Giúp con tự làm rào chắn

18/07/2023 - 08:39

PNO - Nếu có rào chắn - những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước tệ nạn, trước những cám dỗ thể xác, tinh thần… những đứa trẻ ngoan sẽ khó lầm đường, lạc lối.

Là phụ huynh của những đứa con ngoan hóa hư, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy hẫng hụt, thất vọng, thậm chí có không ít ông bố bà mẹ có tâm lý tự trách bản thân. Cha mẹ nào cũng muốn con mình là phiên bản tốt nhất, chí ít phải chăm ngoan, học giỏi hoặc đáp ứng những kỳ vọng của gia đình.

Nếu kết quả không đúng như mong đợi, mỗi người rất cần giữ được sự bình tĩnh để phân định rõ như thế nào là ngoan, hư. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến con trẻ. Một khi người lớn thấu hiểu được con trẻ sẽ biết cách đồng hành cùng con hiệu quả hơn. 

Kỳ thực, có nhiều nguyên nhân khiến một đứa con ngoan hóa hư. Tựu trung gồm 2 nhóm nguyên nhân chính: 

- Nguyên nhân bên trong (đến từ trẻ): Có thể do các bạn trẻ đang trong độ tuổi hoàn thiện về nhân cách, sự trải nghiệm chưa nhiều nên sự gạn lọc thông tin ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Phần khác, có thể do các bạn nhỏ vốn quen với việc được sống trong vùng an toàn và sự bảo bọc của gia đình nên kỹ năng xử lý tình huống bị hạn chế. Nói cách khác, rào chắn tự bảo vệ của các con yếu nên dễ mẫn cảm với những tác nhân tác động. Cũng có thể do nhu cầu bên trong thôi thúc và khi gặp điều kiện thuận lợi mà không có người lớn kiểm soát, các bạn trẻ dễ xử lý theo cảm tính và hành động bản năng, bộc phát hoặc do những dồn nén lâu ngày bị bùng nổ.

- Nguyên nhân bên ngoài: Có thể do gia đình, cha mẹ ít dành thời gian cho con trẻ nên không phát hiện và điều chỉnh kịp thời những biểu hiện về mặt thái độ và hành vi lệch chuẩn của các con. Song song đó, các trang mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhan nhản những nội dung tiêu cực, độc hại.

Trong khi, các bạn nhỏ phải tự bơi trong biển cả thông tin. Hoặc do môi trường sống mới, khi bạn trẻ rời vòng tay gia đình, bị các thành phần xấu dẫn dụ, lôi kéo.

Khi phụ huynh xác định được nguyên nhân, nếu như thuộc về phía người lớn thì cha mẹ nên cố gắng thu xếp thời gian, dành nhiều sự quan tâm hơn đến các em; đồng hành cùng con để uốn nắn, điều chỉnh một cách mềm dẻo, linh hoạt.

Ngược lại, nếu nguyên nhân từ trẻ, hãy tôn trọng trẻ, tránh những phán xét, trách móc không đáng có. Nói như vậy không đồng nghĩa với sự che đậy mà thay vào đó phải chỉ ra những sai lầm để cùng con đưa ra sự thỏa hiệp, phương án giải quyết thích hợp nhất.

Điều quan trọng nhất phụ huynh cần lưu ý chính là ba mẹ xây thành trì bảo vệ, bảo bọc con sẽ không bằng rào chắn mà trẻ tự xây cho chính mình. Nếu có rào chắn - những kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ trước tệ nạn, trước những cám dỗ thể xác, tinh thần… những đứa trẻ ngoan sẽ khó lầm đường, lạc lối.

Nếu thành trì của ba mẹ đủ vững chắc, sẽ kịp thời phát hiện ngay những biến động tâm sinh lý, nền nếp sinh hoạt của con qua từng biểu hiện hằng ngày. Xin đừng để quá muộn! 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI