Khi chúng tôi liên hệ nghệ sĩ để hỏi về ông Sáu Thảo (tức ông Dương Đình Thảo), nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM, đều có một cảm nhận chung. Họ không nhớ về ông với tư cách của một vị tư lệnh ngành văn hóa, tư tưởng của thành phố một thời; mà nhớ về ông, nói về ông như nói về một người cha, người chú trong gia đình. Bằng phong cách làm tuyên huấn không giống ai, ông Sáu Thảo đã phá vỡ bức tường định kiến khô khan, giáo điều, tẻ nhạt mà người đời nói về một người làm tuyên giáo.
|
Ông Dương Đình Thảo đang lắng nghe và trao đổi với các nhà báo |
Cái tình ấy giữ chúng tôi lại với nhau, tận tâm cống hiến
Đợt giãn cách xã hội chống dịch COVID-19 vừa rồi, NSND Kim Cương và tôi cùng tham gia chương trình thăm hỏi và trao quà cho các nghệ sĩ, công nhân hát bội của Báo Phụ Nữ. Vừa gặp nhau, chị Kim Cương đã nhắc, cách làm của báo khiến chị nhớ ông già Sáu Thảo. Ông vốn rất trân trọng văn nghệ sĩ, với nghệ sĩ hát bội, ông Sáu không chỉ quý trọng mà còn thương, quan tâm, chăm lo để các anh chị bớt thiệt thòi.
Có lần, ông “khoe” với anh chị em nghệ sĩ chúng tôi, một trong những lý do mà ông giữ mối thâm tình với bác sĩ, viện sĩ Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế TPHCM hồi ấy, chỉ vì bất cứ giờ giấc nào, ông cũng có thể nhờ cậy, điện thoại để gửi gắm cấp cứu, chăm lo cho các nghệ sĩ già trở bệnh đêm hôm. Cái tình ấy giữ chúng tôi lại với nhau, tận tâm mà cống hiến, tự hào mà thăng hoa.
Kể cả trong hoạn nạn, là chuyện không vui, là rơi vào tình cảnh chẳng đặng đừng của nghệ sĩ, lỡ “đi” mà không “về”, trong tình huống nhạy cảm ấy, ở cương vị của ông, vẫn chỉ là sự im lặng, rồi nói nhỏ, chắc là tại hoàn cảnh gì đó chứ đó là một người tốt.
Năm 1978, sau sự kiện bi thương nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, ông Sáu Thảo cùng tác giả Lê Duy Hạnh đến nhà và có lời mời tôi trở lại sân khấu. Sau đó, chính ông Sáu Thảo đã gợi ý tưởng dựng cùng lúc 7 “phiên bản” thái hậu Dương Vân Nga, nhỡ người này ngã xuống thì có người khác đứng lên, thật sự đó là một cuộc “ra trận” của nghệ sĩ cải lương thành phố vào năm 1979.
Điều đáng quý là ông Sáu Thảo đã truyền cho tôi và nhiều anh chị em nghệ sĩ cải lương tinh thần trách nhiệm, tư cách công dân trong tư thế nghệ sĩ, nhất là ở những thời điểm quan trọng của đất nước, của thành phố. Chúng tôi tự nhận về mình ý nghĩa của từng vai diễn, của mỗi sự xuất hiện trước công chúng, nó đóng góp được gì vào đời sống tinh thần, cảm xúc xã hội của khán giả. Càng về sau, mỗi lời thoại, mỗi câu ca, tôi thấu hiểu hơn, suy ngẫm nhiều hơn và đặt trách nhiệm mình qua nhân vật để ít nhất, mình không phụ lòng những con người như ông Mười Cúc, ông Sáu Thảo.
Những ngày rực lửa năm 1979, ngay giữa lòng Hà Nội, trước 100 chiến sĩ vừa thắng trận từ biên giới trở về báo công, tôi - trong vai thái hậu Dương Vân Nga đã cất câu vọng cổ: “riêng khanh (ý chỉ tướng quân Lê Hoàn) nhìn vào dân giã, tôn trọng những người chiến sĩ vô danh ngang với các bậc… anh hùng”. Họ đồng loạt đứng lên. Chúng tôi ngừng hát. Tất cả đồng loạt vỗ tay, hướng về 100 chiến sĩ anh hùng. Đời nghệ sĩ, với tôi, đó là giây phút vinh quang nhất. Một trong những người giúp chúng tôi tường tận khoảnh khắc ấy, chính là ông Sáu Thảo.
NSND Bạch Tuyết
“Về rồi các chú sẽ đón”
Hồi mới giải phóng, đời sống rất khó khăn, tôi là diễn viên của Đoàn cải lương Văn công thành phố nhưng đi hát chầu rất nhiều. Một bữa, chú Sáu Thảo xuống nói với tôi: “Thôi, cháu đừng đi hát như vậy nữa. Sắp có một đoàn văn công sang châu Âu biểu diễn giao lưu theo lời mời của tổ chức UNESCO, chú sẽ đề bạt Lệ Thủy vào danh sách”.
Đó là lần đầu tiên thành phố “mang chuông đi đánh xứ người”, trọng trách được giao cho Sở Văn hóa - Thông tin. Khi chúng tôi tập luyện, chú Sáu Thảo thường xuyên xuống động viên; góp ý sửa chỗ này chỗ kia. Tới tháng 2/1984, sau khi ăn tết Nguyên đán xong, đoàn văn công quy tụ những nghệ sĩ “hay” nhất của Sài Gòn lên đường bay sang châu Âu lưu diễn trong thời gian hơn một tháng. Ngoài tôi, còn có chị Bạch Tuyết, chị Ngọc Giàu, anh Thành Được, anh Thanh Tòng, anh Minh Vương, anh Diệp Lang… Trong vở tuồng cũ Đời cô Lựu của cố soạn giả Trần Hữu Trang, không có đất diễn nhiều cho vai Kim Anh. Chính chú Sáu là người động viên tác giả sửa kịch bản cho Lệ Thủy có cơ hội được ca. Có thể nói, chính lần tham gia này là bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Lúc trước, Lệ Thủy toàn hát tuồng kiếm hiệp, lần đầu tiên, tôi hát tuồng tình cảm đúng nghĩa, nhận được tình cảm yêu mến của đông đảo khán giả. Để có được cái tên Lệ Thủy như hôm nay, công lao của chú Sáu rất nhiều.
Lúc đó, một nhóm biểu tình bắt cóc nghệ sĩ Thành Được. Đất nước mới bước ra khỏi chiến tranh, việc nghệ sĩ ra nước ngoài rồi bị kẹt lại đó, với bất cứ lý do nào cũng khiến Sở Văn hóa - Thông tin cũng như thành phố hết sức lo lắng. Khi đi khi về phải đủ người. Khi biết tin có người sắp sang, chú Sáu viết thư tay gửi từng nghệ sĩ, động viên mọi người cố gắng, ở nhà mọi người trong gia đình vẫn khỏe.
Tôi không biết những người khác thì sao; nhưng riêng tôi, chú Sáu viết một lá thư rất dài. Chú dặn dò tôi: “cố gắng làm tròn trách nhiệm mà sở, UBND thành phố đã giao phó. Mọi việc ở nhà đừng có lo gì hết. Mọi người vẫn mạnh khỏe”. Cá nhân tôi là người lo lắng nhất; vì chồng tôi là sĩ quan của chế độ cũ. Có một câu chỉ mấy chữ thôi, nhưng đến giờ tôi không tài nào quên được, đó là “lửa thử vàng, gian nan mới biết. Cháu hãy cố gắng phục vụ đi hén. Về rồi các chú sẽ đón…”.
Chuyến đi biểu diễn ở châu Âu thành công rực rỡ, khán giả thích quá, xin anh chị em nghệ sĩ diễn lại Tô Ánh Nguyệt. Chú Sáu đồng ý, nhưng không biết đặt nhóm nghệ sĩ tên gì nên tạm gọi là nhóm 2-84. Cái tên 2-84 ra đời từ đó. Sau đó, một vài năm, chú còn trực tiếp dẫn đoàn đi diễn ở Campuchia.
Thời đó, tôi thấy lãnh đạo gần gũi với nghệ sĩ. Chú Sáu hay tổ chức các buổi học tập, nói chuyện để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của anh chị em chúng tôi. Nghệ sĩ cũng được tạo điều kiện thuận lợi để làm nghề một cách tử tế. Đó là thời cải lương của TPHCM phát triển cực thịnh. Tôi cảm thấy tiếc vì nghệ sĩ cải lương bây giờ không còn được hưởng cái không khí vui vẻ, ấm cúng của gia đình giống cái thời đó nữa. Cái thời thành phố còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chị em không cảm thấy cô đơn…
NSND Lệ Thủy
|
Ba nghệ sĩ thuộc "thế hệ vàng" NSND Minh Vương, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy luôn nặng tình với ông Sáu Thảo |
“Người ta hỏi gì về đất nước mình thì mình giới thiệu”
Tôi còn nhớ, lúc tôi diễn vở cải lương Pha lê và cát bụi (của soạn giả Trương Bỉnh Tòng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin), tôi diễn vai giám đốc Hai Phước, trong kịch bản có nhắc đến một cuộc họp chi bộ, tôi nhái câu mà chú Sáu thường nói: “Tôi nói với các đồng chí hả, nó khó lắm”, mà anh em cười vui lắm. Khi chú Sáu Thảo xem, chú kêu: “Chời ơi, Minh Vương nó nhái tui, không biết mai mốt nó còn nhái ai nữa đây?”.
Năm 1984, lúc nghệ sĩ chuẩn bị sang châu Âu biểu diễn, chú Sáu dặn dò kỹ lắm, ăn uống ra sao, ở như thế nào, người ta hỏi gì về đất nước mình thì mình giới thiệu… như một người cha dặn đàn con lần đầu tiên ra nước ngoài biểu diễn.
Thời đó, đất nước mới đi qua chiến tranh, và đi lên xây dựng xã hội mới, khó khăn chất chồng khó khăn. Chú Sáu nói “khó lắm”, nhưng trong thâm tâm chúng tôi biết rằng, đó chỉ là câu nói vui của chú thôi. Đó là thời, thành phố này có một sự đồng lòng cao, từ lãnh đạo thành phố cho đến văn nghệ sĩ. Chính tình cảm, những lời động viên của chú Sáu đã động viên chúng tôi rất nhiều. Mọi khó khăn đều vượt qua cả.
NSND Minh Vương
“Nó sẽ không bao giờ đi nữa”
Lúc đầu, vai diễn Nguyễn Thành Luân không dành cho anh Nguyễn Chánh Tín. Nhà nước chọn những người có lý lịch tốt, xuất thân từ diễn viên của cách mạng mà anh Tín không thuộc diện này. Tuy nhiên, những diễn viên đạt yêu cầu đó lần lượt là Huỳnh Bá Thành, Thế Anh, Lâm Tới… khi đóng thử, lại không nhận được cái gật đầu của trung ương.
Lúc bấy giờ, Chánh Tín là diễn viên của đoàn kịch Bông Hồng (thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa - Thông tin thành phố), cùng với Thẩm Thúy Hằng, đều là những cái tên nổi lên trong giới trẻ. Nhưng thời đó, làm nghệ thuật cực quá, nghèo quá; một người bạn có tiền, rủ vượt biên cùng nên anh Tín nghe theo. Nhưng chuyến đi không trót lọt, anh ra trình diện, khai báo. Người ta đưa anh vô khám ở số 4 Phan Đăng Lưu.
Ngày anh Tín vô đó, chính chú Sáu Thảo (lúc đó đang là giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố) đã gọi tôi đến nhà ăn cơm và hỏi thăm tình hình của anh. Còn nhớ bữa đó, do biết tôi có một chút vốn liếng tiếng Pháp nên hai chú cháu nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Chú tình cảm, tâm lý, tế nhị và gần gũi vô cùng. Trong suốt thời gian hơn một tháng ở tù đó, tuần nào, chú Sáu cũng vào thăm và mang đồ ăn cho anh Tín.
Khi thành phố chưa tìm được người ưng ý để đóng vai Nguyễn Thành Luân, cũng lại là chú Sáu nói với lãnh đạo rằng: "Có một thằng nhỏ có lẽ đóng được nhưng giờ đang trong tù. Giờ lãnh nó ra cho nó đóng thử, nếu đóng được thì giải tán lệnh tù cho nó, để nó lấy công chuộc tội". Vì thế mà sở đề nghị công an vào khám đem Chánh Tín ra.
Chú Sáu đi xe đến địa chỉ số 4, trình lệnh thả người ra, lãnh anh Tín về. Lúc đó, chú bảo anh Tín: “Theo chú về. Xong rồi đó. Con ở đây vậy là được rồi”. Rồi cả hai đi thẳng tới xưởng phim.
Tôi còn nhớ, khi anh Tín ở số 4 Phan Đăng Lưu ra, ngoài trung ương kêu chú Sáu nói anh Chánh Tín viết một bản cam kết không được vượt biên nữa. Chú Sáu không yêu cầu anh Tín phải làm cái việc đó mà tuyên bố “nó sẽ không bao giờ đi nữa”. Chú tin anh Tín vô cùng. Khi biết chuyện thì anh Tín rất cảm động. Anh nói với chú: “Con cảm ơn chú vì đã tin tưởng con. Và chú đã nghĩ đúng”.
Một bữa sau khi ở tù ra, chú Sáu rủ anh Tín đến nhà chú Trần Bạch Đằng. Chú Trần Bạch Đằng ôm anh Tín mừng quá: “Trời ơi, chọn biết bao người đó rồi Tín ơi. Chú chờ con đó, Chánh Tín”. Anh Tín rất vui. Còn tôi thì hãnh diện về chồng. Được sự tin tưởng của hai chú, anh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân rất “ngọt”. Bộ phim Ván bài lật ngửa quay suốt 8 năm trời, mỗi năm một tập, nhiều cực khổ, nhưng chưa bao giờ anh nản lòng.
Sau này, thỉnh thoảng anh Chánh Tín vẫn nói với tôi, trong những lãnh đạo ngành văn hóa của thành phố, anh phục nhất vẫn là chú Sáu Thảo. Không phải vì chú Sáu là người đưa anh trở lại cuộc đời từ nhà giam ở số 4 Phan Đăng Lưu; mà vì chú là một người lãnh đạo hiếm có, thấu hiểu, đồng cảm và biết xót thương cho tài năng của anh chị em văn nghệ sĩ của thành phố. Hơn cả một người lãnh đạo, chú giống như một người cha, người chú trong gia đình.
Ca sĩ Bích Trâm, vợ NSƯT Nguyễn Chánh Tín