Dưới tác động của kỷ nguyên số, phần đông trẻ em đã bắt đầu tiếp cận với các thiết bị công nghệ. Ở nhiều gia đình, trẻ nhỏ được cha mẹ ưu ái trang bị máy tính, điện thoại riêng và đôi khi được cấp luôn “khoảng trời riêng” để mặc con “muốn làm gì thì làm”.
“Điểm mặt” những nguy cơ
Sẽ không có gì đáng nói, nếu trẻ chỉ sử dụng các thiết bị này cho việc học tập hay thỉnh thoảng trò chuyện với bạn bè và giải trí phù hợp với độ tuổi. Tuy nhiên, thiết bị kết nối internet đã mở ra cả thế giới khác lạ trong mắt trẻ, trong đó, mạng xã hội và game online thu hút hơn cả. Do đó, việc chỉ tập trung học tập là chuyện khó được đảm bảo.
Có thể nói, việc tiếp cận công nghệ quá sớm nhưng lại thiếu sự quản lý, giám sát cần thiết từ phụ huynh sẽ đem lại nguy cơ nhiều hơn là cơ hội cho trẻ.
Đơn cử như thông tin cá nhân bị đánh cắp, dữ liệu người dùng bị theo dõi, kẻ xấu lợi dụng sự non dạ, cả tin của trẻ để lừa gạt, thao túng tinh thần và cạm bẫy từ các game độc hại cũng chờ sẵn để ngốn thời gian, tạo ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ.
|
Giảng viên tâm lý học - thạc sĩ Lê Minh Huân trong buổi hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh |
Trong một cuộc tham vấn tâm lý cách đây không lâu, vị phụ huynh tên Tr. cầu cứu tôi khi phát hiện con trai bị đối tượng xấu đe dọa tấn công nếu cậu bé không làm theo lời họ.
Người mẹ này càng tá hỏa khi mở được mật khẩu điện thoại và phát hiện con gái gửi cả hình khỏa thân cho kẻ xấu sau nhiều ngày thấy con có vẻ mệt mỏi, bất an và nhốt mình trong phòng riêng.
Nhiều năm qua, một số học sinh cũng tìm đến nhờ chúng tôi tham vấn vì bị người lạ nhắn tin quấy rối nhiều lần, tung tin giả “mượn tiền không trả/ăn cắp tiền quỹ lớp...” với lời lẽ đe dọa, công kích khiến các em hoảng loạn, lo lắng, có em đã nghĩ đến việc tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình.
Thực tế cho thấy, dùng thiết bị công nghệ nói chung, chơi mạng xã hội nói riêng đối với trẻ nhỏ - những người chưa được trang bị/rèn luyện kỹ năng thích ứng - cũng giống như cầm dao đằng lưỡi vậy. Chỉ cần sơ suất là có thể để lại hậu quả. Do đó, việc cha mẹ, thầy cô càng nhận diện tốt các nguy cơ đến từ việc sử dụng công nghệ, càng dễ dàng định hướng, giúp đỡ và giáo dục trẻ khả năng thích nghi, thích ứng trong thời đại số.
|
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: tirachardz |
Dạy con đối diện và thích ứng
Nhiều phụ huynh bày tỏ: “Chính cha mẹ đôi khi còn dính bẫy khi dùng “công nghệ”, làm sao có thể dạy con sử dụng công nghệ/mạng xã hội hiệu quả?”.
Thực ra, so với trẻ nhỏ thì người lớn có lợi thế hơn để học hỏi, cải thiện khả năng nào đó, “nếu muốn họ sẽ tìm cách” và dễ dàng thích ứng hơn gấp nhiều lần trẻ nhỏ nhờ sự trưởng thành trong nhận thức, tư duy, trải nghiệm. Do đó, chúng ta không cần quá lo lắng, chỉ cần chuẩn bị tinh thần đối diện và giải quyết vấn đề từng bước thì sẽ giúp được trẻ.
- Đối với học sinh tiểu học, đầu cấp THCS khi giao điện thoại, máy tính cho con cần giám sát bằng nhiều cách như quy định thời gian sử dụng của con, nêu rõ mục đích sử dụng để học tập hay vui chơi và sử dụng ở nơi ba mẹ có thể quan sát khi cần thiết. Đặc biệt, thỏa thuận chỉ truy cập những trang web/phần mềm phục vụ học tập, các thao tác khác phải có sự đồng ý của cha mẹ.
- Một số nền tảng mạng xã hội quy định rõ độ tuổi được tạo tài khoản như Facebook là 13 tuổi trở lên. Trước và sau khi lập tài khoản, phụ huynh nên trang bị cho con kiến thức cơ bản để ứng xử văn minh và loại trừ rủi ro khi dùng.
|
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: Pressfoto |
Chẳng hạn, đăng bài cần cân nhắc ngôn từ trong sáng, nhẹ nhàng, phù hợp độ tuổi, hạn chế chia sẻ địa chỉ, thông tin cá nhân hoặc người thân trên Facebook; khi gửi/nhận lời mời kết bạn cần xem xét thông tin từ đối phương có rõ ràng, đáng tin hay không, mình có quen họ ngoài đời thực hay những gì họ đăng có giá trị học hỏi và lành mạnh hay không.
Tuyệt đối không đồng ý kết bạn khi thấy tài khoản của đối phương có nhiều điều đáng ngờ; khi nhắn tin cho ai đó cần sử dụng từ ngữ như thế nào cho phù hợp, dừng trao đổi nếu bất đồng quan điểm hoặc người khác yêu cầu gửi hình ảnh, thông tin mà bản thân thấy không an toàn, cần thiết.
Trên hết, hướng dẫn trẻ hãy tham khảo ý kiến người lớn khi cần thiết. Khi trẻ đã làm chủ được hành vi của mình hãy nới lỏng để tập tính tự lập, trách nhiệm cho con, phụ huynh chỉ cần xuất hiện khi trẻ muốn được tư vấn.
- Trò chuyện với trẻ về các nguy cơ thường gặp khi dùng internet như quảng cáo không lành mạnh, đường dẫn chứa mã độc/vi-rút, game bạo lực, nội dung nhạy cảm, thiếu văn minh, cách hacker hoạt động/xâm nhập máy tính, điện thoại... nhằm tránh các rắc rối không đáng có.
- Thỏa ước với trẻ: “Không có bí mật nào con cần phải giữ với ba mẹ. Khi gặp vấn đề, khi gây họa, khi cần lời khuyên hay khi bị bắt nạt, tấn công trên điện thoại, máy tính, mạng xã hội... thì thông báo với cha mẹ càng sớm càng tốt. Cha mẹ luôn sẵn sàng giải quyết cùng con”. Có như vậy trẻ mới dám mở lòng khi sai sót, gặp chuyện.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân
(Trung tâm Ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên)
Kết bạn trên mạng: Hên xui! Mạng xã hội giúp những người cùng sở thích, thú vui, mối quan tâm được chia sẻ, tâm sự với nhau. Tuy nhiên, không dừng lại ở mặt tốt, đã có những kẻ đi lừa gạt lấy tiền, tung ảnh cá nhân của học sinh lên mạng. Kim C. - một bạn gái đã nói với tôi trong sợ hãi: “Bà ơi, tui có chuyện này muốn kể cho bà, mà cũng không biết nên kể hay không?”. Chuyện là, có một người đàn ông giả là bạn nam cùng tuổi xin kết bạn sau đó lấy được hình C. mặc đồ hở hang, rồi dọa rằng nếu không chuyển tiền cho hắn thì hắn sẽ tung ảnh C. lên mạng. Bạn tôi rất khổ sở và lo lắng, cũng không dám nói cho ba mẹ biết vì sợ bị la “tại sao lại đưa ảnh cho người lạ”. Cuối cùng C. chỉ dám nói cho bạn bè biết và cùng tìm cách gỡ rối. Tôi nghĩ kết bạn trên mạng cũng có mặt tốt và mặt xấu. Nếu ta có nhiều bạn trên mạng thì sẽ mở rộng mối quan hệ, có thể học hỏi những điều hay, tâm sự cùng những người chưa quen. Tuy nhiên, khó thể biết được mục đích tiếp cận mình của họ là gì, họ là ai và cũng không hề biết họ là người như thế nào. Do giao lưu trên mạng không phải là tiếp xúc trực tiếp, nên mối quan hệ ảo này thường được đánh giá không an toàn. Không ít tình huống xấu đã xảy ra, khiến cho nạn nhân hoang mang và ảnh hưởng đến tương lai. Chưa kể, có những thanh niên nhắn tin với các bạn nữ những lời tục tĩu khiến các bạn khiếp sợ. Ở tuổi 12 - 15, tính cách của các bạn thay đổi rất nhiều, gặp những chuyện như vậy các bạn không dám kể cho ba mẹ, nên sa sút tinh thần. Nếu làm bạn không ổn thì “unfriend” có dễ không? Nhiều bạn sợ rằng, nếu chặn tài khoản của đối tượng thì họ sẽ chụp ảnh tài khoản của mình lên để “bóc phốt”, mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Với tôi, từ đầu, tôi sẽ hạn chế kết bạn, hết sức cẩn trọng với những người không quen biết. “nếu phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói thì phải suy nghĩ… tám lần trước khi đồng ý chấp nhận kết bạn và bắt đầu giao lưu, tương tác với người lạ” - nhóm bạn học của tôi thường nói đùa như thế nhưng là lời căn dặn chân thành để bảo vệ nhau trước nguy cơ từ mạng. Có khi người lạ đội lốt người thân quen (sử dụng ảnh đại diện của người thân quen) để dễ dàng tiếp cận. Tốt nhất, nếu mình không biết họ là ai thì đừng bao giờ chấp nhận lời mời kết bạn. Nên thử vào phần bạn chung xem có người bạn nào của mình quen họ hay không, trao đổi với bạn của mình thông tin cơ bản về họ để cân nhắc việc chấp nhận kết bạn. Nếu họ nhắn tin trực tiếp cho mình mà mình cảm thấy không an toàn thì chặn tin nhắn ngay, đừng chần chừ. Cũng có thể chặn luôn tài khoản Facebook của họ, để họ không tìm thấy chúng ta nữa. Nếu lỡ xảy ra chuyện rắc rối, mạnh dạn nói cho ba mẹ để có người cùng vượt qua khó khăn với mình, đừng giữ kín trong lòng, vì ba mẹ sẽ không la bạn đâu, mà sẽ bên cạnh động viên, hỗ trợ cách xử lý. Mong các bạn đang trong độ tuổi teen như tôi biết cách ngăn chặn những tình huống xấu có thể xảy ra. Mong các bậc phụ huynh quan tâm con cái mình nhiều hơn, thường xuyên hỏi chuyện xem con có gặp phải vấn đề gì không thể giải quyết hay không. Hy vọng không ai gặp tai nạn với người lạ trên mạng xã hội. Thủy Thanh (13 tuổi, Q.4, TP.HCM) |