Giữa dịch bệnh, hàng hiệu châu Âu bất ngờ bán chạy tại Trung Quốc

26/09/2020 - 11:38

PNO - Thương hiệu đồng hồ cao cấp Officine Panerai-Firenze SA từ nước Ý, được nhớ đến nhờ dòng sản phẩm đồng hồ đeo tay to bản, dày dặn bắt đầu nổi tiếng vào thế chiến thứ hai. Tuy nhiên giờ đây, thiết kế bán chạy nhất của họ dần được thu hẹp kích cỡ, nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu tiêu dùng đặc biệt lớn mạnh của những khách hàng Trung Quốc.

“Ông lớn” trong ngành thời trang đồng hồ là một ví dụ tiêu biểu cho khuynh hướng tái lập để thích nghi tại Trung Quốc của không ít công ty sản xuất hàng xa xỉ phẩm. Tiến trình này càng được thúc đẩy khi quốc gia tỉ dân cho thấy dấu hiệu hồi phục kinh tế rõ rệt, giữa lúc phần còn lại của thế giới vẫn đang phải chóng chọi sức tàn phá lan tỏa từ đại dịch corona.

Trung Quốc đang là “ngôi sao” trong số những thị phần tiêu thụ toàn cầu của Panerai. (Ảnh: Monochrome)
Trung Quốc đang giữ “ngôi vương” trong số những thị phần tiêu thụ toàn cầu của Panerai. (Ảnh: Monochrome)

“Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử thương hiệu của chúng tôi, sẽ trở thành thị trường tiêu thụ số 1 của năm nay”, Jean-Marc Pontroué, tổng giám đốc điều hành Panerai - nay là một nhánh trực thuộc Richemont SA, công ty cổ phần sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết. “Hiện thời, khi chúng tôi đã có cái nhìn toàn cảnh về vị thế khổng lồ của thị trường Trung Quốc, về tiềm năng còn lớn hơn nữa của quốc gia này trong tương lai, chúng tôi biết nên tập trung đầu tư vào đâu”.

Trung Quốc, nơi khởi phát mầm bệnh gây nên đại dịch viêm phổi toàn cầu, ngay lúc này, lại đóng vai trò ”cứu cánh” cho ngành công nghiệp hàng xa xỉ phẩm. Mong muốn mua sắm tăng vượt bậc sau hàng tháng liền phải cách ly xã hội do dịch bệnh, cùng với tình trạng phong tỏa hoạt động du lịch toàn cầu, khiến vô số người tiêu dùng Trung Hoa không ngần ngại chi mạnh cho nhiều loại mặt hàng. Nhu cầu về những sản phẩm cao cấp riêng ở Trung Quốc đại lục có thể tăng đến 10% trong năm nay, bất kể lượng tiêu thụ trên toàn cầu đã giảm 45% - theo thống kê công bố vào tháng 6 từ Boston Consulting Group (tập đoàn tư vấn quản lý doanh nghiệp uy tín hàng đầu tại Mỹ).

Điều chỉnh chiến lược

Vì lý do trên, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng cao cấp đang tích cực điều chỉnh tiến trình, chiến lược hoạt động và cả đặc tính kinh doanh để chiều lòng thị phần Trung Quốc.

Show trình diễn thời trang nam mới nhất của Louis Vitton diễn ra tại Thượng Hải, đầu tháng 8.2020 (Ảnh: Vogue Hong Kong)
Show trình diễn thời trang nam mới nhất của Louis Vitton diễn ra tại Thượng Hải, đầu tháng 8.2020 (Ảnh: Vogue Hong Kong)

Louis Vuitton vừa ra mắt show thời trang nam cao cấp đầu tiên tại Thượng Hải, tháng 8 vừa qua. Hội chợ đồng hồ quốc tế tố chức thường niên dành cho những thương hiệu “con” quản lý bởi tập đoàn Richemont, như Watches & Wonders (sự kiện thu hút nhiều khách hàng thượng lưu vốn trước kia chỉ diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ) – cũng lần đầu ra mắt công chúng Thượng Hải mới đây, vào trung tuần tháng 9.

Mặt khác, thương hiệu danh tiếng như Louis Vuitton, Givenchy và Chloe đã bắt đầu sử dụng tiện ích live-stream (truyền phát video trực tiếp qua internet) giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh sức mua ở Trung Quốc – đất nước vốn ưa chuộng hình thái live-stream trên nhiều kênh mạng xã hội với mục đích quảng bá sản phẩm thương mại.

Theo lời Jason Yu, giám đốc quản lý thuộc công ty tư vấn thương mại dịch vụ quốc tế Kantar Worldpanel – chi nhánh Trung Quốc, tất cả thương hiệu lớn đang tăng mạnh về doanh số vài tháng trở lại đây.

Doanh thu tập đoàn sản xuất mặt hàng cao cấp LVMH ở Trung Quốc tăng hơn 65% so với năm ngoái. Tương tự, thương hiệu mỹ phẩm Estee Lauder ghi nhận tổng lợi nhuận tăng vọt đến 60% tại thị trường đại lục, trong khi với Kering - tập đoàn bán lẻ xa xỉ phẩm lâu đời của Pháp, con số này là 40%.

“Tôi tin thị trường Trung Quốc đủ lớn để biện minh cho nỗ lực thích nghi của nhiều doanh nghiệp”, Yu nhận định. “Một nỗ lực tiếp cận “chung chung”, ngược lại, khó lòng giúp họ thành công”.

Tăng cường quảng bá hình ảnh

Bên cạnh thu gọn kích cỡ những thiết kế đồng hồ, Panerai lên kế hoạch mở thêm 8 cửa hàng mới trước tháng 3 năm sau, nhằm tăng cường tuyên truyền hình ảnh của hãng nơi loạt đô thị đông dân như Bắc Kinh và Thượng Hải. Thương hiệu cao cấp hiện có tất cả 57 cửa hàng đang hoạt động ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% tổng mạng lưới tiêu thụ toàn cầu.

Mở rộng đại lý ở Hải Nam là cách giúp Panerai bù đắp tổn thất doanh thu trước đó từ chi nhánh Hong Kong. (Ảnh: SCMP)
Mở rộng đại lý ở Hải Nam giúp Panerai bù đắp tổn thất doanh thu trước đó từ chi nhánh Hong Kong. (Ảnh: SCMP)

Pontroué, CEO của Panerai, tiết lộ, hãng dự tính sẽ khai trương 2 đại lý nữa ở Hải Nam, trong vòng 2 tháng tới đây, sau khi cửa hàng pop-up (hình thái shop bán lẻ cơ động chỉ duy trì trong thời gian ngắn) đã đạt thành công “ngoài mong đợi”. Lượng khách tại Hải Nam đang giúp Panerai bù đắp 30%-50% khoảng lợi nhuận thua lỗ trước đó tại thị phần Hong Kong, Pontroué nói.  

Đồng thời, giới tỉ phú bản địa cùng lượng khách hàng giàu có đang gia tăng, tạo nên cơ hội thử nghiệm đầy hứa hẹn đối với những sản phẩm mới.

“Trung Quốc là “phòng thí nghiệm” tuyệt vời để kiểm định ý tưởng mới”, Pontroué nhận xét. “Có được Trung Quốc như thị trường tiêu thụ chủ chốt cũng là một tham số thuận lợi, giúp chúng tôi kiểm chứng liệu một khái niệm kinh doanh mới có tiềm năng hay không”.  

Như Ý (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI