Hạnh phúc của trẻ đến từ việc hiểu giá trị bản thân, có khả năng tự tạo động lực cho mình và điều quan trọng không thể bỏ qua là trẻ được sống trong môi trường gia đình mà nơi đó, trẻ có thời gian tương tác với các thành viên còn lại.
|
Ảnh minh họa |
Trẻ hiếm khi tự nhiên bi quan
“Trẻ con đứa nào chẳng vô tư, ngây thơ, có phải lo nghĩ gì đâu”, nhiều người sẽ nghĩ như vậy về những đứa trẻ. Nhưng thực tế, có không ít trẻ luôn buồn chán, bi quan.
Chị Mai Trúc (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) giật mình khi nghe đứa con ba tuổi nói: “Mẹ ơi, con buồn quá! Ba đi làm vắng nhà hoài”. Mẹ chưa kịp giải thích thì cháu tiếp tục tuôn ra: “Mẹ ơi, con chán quá, không có ba nằm kế bên là con chán”. Chị đành dỗ ngọt, ba đi làm chút nữa sẽ về.
Cũng có con rơi vào trạng thái chán… đời như vậy, khi tìm đến chuyên gia tâm lý, chị Bích (tỉnh Bình Dương) ngớ người khi được hỏi: “Hằng ngày, anh chị có hay than vãn chuyện không vui ở nơi làm việc, ngoài đường; anh chị có bất mãn với tiêu cực xã hội?”.
Còn chị Hạ Ngân (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tìm gặp chuyên viên tâm lý bày tỏ lo lắng: “Con gái tôi từ khi bước vào cấp II, lúc nào cũng mang cái mặt dàu dàu, đầy tâm trạng. Nhìn cháu không vui, gia đình cũng cố gắng gần gũi, chia sẻ. Tìm hiểu, tôi biết được rằng, cháu rất buồn bã, thất vọng vì bạn bè sống thiếu chân thành, thầy cô thì hay miệt thị tụi nhỏ. Tôi chẳng biết tìm cách nào để giúp con quên đi những cảnh tiêu cực mà cháu đang chứng kiến”.
Giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan, Trường đại học Nguyễn Huệ, cho biết: tâm lý của trẻ em diễn biến rất phức tạp. Hằng ngày, trẻ tiếp nhận rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng lại thiếu hiểu biết và kinh nghiệm để giải quyết. Vì thế, trẻ dễ băn khoăn, lo lắng.
Chứng kiến những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, bạn bè đánh nhau, cha mẹ, thầy cô đối xử thiếu công bằng... các cháu sẽ không tin tưởng vào bản thân, vào tương lai tốt đẹp nên dễ nảy sinh tâm lý bi quan, chán nản kiểu như “mình có cố gắng cũng chẳng để làm gì”, “rồi tốt xấu cũng lẫn lộn cả thôi”, “miễn có tiền thì có tất cả”...
“Mỗi đứa trẻ bi quan có nguyên nhân và biểu hiện khác nhau. Việc trẻ nhìn đời tiêu cực kéo dài sẽ làm cho nhân cách sau này hình thành một cách lệch lạc, thậm chí xảy ra những kết cục đáng tiếc. Do đó, không còn cách nào khác, cha mẹ phải trò chuyện với trẻ thật nhiều để trẻ cởi mở tâm sự. Hãy bên trẻ để cùng trẻ kiểm soát, chế ngự bất mãn và giải quyết mọi chuyện một cách hiệu quả”, cô Lê Phạm Phương Lan khuyên.
Cho trẻ tự trải nghiệm
Không chỉ bị tác động bởi môi trường xung quanh, có những sai lầm từ chính cha mẹ đã cướp mất niềm hạnh phúc của đứa trẻ, để lại cho trẻ sự buồn chán, tâm lý luôn căng thẳng nặng nề. Đó là: trẻ phải ôm đồm quá nhiều, liên tục phải cạnh tranh và cha mẹ bảo vệ con quá mức.
|
Ảnh minh họa |
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) năm 2017 từng công bố kết quả khảo sát số lượng lớn trẻ em nước Anh. Theo đó, tỷ lệ trẻ trầm cảm, rối loạn lo âu tăng 70% so với 25 năm trước. Tổ chức Parent Zone năm 2016 công bố khảo sát chỉ ra 91% giáo viên ở Anh xác nhận sức khỏe tâm thần của trẻ đi xuống trầm trọng, có những trường hợp tự tử.
Nguyên nhân cũng chính là những sai lầm mà phụ huynh dễ mắc phải được nhắc trong quyển sách của Shimi Kang (nhà nghiên cứu, tác giả sách khoa học tâm lý, từng có tác phẩm được nhận xét có giá trị rất lớn trong lĩnh vực tâm lý học đường).
Những sai lầm này có thể hiểu là: trẻ phải học, làm quen quá nhiều thứ mà không được thỏa sức trải nghiệm với sở thích của mình; trẻ được bố mẹ bảo vệ quá mức mà không được khám phá những giá trị bên trong, bị ngăn cản trải nghiệm lúc buồn, lúc giận dữ sẽ không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của niềm vui; trẻ phải ganh đua đạt thành tích tốt để nhận phần thưởng mà những cuộc đua ấy không được thúc đẩy từ động lực của chính bản thân trẻ.
|
Ảnh minh họa |
Vì không được lựa chọn con đường cho mình, không được khích lệ động lực tự thân nên việc trẻ mất phương hướng, chán nản, dễ bỏ cuộc là điều hiển nhiên.
Một khảo sát thú vị do Viện Nghiên cứu xã hội và kinh tế Anh quốc (ISER) thực hiện với 6.441 phụ nữ, 5.384 nam giới và 1.268 trẻ từ 10-15 tuổi từ 40.000 hộ gia đình chỉ ra 60% trẻ trong khảo sát trên khẳng định mình hạnh phúc. Hạnh phúc ấy đến từ việc trẻ hiểu giá trị bản thân, có khả năng tự tạo động lực cho mình và điều quan trọng không thể bỏ qua là trẻ được sống trong môi trường gia đình mà nơi đó, trẻ có thời gian tương tác với các thành viên còn lại. Cụ thể, trẻ được chứng kiến và nhìn thấy những thành viên còn lại, là bố hoặc mẹ phản ứng, có những trải nghiệm cụ thể chứ không chỉ là những lời khuyên răn, áp đặt.
Giải thích về việc này, giáo sư John Ermisch (chuyên về trị liệu gia đình thuộc Đại học Oxford, Anh) nhấn mạnh, trẻ muốn nhìn thấy những hành động, thái độ, cách giải quyết cụ thể của cha mẹ, vốn là những hình mẫu của trẻ khi họ xử lý những “sự cố” trong cuộc sống gia đình.
Chính thái độ sẵn sàng đối diện, giải quyết và vượt qua thời điểm khó khăn của bố mẹ sẽ giúp trẻ rút ra bài học cho mình. Nó củng cố sự vững vàng trong trẻ thay vì trẻ luôn được bao bọc khỏi những rắc rối, khiến trẻ đánh mất kỹ năng đối diện với khó khăn, dễ dàng “đầu hàng”, suy nghĩ bi quan.
Tác giả người Mỹ Alfie Kohn chuyên về lĩnh vực giáo dục viết: “Những đứa trẻ hạnh phúc, cũng được hiểu là những đứa trẻ cảm thấy tự tin, thành công lại không phải là những đứa trẻ nhận lấy tất cả sự giúp đỡ của phụ huynh để mọi chuyện diễn ra trong cuộc sống của chúng theo hướng thật dễ dàng”.
Trẻ cần những va chạm, trải nghiệm nhằm củng cố giá trị sống, lòng tự tôn của bản thân và đây chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ tìm thấy động lực của riêng mình. Trẻ sẽ nỗ lực, hài lòng với cuộc sống bởi chính những động lực bên trong thôi thúc. Đó chính là tinh thần của hạnh phúc.
“Một đứa trẻ hạnh phúc là đứa trẻ biết tạo động lực cho bản thân, biết mình muốn gì và có một quyết tâm lớn lao đeo đuổi mục tiêu. Hạnh phúc ấy chính là hạnh phúc mà đứa trẻ tự tạo dựng, được vun đắp từ những trải nghiệm chứ không phải là những điều hoàn hảo “đắp” từ bên ngoài vào” - Shimi Kang, nhà nghiên cứu, tác giả sách khoa học tâm lý.
Lan Phương - Thiên Như
Tạo không khí lạc quan trong gia đình
Giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan, Trường đại học Nguyễn Huệ, khuyên: cha mẹ phải lắng nghe chân tình và động viên, khuyến khích con cái kịp thời. Cùng con giải quyết vấn đề, nhưng không được làm thay con. Tùy theo lứa tuổi của con, hãy để con tự xác định mục đích, lựa chọn phương pháp phù hợp với khả năng của mình. Hãy cho con quyền tự quyết những việc mà trẻ kiểm soát được và dạy trẻ biết cách chịu trách nhiệm về hành động của mình. Hãy giúp con:
- Không suy nghĩ quá lâu về những điều không vui và biết cách nhìn vào mặt tốt của cuộc sống. Khi nào trẻ quá bi quan, hãy nhắc lại cho trẻ những thành tích mà chúng đã đạt được trước đây, gợi lại những kỷ niệm đẹp giúp trẻ lấy lại tinh thần.
|
Ảnh minh họa |
- Để có được tinh thần lạc quan, trẻ cần biết ơn, quý trọng và hài lòng với những gì mình đang có. Đồng thời coi khó khăn, thử thách trong cuộc sống là điều hiển nhiên ai cũng phải đối mặt; không chấp nhặt, để ý những thói xấu của người khác, bỏ qua những mối hằn thù cá nhân và kết bạn với những người có lối sống tích cực, lành mạnh; nhìn thấy mặt tốt và nói về những điều hay của những người xung quanh. Trẻ chỉ thật sự lạc quan, tích cực khi được học về thái độ chấp nhận những điều không thể thay đổi được.
- Điều quan trọng hơn là cha mẹ hãy cho trẻ sống trong bầu không khí gia đình ấm cúng, lạc quan, yêu đời - xứng đáng là điểm tựa tinh thần để con chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình.