Chỉ vài ngày nữa, vòng thứ hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra. Trong cuộc đua kịch tính này, mâu thuẫn trong lòng xã hội chính là nút thắt quan trọng mà ứng cử viên (ƯCV) nào được tin tưởng có thể giải quyết, sẽ được người dân trao lá phiếu.
|
Bà Le Pen chụp hình cùng các công nhân ở nhà máy Whirlpool - Ảnh: The Mercury News |
Đúng ngày Quốc tế lao động 1/5, khoảng 142.000 người dân Pháp đã xuống đường biểu tình. Ở nhiều khu vực, biểu tình ôn hòa đã chuyển thành bạo lực.
Cảnh sát đã phải đáp trả bằng bom xăng, dùi cui. Đám đông biểu tình cuồng nộ cho thấy sự mâu thuẫn trong lòng xã hội là không nhỏ.
Bên cạnh những người diễu hành thể hiện thái độ ủng hộ một trong hai ƯCV là ông Emmanuel Macron hoặc bà Marine Le Pen, còn có những người, vốn là người nhập cư, đã thẳng thừng là họ không ủng hộ ai cả.
Họ nhận ra mình đang đứng bên ngoài cuộc bầu cử vì cả hai ƯCV không hề cam kết sẽ giữ lại việc làm cho họ hoặc xóa bỏ kỳ thị với người nhập cư. Đáng chú ý là trong đám đông biểu tình có không ít người đặt trọn niềm tin vào bà Le Pen.
Họ gọi bà là “người con gái của nước Pháp”, nữ chính trị gia luôn nêu cao khẩu hiệu “nhân danh người dân” và đường lối lãnh đạo nếu bà đắc cử là vì lợi ích quốc gia. Những cử tri đó phần lớn là những người dân nghèo, cuộc sống tạm bợ, đang từng ngày mong chờ sự đổi thay.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, Pháp hiện có chín triệu người (trong đó có ba triệu trẻ em) đang sống dưới mức nghèo. Trước thực tế đó, chiến lược tranh cử của bà Le Pen tập trung vào vấn đề dựng lại nước Pháp vốn ở vị thế hùng mạnh trong khu vực nhưng lại đang hứng chịu quá nhiều bất ổn.
|
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen còn được mệnh danh là 'Donald Trump của Pháp'. Ảnh: CNN |
Bà Le Pen từng nhiều lần mạnh mẽ phản đối toàn cầu hóa, không ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do. Như vậy, nếu bà Le Pen thắng cử, Pháp sẽ siết chặt chính sách thuê nhân công nước ngoài, tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập cho tầng lớp nghèo nhất.
Về nhì trong vòng bầu cử đầu tiên với 7,6 triệu phiếu bầu, bà Le Pen lập tức có những động thái quyết liệt. Bà từ chức Chủ tịch đảng Mặt trận dân tộc (FP), dành toàn bộ tâm sức cho chiến dịch bầu cử mà ở đó, làn ranh cánh tả - cánh hữu không còn quan trọng nữa trong việc chiếm được niềm tin của cử tri.
Sau ngày bầu cử vòng một, bà Le Pen xuất hiện nhiều hơn ở những điểm được mô tả là “trái tim” của tầng lớp lao động.
Bà đã có mặt ở một khu chợ, thăm hỏi người dân. Sau đó, bà bất ngờ đến thăm nhà máy Whirlpool, thành phố Amiens, gặp gỡ trực tiếp các công nhân. Trong khi đó, đối thủ của bà lại đến thăm các nghiệp đoàn gần đó.
Đích thân bà Le Pen đã chia sẻ hình ảnh mình gặp gỡ công nhân lên Twitter: “Ủng hộ tôi, những nhà máy như vậy sẽ không đóng cửa”. Nhiều bức ảnh chụp tại nhà máy cho thấy công nhân rất vui mừng khi gặp bà.
Trước đó, từng có thông tin nhà máy này sẽ chuyển hoạt động sang Ba Lan để có giá nhân công rẻ hơn. Việc xuất hiện đúng lúc cùng lời cam kết giữ lấy việc làm cho người dân địa phương là sức mạnh riêng có của ƯCV Le Pen.
Những bước đi của bà Le Pen được đánh giá là có thể giúp bà tạo nên cú đảo ngược ngoạn mục ở vòng bầu cử lần thứ hai ngày 7/5 tới. Anh Absolon (26 tuổi) sống ở một làng quê gần thủ đô Paris cho biết, anh không có một công việc như mơ ước mà chỉ biết bám víu vào việc dọn dẹp bán thời gian ở các khu trung tâm.
Anh Absolon đã tìm việc toàn thời gian suốt một năm qua, gửi đơn xin việc khắp nơi nhưng không hề thấy hồi âm. Anh ủng hộ bà Le Pen, mong muốn bà giữ lấy nhiều việc làm cho thị trường trong nước.
|
Liệu bà Le Pen có làm nên kỳ tích giống ông Donald Trump? Ảnh: ABC News |
Khủng hoảng ở vùng quê nước Pháp là thực tế từ nhiều năm qua, nhưng không một ƯCV nào, ngoài bà Le Pen, xác định trực diện vấn đề. Ông Corbin Chevalier xuất thân từ một gia đình nhiều thế hệ sống bằng nghề chăn nuôi.
Ông có một trang trại nuôi heo nhưng lợi nhuận không hề tỷ lệ thuận với năng suất cao từ đàn heo. Những gì ông Corbin đang phải chịu đựng cũng tương tự nhiều nông dân ở các làng quê nước Pháp.
Họ bị cạnh tranh trên chính sân nhà vì thị trường nông sản thả nổi và vì những quy định ngặt nghèo của Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến tình trạng buộc phải giảm giá lương thực khi cạnh tranh với các mặt hàng tương đương nhập từ các quốc gia thành viên. Những người nông dân này tin bà Le Pen sẽ bảo vệ được họ.
Toàn cầu hóa là cuộc “thay áo” khốc liệt, không chỉ người nghèo mà cả những người có học vấn cũng có thể thành nạn nhân. Thế hệ trẻ nước Pháp trưởng thành cùng với sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng tài chính và nỗi lo sợ khủng bố, là hai điều bà Le Pen tuyên chiến mạnh mẽ nhất.
Gaëtan Dussausaye (22 tuổi) giương cao khẩu hiệu: “Người trẻ ở bên bà Le Pen” cho biết, chính thanh niên là nạn nhân đầu tiên của những mối đe dọa bủa vây nước Pháp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp hiện là 25%, cao hơn rất nhiều so với các nước cùng khối.
Đó là lý do vì sao bà Le Pen nhận được sự ủng hộ của những cử tri trẻ thuộc tầng lớp lao động, là những người ủng hộ tuyệt đối tinh thần yêu nước, làm tất cả vì sứ mệnh phụng sự tổ quốc.
Thiên Như (Theo Local, Guardian, Reuters, NewYorker)