Giúp con làm quen với bạn mới

07/09/2017 - 10:25

PNO - Có cách nào dạy cháu mạnh dạn tự làm quen bạn mới? Thật ra, chính tôi cũng rất e ngại khi tự mình mở miệng làm quen với ai trước.

Con gái tôi vào lớp 6. Trước ngày nhập học cháu rất nôn nao, lo lắng vì chỉ toàn bạn mới. Cháu nói: “Con chỉ ước lớp toàn các bạn lớp 5 lên học cùng. Làm sao có thể nói chuyện với bạn mới được!”. Nhập học đã hơn tuần, con tôi vẫn chưa quen được với bạn nào trong lớp. Cháu ngại mở miệng làm quen và theo tôi tìm hiểu, các bạn trong lớp cũng vậy.

Giup con lam quen voi ban moi
 

Đa số các cháu tự ăn rồi vào lớp ngồi một mình. Vì thế, con tôi hay than lớp buồn quá, ai cũng xa lạ. Tôi cũng đã khuyến khích đủ cách nhưng cháu vẫn không chịu chủ động làm quen các bạn mới trong lớp. Có cách nào dạy cháu mạnh dạn tự làm quen bạn mới? Thật ra, chính tôi cũng rất e ngại khi tự mình mở miệng làm quen với ai trước.

Cúc Hương
(Cần Thơ)

Chị Cúc Hương mến, 

Con gái chị đang giai đoạn chuyển cấp nên lạ trường lạ bạn, có chút e ngại trong giao tiếp cũng là điều dễ hiểu và đáng được chia sẻ. Nhiều người lớn khi bước vào một môi trường mới cũng ngại giao tiếp, làm quen.

Chính chị cũng nhận thấy mình là người ngại chủ động làm quen với người khác trước, nên có thể cháu bị ảnh hưởng phần nào qua quan sát hành vi giao tiếp của mẹ. Nói đúng ra, khó khăn giao tiếp của cháu và các bạn trong lớp còn liên quan đến việc tổ chức hoạt động của nhà trường và giáo viên vào đầu năm học mới, nhất là với học sinh đầu cấp.

Nếu nhà trường và thầy cô giáo có nhiều hoạt động giao lưu tập thể giữa các học sinh trong trường, lớp sẽ tạo được môi trường cởi mở để các cháu dễ dàng giao tiếp với nhau hơn.

Các giáo viên được đào tạo về phương pháp sư phạm tích cực luôn chú ý đến chuyện “phá băng” để tạo quan hệ tích cực và gắn bó giữa các học sinh, giữa học sinh và giáo viên. Để khắc phục vấn đề, chị và các phụ huynh nên góp ý và phối hợp với giáo viên và nhà trường, đề xuất giáo viên tạo cơ hội cho các cháu giao tiếp với nhau nhiều hơn ngoài giờ học, trong giờ chào cờ, tiết chủ nhiệm… 

Vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng trong việc này. Kỹ năng giao tiếp của con được hình thành trước hết là từ trong gia đình. Khi cháu đi học về, anh chị nên dành thời gian trò chuyện cùng cháu về niềm vui nỗi buồn khi đến trường, về việc học việc chơi… Có thể tận dụng thời gian khi đưa đón cháu, trong bữa ăn, trước giờ đi ngủ…

Cháu chưa thích nghi được với trường học, bạn bè thì càng cần được phụ huynh chia sẻ nhiều hơn để bớt cảm giác buồn chán. Mỗi cuộc trò chuyện còn là cơ hội để cha mẹ hướng dẫn con hòa đồng cùng thầy cô và các bạn mới, hướng dẫn con phương pháp học trên lớp, phương pháp nghe giảng và tự học ở nhà…

Những khi cùng cháu đến trường, chị nên chủ động làm quen với các phụ huynh khác và cả các bạn của con lúc trước khi vào học để kết nối các cháu với nhau. Có phụ huynh bắc cầu, các cháu sẽ dễ mở lời với nhau hơn. Chị “phá băng” cho mình trước, cháu sẽ học theo mẹ chủ động hơn trong giao tiếp.

Chị cứ yên tâm là chỉ sau một thời gian học chung lớp, các cháu sẽ sớm làm thân với nhau thôi. Nếu có sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ và thầy cô, các cháu sẽ hòa đồng nhanh hơn, vui vẻ với nhau sớm hơn. 

Việc kết bạn và nuôi dưỡng tình bạn ở lứa tuổi cấp II là rất quan trọng. Đây là giai đoạn các cháu vào tuổi dậy thì, sẽ có nhiều cảm xúc khác lạ về chính mình, về bạn bè, nhất là người khác giới. Các cháu cần được cha mẹ hướng dẫn cách giao tiếp lịch sự, an toàn, tôn trọng bạn bè.

Các cháu cũng sẽ nảy sinh tình cảm, tình yêu đầu đời và càng cần được cha mẹ làm bạn đồng hành để chia sẻ cảm xúc, giúp con biết chọn bạn mà chơi, biết giữ gìn tình bạn, xác định đâu là tình bạn, đâu là tình yêu… Lứa tuổi này các cháu bắt đầu gắn bó với bạn bè nhiều hơn với cha mẹ, bị ảnh hưởng từ bạn bè nhiều hơn gia đình.

Việc các cháu chơi với ai, chơi chung nhóm nào ảnh hưởng lớn đến chuyện học hành, vui chơi và sự trưởng thành của các cháu. Phụ huynh phải hết sức lưu tâm đến giai đoạn tuổi thần tiên và cũng là tuổi ẩm ương này của con!

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI