Giữa xứ muối có tiếng đờn ca dìu dặt

26/04/2023 - 13:30

PNO - Năm 2005, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM được thành lập và duy trì hoạt động đến nay.

Nghe giọng nói ngọt ngào của chị Phạm Thị Giạ - chủ homestay Mười Giạ (ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) - tôi buột miệng: “Giọng của chị mà ca vọng cổ chắc hay lắm!”. Chị Giạ tự tin: “Hay thì không dám nhận, chứ khách muốn nghe cỡ nào thì chị phục vụ cỡ đó”.

Vẫn tưởng chị Giạ nói cho vui để hưởng ứng câu chuyện, nhưng đi một vòng quanh ấp đảo Thiềng Liềng, tôi mới biết, cái “chất giọng cải lương” của chị không phải tự nhiên mà có, bởi đờn ca tài tử đã thấm đẫm ở xứ muối này mấy chục năm qua.

Thả hồn theo tiếng đàn là cách mà anh Nguyễn Hùng Thân -  Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp đảo Thiềng Liềng - khởi đầu một ngày mới
Thả hồn theo tiếng đàn là cách mà anh Nguyễn Hùng Hân - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử ấp đảo Thiềng Liềng - khởi đầu một ngày mới

6g sáng hôm sau, tôi tranh thủ lội ra cánh đồng muối của ấp đảo Thiềng Liềng để ngắm những tia nắng đầu tiên ở nơi “bình minh sớm nhất của TPHCM”, thì bất chợt nghe tiếng đàn dìu dặt. Dưới gốc me cổ thụ có ruộng muối vây quanh, bằng cây ghi ta phím lõm, một nông dân đang đón bình minh bằng bài Trăng thu dạ khúc. Cùng với tiếng đàn, tiếng song lang dưới chân anh thỉnh thoảng cũng nhịp theo. Người đánh đàn là anh Nguyễn Hùng Hân - một nông dân làm muối nổi tiếng ở ấp Thiềng Liềng. Hết bài Trăng thu dạ khúc, anh chơi thêm bài Lý con sáo rồi mới cất đàn bước ra đồng muối. Nắng bắt đầu lên.

Nếu nhìn khuôn mặt rám nắng, lưng đẫm mồ hôi, chẳng ai biết anh Hân là một nghệ nhân, người có thể chơi được tất cả các loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử, và là người giữ nhịp trong những buổi biểu diễn đờn ca tại đây. Anh Hân tâm sự, đờn ca tài tử thấm vào máu anh từ khi còn nhỏ, bởi phần lớn người dân Thiềng Liềng có gốc gác từ xứ đờn ca (Tiền Giang, Bến Tre, Long An…) di cư sang, đã mang theo lời ca điệu nhạc quê hương để thư giãn sau những giờ lao động. “Hồi đó phải quạt, đưa nước vào ruộng bằng tay, nên vừa làm vừa ca cho quên đi mệt nhọc. Riết rồi người lao động trên đồng, cứ gặp nhau là ca hát. Năm 2005, Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử được thành lập và lớp trẻ chúng tôi hiện nay kế thừa” - anh Hân nói. 

Nhưng để am hiểu nhạc tài tử một cách bài bản như hiện nay, hồi còn nhỏ, ngoài việc học từ những người đi trước, mỗi tháng anh Hân xin phép cha lên TPHCM vài ngày để học đờn ca. “Nhà bao việc, nhưng thấy con trai đam mê nên tôi cũng ủng hộ. Mỗi tháng, nó khăn gói đi một mình. Mà hồi đó đò giang còn cách trở, mỗi lần đi cực lắm. Học được khoảng 1 tuần thì nó lại trở về, ngày ra ruộng muối, tối về ôn bài. Khi nào thuộc hết các bài thầy cô đã dạy thì lại lên thành phố trả bài và học tiếp bài khác, kiên trì 10 năm trời như vậy” - ông Nguyễn Văn Đổi - cha anh Hân - kể. 

Các thế hệ đờn ca tài tử trên ấp đảo Thiềng Liềng vẫn đang nỗ lực lưu giữ bộ môn này  như một sản phẩm du lịch, cũng là để lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc
Các thế hệ đờn ca tài tử trên ấp đảo Thiềng Liềng vẫn đang nỗ lực lưu giữ bộ môn này như một sản phẩm du lịch, cũng là để lưu giữ giá trị truyền thống dân tộc

Mang cái học của mình ra phục vụ bà con trên đảo trong những buổi tối sinh hoạt đờn ca tài tử rồi theo các thầy tham dự các cuộc thi ở khắp các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, ra cả Hà Nội, anh Hân được các thầy tin tưởng. Hiện nay, Nghệ nhân dân gian Tư Huỳnh (Nguyễn Hồng Huỳnh) - người khai sinh ra CLB Đờn ca tài tử ấp đảo Thiềng Liềng - đã lớn tuổi, nên bàn giao CLB cho anh Hân làm chủ nhiệm.

Và ở thời điểm hiện tại, đờn ca tài tử càng có ý nghĩa khi nó trở thành một sản phẩm du lịch tại ấp đảo để phục vụ du khách. Anh Hân phải giao lưu, hoạt động, vận động anh em tập luyện nhiều hơn, áp lực cũng nhiều hơn. Anh cho biết: “Bản thân tôi phải rèn luyện, trao đổi, đầu tư các dụng cụ, âm thanh, máy móc, CLB mới duy trì lâu dài. Cứ sau 1 mùa muối, tôi lại dành dụm mua thêm cái loa, các linh kiện thay thế, làm phong phú thêm dàn nhạc hiện có. Công việc ngoài đồng muối chiếm hết thời gian, nên tôi chỉ dành được buổi tối để truyền lửa đam mê cho các bạn trẻ. Tối cơm nước xong là tôi chỉ các em học bài, học nhịp để có thế hệ kế thừa”. 

Hiện tại, CLB hoạt động hằng tháng, lưu động qua các nhà dân ở ấp Thiềng Liềng. Các thành viên sẽ tập trung tại một nhà để giao lưu, sinh hoạt, trao đổi và luyện tập văn nghệ. Sẽ có những buổi diễn đột xuất để phục vụ du khách khi được yêu cầu. Chị Mười Giạ cho biết, không chỉ biết đờn ca tài tử vì nó tự nhiên thấm vào người, mà hiện nay, việc duy trì và phát triển bộ môn này cũng là một nhiệm vụ của phụ nữ ấp Thiềng Liềng, bởi họ là đối tượng làm du lịch chính trên ấp đảo. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI