăm sóc đúng cách, phát hiện dấu hiệu trở nặng kịp thời

Tình hình thời tiết thay đổi như thời gian qua khiến tỉ lệ bệnh nhiễm siêu vi hô hấp có sự gia tăng. Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Công Thiên - Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - có một số lưu ý dành cho các bậc cha mẹ. Sốt siêu vi là tình trạng trẻ bị nhiễm vi rút gây ra phản ứng viêm, dẫn đến sốt và các triệu chứng khác như ho, sổ mũi, mệt mỏi. Trẻ nhỏ thường dễ mắc bệnh này do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và tiếp xúc nhiều với môi trường. Sốt siêu vi hiện chỉ điều trị triệu chứng và nâng đỡ thể trạng để hỗ trợ bệnh nhân tự vượt qua. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Các loại trái cây mềm như chuối, bơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé - Ảnh minh họa: Internet
Các loại trái cây mềm như chuối, bơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé - Ảnh minh họa: Internet

Đặc điểm của trẻ sốt siêu vi thường là sốt cao 39 - 40 độ C. Điều này làm cho tổng trạng của trẻ bị ảnh hưởng nhiều khiến trẻ có các biểu hiện như bỏ bú (ở trẻ nhỏ), bỏ ăn, quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Sốt siêu vi thường tự khỏi sau khoảng 3-7 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, thời gian hồi phục có thể khác nhau tùy từng trẻ, sức đề kháng của trẻ, loại vi rút gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Hiện nay, hầu hết các trường học đều trang bị máy lạnh, môi trường học đường trở nên kín mít, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là sốt siêu vi, lây lan nhanh chóng. Ban đầu, trẻ thường có các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, sổ mũi thì phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Nếu tình trạng sốt trở nên nghiêm trọng hơn (từ 39 - 40 độ C), kèm theo các triệu chứng như ho nhiều, khó thở hoặc các vấn đề về tiêu hóa, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời.

Khi trẻ sốt, cha mẹ có thể cho bé uống thuốc hạ sốt như paracetamol với liều lượng phù hợp (khoảng 10 - 15mg/kg cân nặng mỗi lần, cách 4-6 giờ). Ngoài ra, lau người bằng nước ấm cũng giúp bé hạ sốt hiệu quả. Không nên dùng nước quá lạnh làm mát cơ thể vì sẽ khiến trẻ bị lạnh run.

Bác sĩ Công Thiên khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý tăng liều hoặc giảm khoảng cách giữa các lần dùng thuốc hạ sốt vì có thể gây hại cho gan của trẻ. Nếu sau 2-3 ngày mà tình trạng sốt không cải thiện hoặc bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như khó thở, bỏ ăn, cần đưa bé đến bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời. Một điểm cần lưu ý là các gia đình và trường học cần vệ sinh máy lạnh thường xuyên để ngăn ngừa bệnh do siêu vi lây lan.

Bên cạnh đó, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục của trẻ khi bị sốt siêu vi. Khi trẻ bệnh, nhu cầu về nước và chất điện giải tăng cao để bù lại lượng nước mất đi do sốt, mồ hôi và tiêu chảy (nếu có). Do đó, việc cung cấp đủ nước cho trẻ là điều cần thiết. Bên cạnh nước lọc, mẹ có thể cho bé uống thêm nước trái cây, nước ép rau củ hoặc các loại đồ uống điện giải. Về thức ăn, nên chọn những món dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng như cháo loãng, xúp gà, xúp thịt nạc băm nhuyễn. Tránh cho bé ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, khó tiêu. Ngoài ra, các loại trái cây mềm như chuối, bơ cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất qua chế độ ăn uống sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI