Giúp con không bỏ cuộc

12/12/2017 - 10:27

PNO - Hãy dạy cho con biết rằng những trở ngại trong cuộc sống là hiển nhiên, giống như hòn đá cản ta trên đường, hãy tìm cách gạt bỏ hòn đá để lấy đường đi.

“Vợ chồng tôi đều làm kinh doanh. Công việc đòi hỏi cả hai phải luôn cẩn thận, kiên trì. Con gái tôi năm nay lên tám. Cháu rất xinh xắn, dễ thương, nhưng làm gì cũng nhanh nản. Gặp bài toán khó là cháu bỏ dở. Gặp vướng mắc một chút là kêu ca, phàn nàn, nhờ vả hết người này đến người khác. Chúng tôi rất phiền lòng nhưng chưa biết phải giáo dục con ra sao”. Đó là tâm sự của chị Mai Anh (Q.3, TP.HCM).

Giup con khong bo cuoc
Ảnh minh họa

Hằng ngày, trẻ em phải thực hiện rất nhiều hoạt động như học tập, vui chơi, lao động… Đối với sức khỏe và tâm lý của trẻ thì những khó khăn, trở ngại dễ khiến chúng nản lòng, mất lòng tin vào bản thân. Để giúp trẻ có ý chí vượt khó khăn, thử thách, cha mẹ có thể tham khảo một số cách tác động sau:

Tạo cho con niềm tin 

Hãy tạo cho con niềm tin rằng con sẽ làm được và làm tốt. Nói cho con biết chẳng hay ho gì khi mới gặp khó khăn đã nản lòng và đầu hàng; rằng những sự than vãn, buồn chán sẽ chẳng giúp ích gì cho trẻ mà chỉ khiến trẻ tự ti, trì trệ và dễ nản chí hơn.

Chẳng hạn, trò chơi lắp ghép, nếu không thể tưởng tượng ra được những hình ảnh hấp dẫn, trò chơi sẽ mau nhàm chán, khiến con nản lòng. Cha mẹ nên cùng chơi với con, chỉ cho con những cách lắp ghép khác nhau. Hãy động viên trẻ và giúp trẻ có niềm tin rằng cuộc sống sẽ thú vị hơn rất nhiều nếu mỗi người biết cố gắng vượt qua những khó khăn.

Có công mài sắt…

Hãy giúp con có phương hướng đúng đắn - biết con đang làm gì, sau đó nghiêm túc thực hiện hằng ngày, hằng giờ. Ví dụ các bé ở tuổi tiểu học dùng rất nhiều thời gian cho việc luyện chữ. Khi mới tập viết, chữ viết của bé tất nhiên chưa được tròn trịa, ngay ngắn. Song, nếu bé cố gắng, kiên nhẫn luyện tập, chắc chắn chữ viết sẽ tiến bộ. Khi chữ viết càng đẹp, bé sẽ càng có động lực để rèn luyện.

Tiến sĩ tâm lý Lê Duy Tuấn (Đại học Nguyễn Huệ) cho biết: “Rèn cho trẻ biết cách vượt qua khó khăn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải lựa chọn nội dung sao cho vừa sức trẻ. Nếu quá sức, sẽ nguy hiểm hoặc có thể phản tác dụng - khiến trẻ cảm thấy chán nản, bất lực. Nên tránh kiểu cố gắng làm những việc không mang lại lợi ích cụ thể hoặc hành động đó không có ý nghĩa”.

Không ai hoàn hảo

Hãy dạy cho con biết rằng những trở ngại  trong cuộc sống là hiển nhiên, giống như hòn đá cản ta trên đường, hãy tìm cách gạt bỏ hòn đá để lấy đường đi. Nên nhắc con đừng quá để ý vào những rào cản và sự thất bại trước mắt mà cần tập trung vào mục tiêu cuối.

Chẳng hạn, do thiếu tập trung, không suy nghĩ kỹ càng, bé làm sai bài toán và bị cô giáo trách phạt; bé sẽ có thể nản lòng và cho rằng mình học kém. Nếu không có sự chia sẻ kịp thời, bé sẽ càng bất mãn, tự ti. Hãy động viên và trang bị cho bé phương pháp giải toán phù hợp để trẻ tự mình giải những bài toán tương tự, kể cả khó hơn. 

 
(Đại học Nguyễn Huệ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI