Buổi nói chuyện làm vỡ ra nhiều điều
Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu cho rằng, giữ bếp nhà luôn ấm với những bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng là mối băn khoăn của các bà nội trợ hiện nay. Đặc biệt, ở các đô thị lớn như TP.HCM, do công việc bận rộn nên không phải ai cũng có thể nấu nướng mỗi ngày, vì thế mà lưu trữ thức ăn đã chế biến sẵn và rau củ quả, thực phẩm tươi sống trong tủ lạnh đã trở thành thói quen của hầu hết mọi người, mọi nhà.
Tuy nhiên, nếu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sai cách thì sẽ biến nơi này thành một “ổ vi khuẩn” gây hại cho sức khỏe. Bà Hoàng Liễu lưu ý chị em tuyệt đối không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh mà phải để nguội khoảng hai giờ sau khi nấu, cần sử dụng các hộp đựng có nắp hoặc màng bọc để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, đồng thời không để lẫn thức ăn sống và chín với nhau, vì như thế có thể gây lây nhiễm chéo. Với thịt, cá tươi sống cấp đông cần chia nhỏ từng phần đủ cho mỗi lần nấu, tránh rã đông nguyên khối để lấy một phần sau đó lại cho vào cấp đông tiếp.
|
Chị Lê Thị Hoa - nhóm trưởng nhóm “Người nội trợ thông minh” ở P.Trung Mỹ Tây, Q.12 - trồng rau xanh phục vụ cho bữa ăn gia đình |
“Tôi nhận thấy, đa phần chị em tin rằng ngâm rau quả trong nước pha muối càng lâu và càng nhiều muối thì càng tốt, vì sẽ diệt được vi khuẩn, loại bỏ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này là không đúng, chúng ta chỉ nên ngâm trong vài phút sau khi đã rửa sạch, bởi nếu để quá lâu có khi chất bẩn lại thẩm thấu ngược vào thực phẩm. Ngoài ra, việc dùng lượng muối quá nhiều cũng có thể làm tăng áp lực thẩm thấu khiến rau quả nhiễm mặn, vô tình chúng ta ăn mặn hơn, gây hại cho thận, tăng huyết áp và nguy cơ các bệnh tim mạch mà không biết” - tiến sĩ Hoàng Liễu nhấn mạnh.
Tham dự chương trình, chị Nguyễn Thị Lén (khu phố 7, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) vỡ lẽ ra nhiều điều. Lâu nay, chị vẫn tin tủ lạnh là nơi chứa an toàn mọi loại thực phẩm nên cái gì cũng “tống” vào đó. Bây giờ thì chị hiểu là phải sử dụng thiết bị này một cách thông minh. Chẳng hạn như quả chanh thì nên gói giấy trước khi cho vào tủ lạnh; khoai tây, hành tây thì không bảo quản trong tủ lạnh; sữa đặc và mật ong cũng không cần cho vào tủ lạnh mà nên để ở nơi thoáng mát, sạch sẽ…
Lan tỏa những bí quyết nội trợ thông minh
Bên cạnh những buổi nói chuyện chuyên đề như trên, thời gian qua nhiều cơ sở Hội trên địa bàn thành phố đã xây dựng các mô hình tổ, nhóm để tập hợp chị em nội trợ cùng sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm an toàn, chia sẻ những bí quyết giúp người nội trợ bớt vất vả khi vào bếp. Tại Q.12 (TP.HCM), giữa năm 2018, nhóm “Người nội trợ thông minh” đầu tiên ra đời tại P.Thới An. Đến nay, toàn quận đã có 20 nhóm ở 11 phường với 350 thành viên. Ban đầu, mỗi nhóm chỉ có vài chị, nhưng nhờ sự nỗ lực kết nối của các thành viên và những kiến thức bổ ích qua các buổi sinh hoạt nên các nhóm ngày càng thu hút được nhiều chị em tham gia. Nhóm “Người nội trợ thông minh” P.Trung Mỹ Tây, Q.12 hiện có 30 thành viên, hoạt động rất sôi nổi với các buổi nói chuyện về các nội dung liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong gia đình và kinh nghiệm trồng rau sạch… Để nhóm được như bây giờ phải kể đến những nỗ lực không ngừng của nhóm trưởng Lê Thị Hoa. Là thợ may nên khi nhận nhiệm vụ nhóm trưởng, chị Hoa đã tận dụng vải vụn ghép nối thành những chiếc tạp dề đẹp mắt để tặng các thành viên. Để hoạt động của nhóm được lan tỏa, thời gian đầu chị Hoa bỏ tiền mua giỏ nhựa đi chợ, mua rau xanh rồi vào các con hẻm, các khu nhà trọ tặng chị em và tranh thủ “quảng bá” về nhóm “Người nội trợ thông minh” của mình. Về sau, nhiều thành viên đã đồng hành cùng chị. Quà của nhóm cũng ngày càng đa dạng, từ những chai nước rửa chén, túi xách thân thiện môi trường, những chiếc tạp dề cho đến gạo, bột ngọt, nước mắm… Chị Hoa chia sẻ: “Chúng tôi không mời chuyên gia hay báo cáo viên mà chủ động chỉ cho nhau cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn từ kinh nghiệm của mỗi người. Hiện, hầu hết các thành viên trong nhóm đều đã tự trồng rau quả tại nhà, chúng tôi tham quan lần lượt từng vườn rau của chị em để cùng học hỏi lẫn nhau…”.
|
Chế biến thực phẩm sao cho hợp lý, đảm bảo an toàn dinh dưỡng được dì Vũ Thị Sang - nhóm trưởng nhóm “Người nội trợ thông minh” ở P.Thới An, Q.12 - rất chú trọng |
Tại P.Thới An, dì Vũ Thị Sang dù đã 78 tuổi nhưng vẫn gắn bó với “Người nội trợ thông minh” trong vai trò nhóm trưởng. Là một bà nội trợ kỹ tính, trong gian bếp của mình, dì Sang dán rất nhiều ghi chú về các mẹo làm bếp, kiểu như: những món nên tránh kết hợp khi chế biến thức ăn; dùng khoai tây hoặc cà chua để “chữa cháy” nếu lỡ nêm canh quá mặn; dùng bột mì để trị dầu mỡ khi bị đổ ra bếp hoặc sàn nhà… Hơn bốn năm nay, dì Sang đã chia sẻ mọi bí quyết về an toàn thực phẩm mà bản thân đúc kết với chị em trong nhóm và bà con lối xóm. Dì bộc bạch: “Tôi biết các bà nội trợ phải chọn mua thực phẩm dựa vào khả năng kinh tế. Thực tế, không phải cứ giá cao là tốt, là an toàn và ngược lại. Điều cốt lõi vẫn là cách tìm mua thực phẩm rõ nguồn gốc, chế biến và bảo quản như thế nào. Tôi mong chị em luôn đặt sức khỏe lên trên hết, giả sử lỡ mua phải một miếng thịt, ký cá đã hỏng thì đừng tiếc, cứ bỏ hết đi, bởi nếu cố tận dụng có thể dẫn tới ngộ độc, bệnh tật ngấm vào người chạy chữa còn tốn kém hơn nhiều”.
Thảo Nguyên