Giúp con tránh trò độc hại trên YouTube

16/10/2020 - 12:01

PNO - Các kênh thông tin, giải trí độc hại không chỉ làm khó việc giáo dục, uốn nắn trẻ, mà còn là chuyện an nguy mạng sống.

Mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện một bé gái 5 tuổi (được cho là ở TPHCM) tự tử bằng khăn voan khi bắt chước một chương trình hoạt hình trên YouTube. Chưa thấy thông tin xác minh của cơ quan chức năng, nhưng năm ngoái từng có một bé 7 tuổi thực hiện trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được”, bé may mắn giữ được mạng sống.

Còn 4 tuần nữa chị gái tôi mới vượt cạn, trong những lần trò chuyện với chị, tôi cảm nhận một nỗi lo không nhỏ: làm thế nào nuôi dạy con khi mọi đứa trẻ thời nay đều cắm mặt vào thiết bị công nghệ?                

Cuộc sống hiện đại cho con người nhiều kênh giải trí hơn, nhưng đi kèm đó là nguy hại khó lường. Con cái của bạn bè tôi, đứa thì ăn cháo thì kèm chén cháo là chiếc điện thoại của mẹ; đứa ăn cơm thì cùng chén cơm là chương trình hoạt hình trên tivi. Những đứa trẻ khác, chỉ 2-3 tuổi đã “rành 6 câu vọng cổ” để rà các kênh truyền hình, tìm clip và kênh YouTube ưa thích trên tivi internet hay lướt tính bảng nhoay nhoáy.

Lần nọ, chứng kiến đứa bé 6 tuổi vừa khóc vừa nằm giãy giụa giữa trung tâm thương mại vì bị mẹ "tịch thu" điện thoại, chị tôi rùng mình. "Mình có cách nào cho con khỏi nhiễm hội chứng nghiện thiết bị công nghệ không?", chị tôi tự vấn khi đứa bé dần lớn trong bụng mẹ.

Có thể ai đó cho rằng chị em tôi lo xa quá mức. Nhưng với những sự việc thương tâm, thậm chí thiệt hại cả tính mạng như vụ việc các cô bé cậu bé bắt chước mạng xã hội và thực hiện các thử thách, bà mẹ nào dám chủ quan? Các kênh thông tin, giải trí độc hại không chỉ làm khó việc giáo dục, uốn nắn trẻ, mà còn là chuyện an nguy mạng sống.

Mỗi tháng lại thêm những ứng dụng dành cho trẻ nhỏ ra đời, nhưng vẫn không đủ hấp dẫn, không đáp ứng nhu cầu của mọi đứa trẻ. Nhiều ứng dụng của người lớn đã khống chế độ tuổi, đã dán nhãn cảnh báo nguy hiểm, nhưng không thể cản lũ trẻ tiếp cận, bởi bản chất của trẻ thơ là tò mò, ham thích bắt chước. Chưa kể, tâm lý của con người, bất kể tuổi nào, cũng dễ bị thu hút, kích thích bởi những thông tin trái khoáy, "ngược dòng"...

YouTube, truyền hình trở thành công cụ giải trí quen thuộc của trẻ
YouTube, truyền hình trở thành công cụ giải trí "quen thuộc" của trẻ (ảnh minh hoạ)

Đồng nghiệp ở cơ quan tôi chia sẻ rằng, khi con lớn của chị vào lớp Một, gia đình buộc phải cắt các thiết bị công nghệ. Đầu tiên là internet, sau đến truyền hình cáp, tivi chỉ còn các kênh HTV. Thế nhưng, dù chương trình các kênh trên tẻ nhạt với bọn trẻ, hai đứa con chị vẫn bật tivi như một thói quen lệ thuộc vào màn hình. Chúng dán mắt theo bất cứ nội dung nào, dù không hiểu cũng chẳng yêu thích.

Cuối cùng, chị tháo gỡ, bán luôn 3 chiếc tivi ở phòng khách, bếp, phòng ngủ. Dĩ nhiên, sinh hoạt của người lớn cũng vì thế mà bất tiện theo khi vợ chồng chị về nhà không được xem phim, nghe thời sự hay theo dõi các chương trình giải trí. Chị cho rằng, đó là sự đánh đổi cần thiết, bởi thói quen của con trẻ bị ảnh hưởng và được hình thành từ hoạt động thường ngày của người lớn.

Người lớn còn xem ngày nào, thì không thể cấm trẻ nhỏ xem ngày đó. Cha mẹ suốt ngày chúi mũi vào mạng xã hội chat chit, thì cũng khó lòng ngăn con cái ôm điện thoại chơi Facebook, Zalo... Mỗi lần về nhà ngoại, thấy ông bà vật vã chiến đấu với lũ cháu để tắt tivi, chị càng tự tin mà mạnh tay hơn với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, các anh trai chị gái của chị thì đều viện lý do này kia và không thể nói không với thiết bị công nghệ. Kết quả là bà - cháu, cha - con thường xuyên xung đột quanh chuyện bật - tắt, chuyển kênh ti vi, máy tính...

Người chị đồng nghiệp cắt bỏ hẳn tivi trong nhà khi con bắt đầu vào lớp 1
Người chị đồng nghiệp cắt bỏ hẳn "hạng mục tivi" trong nhà khi con bắt đầu vào lớp Một (ảnh minh họa)

Chị gái tôi dự tính sẽ bỏ chiếc Iphone đang dùng, chuyển sang điện thoại bấm phím, chỉ có chức năng nghe gọi. Nhà cũng sẽ tạm thời cắt truyền hình cáp, internet khi đứa bé lớn dần. Bé sẽ được giao cho ông ngoại làm nghề nông trông nom, để con lớn lên cùng những thú vui từ ruộng vườn. 

Ba anh em tôi đều lớn lên thời truyền hình chưa phổ biến, internet còn là khái niệm xa lạ và đều có tuổi thơ đẹp đẽ gắn với ruộng đồng, vườn tược. Có thể chị em tôi cổ hủ quá, tước mất cơ hội học hành và tiếp cận các ứng dụng hiện đại của con cháu, tuy nhiên, trước khi tìm ra giải pháp nào khã dĩ hơn, chúng tôi đành chọn cánh cửa an toàn.

Thuỳ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI