Giúp con phân biệt giữa tố cáo và mách lẻo: Cách để bảo vệ con khỏi bạo lực học đường

09/11/2016 - 11:30

PNO - Khi được hỏi lí do vì sao không tố cáo với người lớn, nhiều em cho rằng hành động đó là “mách lẻo”. Vì vậy, phụ huynh cần phải giải thích rõ ràng cho con biết đâu là tố cáo, đâu là mách lẻo.

Gần đây, hàng loạt vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra rung lên một hồi chuông cảnh báo về việc giáo dục đạo đức cho trẻ em cả trong và ngoài trường học.

Tuy nhiên, đa phần nạn nhân của những vụ bạo lực đã từng bị bắt nạt một hoặc một vài lần trước đó nhưng cha mẹ không hề hay biết, điều này lại chỉ ra một thực tế rằng mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái vô cùng lỏng lẻo, không có sự thân thiết, hoặc trẻ không biết làm thế nào để chia sẻ với bố mẹ và bố mẹ cũng không biết phải bắt đầu nói chuyện với trẻ từ đâu.

Trẻ nhỏ thường không tố cáo những hành vi bắt nạt với thầy cô hay bố mẹ. Thậm chí những đứa trẻ nhỏ hơn thậm chí còn không nhận ra đâu là hành vi bắt nạt, hoặc tệ hơn, chúng không dám nói với người lớn.

Giup con phan biet giua to cao va mach leo: Cach de bao ve con khoi bao luc hoc duong
Một vụ học sinh đánh nhau ở thị trấn Sông Đốc, Cà Mau (Ảnh TTO).

Khi được hỏi lí do vì sao không tố cáo với người lớn, nhiều em cho rằng hành động đó là “mách lẻo” và không muốn bị bạn bè gọi mình là “đồ mách lẻo”.

Vì vậy, phụ huynh cần phải nói chuyện rõ ràng với con về vấn đề này, và giải thích rõ ràng cho con đâu là tố cáo, đâu là mách lẻo.

Sau đây là một vài lời khuyên để bắt đầu những cuộc trò chuyện về vấn đề bắt nạt với trẻ:

1. Định nghĩa thế nào là bắt nạt

Giải thích cho con, bắt nạt là làm ai đó bị tổn thương bởi một trong hai: Lời nói hoặc hành vi. Những lời nói hay việc làm cho con cảm thấy tồi tệ, và con có một thời gian khó khăn để chấp nhận những gì đang xảy ra với con.

2. Giải thích sự khác biệt giữa mách lẻo và tố cáo

Nếu con bạn bị bắt nạt ở trường, hãy nói với con nên làm những gì và trước hết là phải nói với người lớn. Mách lẻo là nói những điều gây bất lợi với người khác, khiến họ gặp rắc rối.

Đó là một hành vi vô hại, mà thường không cần người lớn can thiệp.
Tố cáo là nói lên để bảo vệ chính con và các bạn khác khỏi thương tổn. Những lúc bị bắt nạt, các con sẽ rất tổn thương và trường hợp này các con cần người lớn giúp đỡ.

Giup con phan biet giua to cao va mach leo: Cach de bao ve con khoi bao luc hoc duong
Cha mẹ nên lấy ví dụ rõ ràng cho con nhận biết rõ thế nào là bắt nạt.

3. Lấy các ví dụ

Lấy ví dụ về tố cáo và mách lẻo, và hỏi con xem trong tình huống nào con nên nói với người lớn, các con có cần người lớn giúp đỡ hay không, có ai bị tổn thương hay bị tổn hại gì không.

Ví dụ, bạn A chuyền giấy cho các bạn, đây là một hành động không gây hại gì. Nếu con mách cô, con sẽ bị gọi là mách lẻo. Nhưng khi bạn B bảo các bạn tẩy chay bạn mới chuyển đến, không chơi với bạn ấy trong giờ ra chơi hay giờ ăn trưa, thì đây là hành vi bắt nạt, và nó làm tổn thương bạn gái ấy. Hãy nhớ nói cho con đáp án đúng.

4. Hãy ủng hộ con

Nếu con bạn muốn tố cáo hành vi bắt nạt, hãy sẵn sàng lắng nghe con. Cho dù đó là những câu chuyện hết sức trẻ con, nhưng hãy để chúng kể ra. Điều quan trọng là phải biết ủng hộ con, chú tâm vào việc tìm cho con giải pháp và coi trọng những điều mà con nói.

Khánh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI