edf40wrjww2tblPage:Content
Họ làm cho con trẻ hết buồn chán bằng cách nào? Họ đọc sách cho con nghe, trò chuyện với con, lắng nghe những câu chuyện mà con nghĩ ra về thế giới xung quanh, họ cùng con vẽ, tô màu, nặn đất, làm các món đồ chơi giản dị. Họ bày ra những trò chơi nho nhỏ thú vị với con… Tất cả những hoạt động đó vô cùng có ích cho con trẻ.
Giờ đây, các bậc phụ huynh luôn tìm đến các trò chơi điện tử như một cái phao. Chỉ cần trẻ mè nheo chút là đút vào tay nó điện thoại, ipad. Miễn là nó không bám lấy mình nữa là được. Điều đó rất có hại cho trẻ. Trước tuổi đến trường chính là khoảng thời gian trẻ tìm hiểu thế giới tốt nhất chứ không phải là chơi game. Cần phải nhấn mạnh một điều là không nên cho trẻ dưới 7 tuổi chơi các món đồ chơi điện tử hơn 1 tiếng đồng hồ 1 ngày, tốt nhất là hạn chế trong vòng 20-30 phút. Nếu cho trẻ cầm máy thì hãy cài vào đó những chương trình mang tính giáo dục, tìm hiểu kiến thức….
Hãy tự nhìn vào gương xem sao?
Có lẽ là bạn hoàn toàn vô tình không nhận ra rằng bạn luôn luôn giữ chiếc điện thoại ở bên mình, thỉnh thoảng lại xem notebook, giữa những công việc tất bật vẫn tìm ra thời gian ghé vào màn hình xem có thư nào hay không… Trẻ con luôn luôn copy các hành động của người lớn. Nếu con cái thấy bạn chẳng khi nào rời điện thoại thì bạn đừng nghĩ là con sẽ không muốn làm điều như vậy. Ba mẹ làm gì cũng đúng cơ mà!
Nếu bạn thành công trong việc giấu, cấm con cái được mó tay vào mọi thứ có liên quan đến internet, game… bạn đừng vội vui mừng với chiến thắng đó. Thứ nhất, cách đó chỉ giải quyết vấn để lúc này và ở đây. Sự nghiện ngập ấy chẳng biến mất, bạn chỉ làm được một điều là giấu đi thứ công cụ của nó chứ không phài là triệt tiêu đam mê chơi game. Thêm nữa, bạn không kè kè bên con suốt ngày được. Và khi không có bạn, mọi cố gắng của bạn sụp đổ. Ngay khi bạn khuất sau cánh cửa con bạn sẽ tìm mọi cách đạt được điều nó muốn.
Có cần phải lo lắng hay không?
Thật ra thì các bậc phụ huynh ngày nay chưa bao giờ biết đến căn bệnh “nghiện máy tính”. Vì thế họ đã có một khoảng thời gian dài không cảm thấy lo lắng gì về máy tính. Thậm chí hơn thế nữa họ còn vui sướng khi thấy con luôn ở trong nhà, trong tầm cai quản của mình. Để nó ra ngoài kia biết bao nhiêu là nguy hiểm, có khi còn chơi với bạn xấu nữa!
Mọi chuyện chỉ bắt đầu khiến họ lo lắng khi họ hiểu ra rằng con cái cũng chẳng cần phải ra khỏi nhà nữa. Để làm gì? Chúng có thể biết mọi thứ từ màn hình máy vi tính. Chúng tìm thấy trong internet mọi thứ chúng muốn.
Khi nào thì cần phải lo lắng?
- Khi trò chơi chiếm hết mọi sự chú ý của trẻ, cả khi chúng không chơi. Chúng đi học về là chỉ nghĩ tới chuyện sẽ bắt đầu được chơi. Hay khi con của bạn bắt đầu tưởng tượng: cậu ta nghĩ xem cậu ta sẽ làm gì trong trò chơi, xây thành phố ảo thế nào, làm sao để vượt qua một tình huống khó khăn…
- Khi con bạn chơi liên tục không ngừng nghỉ. Thí dụ nếu con bạn vượt qua một lever khó trong trò chơi, nó cảm thấy nhẹ nhàng và bắt đầu làm việc khác như chơi những trò chơi vận động, đọc sách… khi đó bạn không cần phải quá lo lắng. Nhưng nếu nó chơi liên tục không ngừng thì bạn nên quan tâm.
- Khi con bạn có những hành động khác lạ, những phản ứng cảm xúc thái quá. Nó khóc và la hét, tức tối để thể hiện sự thất vọng khi bị thua trong trò chơi. Hoặc khi nó coi chiến thắng là điều gì vô cùng đặc biệt và khoái trá vì sự kiện đó suốt ngày. Có những đứa trẻ khi bị thua còn đập cả máy tính vì không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Giúp con thế nào?
Bạn cần phải hiểu rằng trò chơi trên máy tính mang đến cho con mọi thứ nó muốn: một thế giới đầy màu sắc, tươi sáng và năng động. Hãy cố gắng tìm hiểu xem con bạn thích gì nhất trong trò chơi, điều gì chúng còn thiếu thốn trong cuộc sống thật. Nếu như con bạn thích cảm giác phiêu lưu, sao bạn không gầy dựng cho bé những phiêu lưu như vậy ngoài đời? Đưa con đi chơi ở những nơi còn hoang sơ, hay thậm chí là khám phá những địa điểm mới lạ trong thành phố. Khi đó, có thể những trò chơi máy tính sẽ không còn quá hấp dẫn với bé nữa..
Theo các nhà tâm lý, phụ huynh nào quyết định đấu tranh với căn bệnh ghiền máy tính của con mình thì sẽ phải chuẩn bị tinh thần rằng điều đó sẽ tốn nhiều thời gian, thậm chí cả tiền bạc. Nếu không đủ sức lực và sự kiên trì, bạn sẽ cần đến sự trợ giúp của các nhà tâm lý, các nhóm cai nghiện game dành cho thanh thiếu niên. Tuy nhiên, tốt hơn hết là hãy đề phòng căn bệnh này trước khi nó trở nên nặng nề tới mức như thế.
Các nhà tâm lý học nhận xét rằng nếu trẻ bắt đầu nghiện, nó thường làm hỏng mọi mối quan hệ với mọi người xung quanh, thậm chí rất khó để gầy dựng lòng tin với cha mẹ. Sự thiếu hiểu biết lẫn nhau, mất lòng tin giữa cha mẹ và con cái chính là nguyên nhân khiến trẻ muốn đi khỏi gia đình, không phải là ra đường mà là vào thế giới ảo.
Ở Trung Quốc hiện nay vấn đề nghiện máy tính ở trẻ em đã trở nên hết sức nghiêm trọng. Người ta đã buộc phải gửi những đứa con như thế vào bệnh viện và ở đó chúng phải tuân thủ chế độ sinh hoạt nghiêm khắc từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối. Thay vì game là lao động và thể thao trong suốt 6 tháng!
THIÊN DI