Anh hầu như không còn đủ sức lực và kiên nhẫn để ngăn cản hoặc làm bất cứ điều gì. Bởi đây chẳng phải lần đầu mẹ hành động như thế. Trước, mỗi khi buồn giận ai, mẹ lại qua nhà cô, nhà dì ở chơi vài hôm, nguôi nguôi thì về. Không khí trong nhà căng thẳng thêm mấy ngày rồi cũng êm dần. Để rồi dăm bữa nửa tháng, lại một trận xào xáo khác diễn ra, mức độ ngày càng nghiêm trọng, trong nỗi bất an mơ hồ của anh, rằng mọi thứ kinh khủng này rồi sẽ có lúc phải kết thúc. Điều bận tâm của anh, là nó sẽ kết thúc như thế nào.
Anh vốn đã phải quen với chu kỳ “sống trong sợ hãi” đó, nên không lấy làm ngạc nhiên. Mẹ và vợ anh, vốn chẳng ai chịu nhường ai, ai cũng có cái lý của họ, ai cũng thấy mình đã chịu nhiều ấm ức từ ngày chung sống một nhà. Ai cũng kêu anh phân xử đi, ai cũng thích oán trách người kia đã làm hỏng cuộc sống lẽ ra phải tốt đẹp của mình…
Nhưng lần này mẹ đi, ai gọi cũng không thèm bắt máy. Tiếng chuông điện thoại riết róng rồi chìm vào thinh lặng, khiến lòng anh thêm trĩu nặng. Chuyện vốn chẳng có gì, mà sao cứ quẩn quanh khổ sở thế này… Anh báo cho chị gái, em gái biết tình hình. Đây là những người thân trong nhà mà mẹ hay tỉ tê gần gũi. Chị bảo, mẹ cũng đâu có trả lời mà gọi. Em thản nhiên nói, kệ đi, mẹ đi chán lại về, lo nhiều cũng không giải quyết được gì. Ai nấy đều bận rộn, hơn nữa đã nhàm với xung đột gia đình của anh.
|
Ảnh mang tính minh họa |
Mẹ vốn không ưa con dâu tương lai ngay từ lần đầu gặp mặt. Nhưng thôi, cái duyên cái số nó vồ lấy nhau. Là mẹ bảo thế, nên không ngăn cản khi anh vẫn nhất định kết hôn với người con gái ấy. Vợ anh không hiền, tính cô ấy thích cãi, lại ưa khăng khăng làm theo ý mình. Nhưng cô ấy cũng chẳng có lỗi lầm gì to tát. Chỉ toàn là các mâu thuẫn lặt vặt từ cái ác cảm vô cớ ban đầu kia xui khiến. Chuyện bé xé ra to. Mẹ anh không đi làm, suốt ngày quanh quẩn ở nhà, thích suy diễn, nghĩ ngợi. Vợ anh, phụ nữ thế hệ 8x, những chịu đựng cam lòng vô lý của thời bà, thời mẹ đã lùi vào quá vãng. Cô ấy có công việc và những quan tâm khác, nào có thể vì mấy chuyện nhà vặt vãnh mà suốt ngày phải lo nghĩ khổ sở.
Mẹ khó tính quá, cái gì cũng bắt bẻ, em thật hết cách rồi! Vợ anh xa gần rằng, may mà con trai không giống mẹ. Anh không bênh vợ, nhưng ngầm công nhận là cô ấy nói đúng. Mẹ ác miệng. Mẹ hơn thua với dâu con. Lời lẽ của mẹ khiến cho anh sợ. Anh thật không tin được, người ta có thể vin vào cái nguyên nhân chung là anh, để ganh ghét, dằn vặt, cắn đắng, soi mói, cãi vã nhau triền miên nhiệt tình như kẻ thù thế này…
Anh không phải mẫu đàn ông đẹp trai lồng lộng. Gia cảnh nhà anh loàng xoàng. Anh chẳng có của cải gia tài hay vị trí xã hội gì sáng giá. Anh bình thường, nhưng mẹ luôn kết luận rằng, lấy được anh là “phần phước” của vợ anh. Rằng cô ấy chẳng được cái nết nào ngoài... lười biếng, bề bộn, dở cả nội trợ lẫn chăm con. Những lời mỉa mai kết tội ngày càng nặng nề khó nghe, ken dày bao nhiêu là ghét bỏ khó chịu. Anh từ ngại ngần khuyên can nhẹ nhàng, trở nên vô thức đứng hẳn ra bênh vực vợ. Mẹ càng hằn học, lồng lộn trong cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu, mà bây giờ, chỉ còn mình mẹ một bên chiến tuyến.
Anh bất lực. Anh đau đáu cảm giác mình không làm tốt vai trò người đứng giữa. Anh đã sai chăng? Mấy chị em trong nhà đều góp tiếng khuyên mẹ, nhưng đành bó tay trước thành kiến của người già. Mà mẹ đã già lắm đâu, chỉ vì ít góp mặt ngoài xã hội mà ra nông nỗi. Mọi nỗ lực kéo mẹ tìm bạn bè giao tiếp cho khuây khỏa đều thất bại. Không ít lần, anh manh nha ý định dọn ra riêng, rồi đành bỏ dở vì biết mẹ sẽ đơn độc. Anh sẽ sống sao với hạnh phúc riêng tư, khi nghĩ đêm đêm, mẹ thui thủi một mình trong ngôi nhà không bóng người thân…
Mẹ bỏ đi. Anh đi làm, nơm nớp sợ hãi, chờ một cuộc gọi xa lạ đầy bất trắc. Anh đi ngủ, giấc mỏi mệt lẫn lộn ú ớ ác mộng. Anh ăn cơm, miếng nuôi thân đắng nghét trong miệng. Anh ẵm con, hoang mang tự hỏi, cuộc đời mình vì đâu mà phải lâm vào cảnh này? Anh ôm vai vợ, nước mắt đàn ông khó nhọc rơi xuống. Vợ dằn dỗi hỏi, ý anh là đổ lỗi cho em sao, mà bày đặt khóc lóc làm khó nhau thế này…
Mẹ vẫn chưa về. Vợ anh áy náy, nửa nhẹ nhõm nửa lấm lét thương chồng. Vợ chồng là nghĩa trăm năm. Mẹ là duy nhất. Đứa trẻ bé bỏng đang bi bô kia cũng không hề có tội. Nếu anh phải ly hôn, mẹ có thật lòng vui mừng? Mẹ có chấp nhận được đứa con dâu đến sau, hay như chị anh thẳng tưng, là tính mẹ khó mà sống chung với bất kỳ ai! Mẹ già rồi, còn vui vầy bên con cháu được bao lâu, sao cứ mãi loay hoay làm khổ mình khổ người? Điều gì có thể nói cùng mẹ, anh đã nói hết. Năn nỉ, van lơn vợ mở lòng, đừng để ý, đừng lời qua tiếng lại, anh đã bao lần thực hiện. Anh hiểu mình thất bại khi ngồi trước hai người đàn bà quan trọng với mình mà cầu xin một sự thông hiểu. Anh phải làm sao đây, cho nó vẹn toàn…
Vũ Anh