Giữa ồn ào Asanzo, Bộ Công thương lấy ý kiến về 'Made in Vietnam'

02/08/2019 - 09:33

PNO - Bộ Công thương lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Việc lấy ý kiến này được Bộ Công thương đưa ra đúng thời điểm nảy sinh những tranh cãi xung quanh các vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa, mà mới nhất là vụ việc Asanzo nhập linh kiện Trung Quốc về gắn mác “xuất xứ Việt Nam”.

Dự thảo thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan thế giới đều được áp dụng trong dự thảo thông tư này.

Giua on ao Asanzo, Bo Cong thuong lay y kien ve 'Made in Vietnam'
Xung quan chuyện dán nhãn xuất xứ của Asanzo, quy định "made in Việt Nam" cần được rõ ràng hơn

Quy định về ghi nhãn hàng hóa đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng và các doanh nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và duy trì môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã làm phát sinh một số bất cập. 

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc quy định thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện vẫn chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

Việc thiếu các quy định này đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam cũng được gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI