Giúp các mẹ nhận diện và chăm sóc trẻ em bị hen suyễn

14/12/2024 - 12:56

PNO - Ngày 14/12, Hội LHPN quận 10 tổ chức chương trình “Gia tăng nhận thức về bệnh hen ở trẻ em”, chiến dịch “Ba mẹ ơi! Con muốn khỏe và vui chơi mỗi ngày!”.

Chương trình được Ban dự án xây dựng theo đề án “Sức khỏe học đường” giai đoạn 2025-2030 (1660/QĐ-TTg 2021) của Thủ tướng Chính phủ, được Liên chi hội Bác sĩ Gia Đình TPHCM thực hiện với sự hỗ trợ của Astrazeneca nhằm mục đích giáo dục y khoa.

Nhiều bậc phụ huynh là nội trợ, cô giáo trên địa bàn quận 10 tham gia chương trình
Nhiều bậc phụ huynh là nội trợ, cô giáo trên địa bàn quận 10 tham gia chương trình

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về bệnh hen ở trẻ em, giúp phụ huynh và cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Qua đó, phụ huynh có thể phát hiện sớm, tuân thủ các phương pháp điều trị bằng thuốc kiểm soát hen cùng với các dụng cụ hỗ trợ như máy xông khí dung, góp phần giúp trẻ sống khỏe mạnh, vui vẻ mỗi ngày.

Các đại biểu tham dự đặt câu hỏi về bệnh hen suyễn
Các đại biểu tham dự đặt câu hỏi về bệnh hen suyễn

Tại hội thảo, các đại biểu đã đặt một số câu hỏi về cách phân biệt giữa hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác thường gặp ở trẻ sơ sinh cũng như các dấu hiệu nhận biết hay bài tập phù hợp để giúp trẻ tăng cường sức bền phổi.

Thầy thuốc ưu tú, BS. CKII Đặng Thị Kim Huyên (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) - nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng II - cho biết, hen suyễn (hay hen phế quản) là bệnh mạn tính phổ biến ở trẻ em. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, đặc biệt vào ban đêm hoặc khi trẻ vận động mạnh. Hen suyễn có thể xuất hiện kèm theo các yếu tố dị ứng như mề đay, dị ứng thức ăn hoặc thời tiết.

Thầy thuốc ưu tú, BS. CKII Đặng Thị Kim Huyên - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Nguyên Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng II
BS Đặng Thị Kim Huyên giải đáp thắc mắc cho những người tham dự tại hội thảo

Theo BS. CKII Đặng Thị Kim Huyên, bệnh hen suyễn có thể bị kích thích bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả di truyền và môi trường. Về yếu tố di truyền, nếu trong gia đình có người mắc bệnh hen suyễn, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp, không khí ô nhiễm, hóa chất, và lông thú cưng (như chó, mèo) cũng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, một số loại thức ăn hoặc đồ uống gây dị ứng cũng có thể khởi phát cơn hen.

BS Đặng Thị Kim Huyên khuyến nghị các phụ huynh giữ nhà cửa sạch sẽ, hút bụi thường xuyên và sử dụng máy lọc không khí nếu cần thiết để giảm thiểu các tác nhân gây dị ứng. Đồng thời, tránh để trẻ tiếp xúc với không khí ô nhiễm hoặc khói bếp, đưa trẻ đi khám định kỳ cũng như trang bị đầy đủ máy xông và thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Ngoài ra, trẻ cần ăn uống đủ chất, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C và D để tăng cường sức khỏe đường hô hấp. Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động quá sức hoặc trong môi trường lạnh, khô. Đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là các loại vắc xin ngừa cúm và phế cầu, theo dõi sát sao các biểu hiện như ho, khó thở, khò khè hoặc đau tức ngực để có thể xử lý kịp thời. Cuối cùng, giúp trẻ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, vì stress cũng là yếu tố kích phát hen suyễn, đồng thời duy trì môi trường sống trong lành, thoáng mát để trẻ có thể phát triển khỏe mạnh.

NT.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI