Chị Hà quyết định tắt điện thoại, khóa facebook sau khi biết điểm thi THPT của con gái. Chị than thở: “Đối diện với thất bại của chính mình còn dễ dàng hơn khi thấy con trong tình cảnh này”.
|
Con buồn, vì không bằng con người ta |
Linh Phương là cháu tôi và là con gái chị Hà. Từ năm lớp 10, Phương được cha mẹ mời thầy về dạy kèm tại nhà ba môn thi đại học. Thành tích ba năm liền học sinh giỏi của con, chị Hà thông báo rộng rãi đến cơ quan, bạn bè, gia đình, họ hàng, người quen. Bởi thế, khi biết con chỉ 24 điểm, các cuộc gọi dội về, những lời hỏi han khiến chị khó chịu.
Mãi buồn, mất cơ hội
Nhiều phụ huynh chung tâm trạng như chị Hà, xấu hổ vì con mình không bằng “con người ta” và sẵn sàng làm con tổn thương. Nhiều bà mẹ từ chì chiết, mắng mỏ đến thờ ơ bỏ bê con khi thấy điểm thi không như ý.
Chị Mai Thy (Huế) hối hận mãi vì cách cư xử với con khi cô bé không đậu nguyện vọng 1. Thay vì cập nhật tình hình tuyển sinh để tìm cơ hội khác cho con, chị trút hết bực bội vào con, từ chuyện kể lể con học thêm tốn kém đến so sánh với con đồng nghiệp.
Chị cũng thêm “điên tiết” khi con tỏ ra thờ ơ trước thái độ của mẹ. Cô bé đang thất vọng với bản thân, thêm áp lực từ phía gia đình nên trầm cảm, đóng cửa phòng, không giao lưu với ai, không ngó ngàng gì chuyện nộp hồ sơ vào trường khác. Đến lúc thấy bạn bè con tuy điểm thấp hơn cũng lần lượt nhập học thì chị Thy mới cuống cuồng, nhưng đã hết thời hạn.
Trong khi với số điểm đó, con gái chị có thể vào một ngành học khác. Con chị Thy tiếp tục cơn trầm cảm sau sự kiện thi trượt, một năm sau, bệnh tình của cô bé mới thuyên giảm, nhưng bác sĩ yêu cầu tránh xa stress. Chị Thy không dám liều cho con thi đại học lại, vì sợ sự căng thẳng khiến con phát điên.
Khi điểm thi không như ý muốn, trẻ chịu một gánh nặng tâm lý rất lớn. Nhất là với các em chưa từng va vấp, thất bại. Hơn bao giờ hết, cha mẹ cần đồng hành với con trong giai đoạn khó khăn này.
Linh Phương, cháu tôi, tâm sự trên facebook: “Mình sinh ra vốn không phải “con nhà người ta” như mẹ mong muốn. Làm mẹ thất vọng, mình thấy có lỗi. Sao mẹ không thể an ủi con một câu “không sao đâu, sang năm thi lại cũng được mà”... Giờ mình chỉ muốn đi một nơi thật xa để không phải nhìn ba mẹ buồn”.
Dòng status đó được chồng chụp lại gửi cho chị Hà khiến chị hốt hoảng. Tôi khuyên chị bình tĩnh, với số điểm của Linh Phương và hơn 10 nguyện vọng như trong hồ sơ thì chưa thể nói cháu thất bại. Chỉ vì gia đình quá kỳ vọng cháu sẽ đậu vào Đại học An ninh nên mới thế.
Điều chị cần làm bây giờ là cùng con cập nhật tình hình tuyển sinh để thay đổi nguyện vọng, cơ hội vào đại học vẫn còn rộng mở. Nếu cháu quyết tâm thì chị có thể động viên để sang năm ôn thi lại. Quan trọng nhất là chị không được bỏ rơi cháu trong thời điểm này.
Chỉ một ô cửa khép
Kết quả thi đại học có quan trọng không? Thẳng thắn thưa rằng rất quan trọng với những ai xem đấy là một mục tiêu vươn đến. Nhưng không cần thêu dệt tấm bằng đại học như thể “tấm vé thông hành”, “công tắc bật mở tương lai”. Những mỹ từ ấy, với bạn trẻ nào đấy, trong trường hợp nào đấy, cũng là vũ khí “sát thương”.
Khi đối đầu với cú sốc mang tên “thi trượt đại học”, không ít học sinh đã tìm tới cái chết. Bi kịch đã xảy đến với em V. ở Nghệ An khi em tự tử bằng lá ngón; em Th. học sinh giỏi cấp tỉnh ở Hà Tĩnh đã gieo mình xuống sông Lam; em H. ở Nam Định đã chọn cách thắt cổ, em T. ở Quảng Ngãi tẩm xăng tự thiêu trong căn phòng khóa trái cửa để lại dòng tin nhắn chua xót “trượt đại học, con thất vọng và nhục nhã, chỉ muốn chết”... Những vụ tự tử vì thi trượt không thể kể hết, còn biết bao bạn trẻ sống trong trầm cảm, phải điều trị tâm thần sau cú sốc này.
Thương con, lo cho con từ tấm bé, cha mẹ nào chẳng có những mong chờ, lo lắng cho tương lai của con? Nhưng mấy ai chú tâm kiểm định khả năng chịu đựng của con trẻ. Suốt 12 năm đèn sách, phụ huynh chỉ vui mừng khi thấy con bơm, nhồi vào đầu hết công thức này đến mệnh đề nọ.
Liệu có mấy cha mẹ biết hướng con tới những quan niệm sống thoáng hơn, tích cực hơn, như định nghĩa thành công chính là khi làm được điều con vui, con hạnh phúc và hữu ích, dù hoàn cảnh có như thế nào. Mấy ai nhắc con tỉnh táo trước những cuộc chạy đua thành tích và trào lưu chuộng hình thức. Mấy ai phân tích cho con hiểu giàu-nghèo, giỏi-dốt, thắng - thua... chỉ là những khái niệm tương đối, nếu ta luôn nhìn thất bại như một trải nghiệm thì sẽ thấy nhẹ nhàng, dễ buông.
Và đã mấy ai biết ôm lấy đứa con đang rầu rầu vì thất bại mà nói rằng: cánh cửa đại học cũng như một ô cửa trong chung cư. Nếu ô cửa ấy khép, con cứ mở những ô cửa khác, gió trời cũng thổi lộng...
Hà Lam - Tô Diệu Hiền
Thất bại không phải là lỗi
Ở trường Đại học Cornell (Mỹ), sau làn sóng sinh viên tự tử vì áp lực học tập, năm 2010 bắt đầu có những chương trình dạy kỹ năng cho sinh viên, củng cố thái độ kiên cường, sẵn sàng đối diện với thất bại. Không lâu sau, đại học Standford (Mỹ) thực hiện “Dự án kiên cường” giúp sinh viên làm quen với việc phải thất bại để rồi nỗ lực hơn nữa.
Thái độ tích cực trước thất bại là kỹ năng quan trọng mà Đại học Smith ở Massachusetts (Mỹ) chú trọng phát triển cho các sinh viên. Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy giữa khuôn viên trường là hình ảnh một số sinh viên bình tĩnh nhắc về bài kiểm tra có điểm số cực thấp, về việc liên tục bị từ chối đăng bài viết khoa học, hay bất cứ “sự cố” học tập nào. Mục đích của việc chia sẻ rộng rãi là dạy các em cách chấp nhận thất bại và xem đó như một cột mốc trên chặng đường rèn luyện, chinh phục thành công.
Đây là hoạt động dựa trên sáng kiến Failing Well (đón nhận thất bại một cách tích cực) với mong muốn các em sinh viên hiểu giá trị của thất bại. Chuyên gia phát triển khả năng lãnh đạo Rachel Simmons thuộc trung tâm phát triển nguồn nhân lực của Đại học Smith cho biết, họ muốn người trẻ xem thất bại là một việc bình thường, không phải là lỗi. Có như thế học sinh mới thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực, nhanh chóng hồi phục hoặc thậm chí không cần thời gian hồi phục tinh thần, mà sẵn sàng tiếp tục tiến về phía trước.
Tiến sĩ khoa học xã hội John Orlando cho biết: trong quân đội, việc học từ thất bại là kỹ năng vô cùng quan trọng. Rèn luyện trên thao trường đòi hỏi phải thiết kế những bài tập cực khó để không ai có thể vượt qua, mục đích là mài giũa tính kiên cường của binh sĩ. Trong việc tập luyện đối với các phi công cũng thế, độ khó ngày càng tăng, yêu cầu xử lý trong tình huống khẩn cấp được đẩy lên mức vô cùng phức tạp để họ học cách đối diện với thất bại. Thế nhưng, điều đáng buồn là trong giáo dục, thất bại lại bị quy chụp là sự vô dụng, bỏ đi.
Thiên Anh
(Theo Independent)
Ăn mừng thất bại
Chị Joelle Wisler là một trong những người mẹ rất tích cực chia sẻ những câu chuỵên thú vị về dạy con trên cộng đồng nuôi dạy con Scary Mommy. Câu chuyện “Hãy giúp con học cách ăn mừng khi thất bại” đã tạo được sự đồng cảm.
|
Chị Joelle Wisler và các con |
Hôm ấy con chị mang về bài kiểm tra toán với kết quả xấu, chằng chịt mực đỏ sửa lỗi của giáo viên. Con trai chị vốn học toán rất nhanh và yêu thích môn học này. Những suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu người mẹ này là vô vàn câu hỏi: “Con chểnh mảng ư? Con mất căn bản về toán lúc nào? Con không cẩn thận? Hay quá chủ quan?”.
Nhưng chị nhanh chóng trấn tĩnh, không vội nói ra điều gì không hay, chị chỉ nói: “Chúng ta sẽ cùng nhau nói về việc này”. Cách chị Joelle Wisler bình tĩnh giúp cậu bé thở phào, khuôn mặt thư giãn hẳn và Joelle cảm nhận ít ra chị đã không làm con hoảng sợ. Sau khi trao đổi với chồng, chị Joelle quyết định biến đây là cơ hội để… ăn mừng cùng con. Gia đình chị Joelle Wisler đã có một bữa tối đặc biệt với bánh kem. Chị và chồng cười tươi: “Thất bại cũng là bình thường, hãy thật thư giãn nhé con! Hãy vượt qua thất bại!”.
Chị trải lòng: “Tôi muốn con nhận ra con đã thất bại, nhưng thất bại không phải là chấm hết. Con là một người bình thường và hoàn toàn có thể sai lầm, vấp ngã nhưng con phải cố gắng. Nếu con làm sai, bố mẹ sẽ không thay con sửa lỗi mà chính con phải tận dụng cơ hội để rút kinh nghiệm. Trên tất cả, con có thể thất bại và bố mẹ vẫn yêu con”.
Anh Thông
(Theo Scary Mommy)