Giữa u ám dịch bệnh, cây táo lại nở hoa

20/04/2020 - 05:54

PNO - Sau khi bị bội thực bởi những tin tức ảm đạm, tôi bắt đầu nhặt ra những tin lạc quan. Trên một tờ báo lớn chính thống của Anh, một phụ nữ có tên họ Việt Nam đã tặng rất nhiều găng tay y tế cho các bệnh viện tại Anh...

Chiều thứ Bảy, sau một tuần ở trong nhà, tôi dè dặt bước ra công viên gần đó. Thật khác với dự đoán, số người dẫn chó đi dạo, tản bộ hay chạy quanh công viên khá đông. Chỉ lác đác vài người đeo khẩu trang. Tuy không ai tụ tập ngồi trên bãi cỏ làm một bữa picnic hay ngồi ghế gỗ đọc sách như thường lệ, nhưng nếu gọi đây là phong tỏa toàn quốc thì quả tình… hơi quá! 

Ngay từ những ngày đầu mùa dịch, những thông tin trái chiều về chiếc khẩu trang làm hoang mang những người gốc Á xa quê như tôi. Ở Việt Nam và các nước láng giềng, chiếc khẩu trang gần như là tấm bùa hộ mệnh. Trong khi đó, tại Anh, các chuyên gia lại đề cao việc rửa tay đúng cách và thường xuyên hơn.

Cho đến nay, khi đại dịch lan tràn khắp châu Âu và nước Mỹ, thông tin đập vào mắt và đọng lại trong tâm trí mọi người là những con số. Ít ai kiên nhẫn đọc hết các bài báo phân tích tại sao dịch bùng nổ nhanh, các vấn đề xã hội liên quan, và những việc cần làm để giảm thiểu tối đa sự lây lan.

Hơn lúc nào hết, cái đầu của các nhà lãnh đạo phải hết sức tỉnh táo. Nhưng đôi khi, dù tỉnh táo đến đâu, những quyết định được đưa ra như người ta đang chơi một canh bạc. Có quyết định mang đến kết quả trông thấy, được dân chúng hoan nghênh và thế giới học hỏi như Trung Quốc và Hàn Quốc. Cũng có khi người ra quyết định rào trước đón sau kiểu “có gì đừng đổ thừa tôi nha” như Thụy Điển.

Ở Việt Nam, những ngày đầu cũng có những ý kiến kêu ca việc cho trẻ con nghỉ học, giờ mới thấy quyết định này là đúng đắn. Thế nên, hôm qua trong câu chuyện phiếm với bạn thân, tôi nói thật lòng, lúc này có đưa cho mình 100 cây vàng và bắt làm lãnh đạo của một quốc gia, chắc chắn là mình sẽ từ chối ngay.

Dân Anh đúng là khá… phớt tỉnh Ăng lê. Không biết trong lòng họ có thực sự sợ sệt hay không, nhưng lúc nào họ cũng giữ vẻ mặt bình thản. Khẩu hiệu từ thời chiến “Keep Calm and Carry On” lại được mang ra sử dụng nhiều hơn bao giờ hết. Người ta còn chế ra nhiều câu khác như “Keep Calm and Carry on Washing Hands”. 

Đầu bếp Jamie Oliver còn chế ra câu “Keep Cooking and Carry on” trong chương trình hướng dẫn mọi người nấu ăn nhanh bằng các món có sẵn trong nhà. Họ cũng có chương trình Clap for Carers, dù là một hành động theo chân các nước láng giềng, vẫn được rất nhiều người hưởng ứng. 

Không những bày tỏ sự biết ơn với các nhân viên y tế, mà nó còn khiến tinh thần mọi người được nâng cao, làm cho người ta gần gũi nhau hơn khi những khoảng cách vật lý đang được áp dụng tối đa. 

Cũng như mọi người, sau khi bị bội thực bởi những tin tức ảm đạm, tôi bắt đầu nhặt ra những tin lạc quan. Trên một tờ báo lớn chính thống của Anh, một phụ nữ có tên họ Việt Nam đã tặng rất nhiều găng tay y tế cho các bệnh viện tại Anh. Cô nói đơn giản mình làm chủ tiệm làm đẹp, có găng tay này rất nhiều nên mang tặng lại cho những người cần.

Một tờ giấy nhét vào hộp thư nhà tôi với dòng chữ in: “Tôi tên Zara, tôi ở gần đây. Nếu bạn không thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm, hãy nhắn tin, tôi sẽ làm giúp bạn”.

Buổi chiều thứ Bảy, hoa trong công viên nở đầy, tự nhiên trong tâm trí tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại mấy câu thơ của Lưu Quang Vũ: 
Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi

Ừ nhỉ, sau hai tuần ho sù sụ, tôi đã hết ho. Tự nhiên thấy buồn cười là chưa bao giờ mình mừng vì khỏi bệnh cảm như thế. Ôi trời, cây táo đã nở hoa! 

Phan Quỳnh Dao (London)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI