PNO - Làm việc ở nước ngoài là một đề xuất hấp dẫn đối với nhiều người. Cơ hội trải nghiệm nền văn hóa mới, phát triển mạng lưới quốc tế trong khi được trả tiền có thể là một cơ hội đáng giá, ngay cả trong đại dịch.
Cuộc sống thật tốt đẹp đối với Muhammad Kurdi, một người lao động Indonesia hiện sống ở Mecca, Ả Rập Saudi, trong khoảng 15 năm. Người cha ba con từng làm hướng dẫn viên cho những người hành hương từ Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei… kiếm được hơn 14.000 USD/tháng trong mùa cao điểm hành hương Hồi giáo. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đảo lộn khi COVID-19 lan khắp thế giới và người nước ngoài không thể hành hương đến Ả Rập Saudi.
Muhammad Kurdi hiện đang làm tài xế và youtuber để kiếm sống qua ngày tại Ả Rập Saudi
Kurdi nói với CNA: “Kể từ khi đại dịch xảy ra, tôi thất nghiệp và có lẽ tất cả các hướng dẫn viên ở Mecca đều thất nghiệp vì không còn ai đến Umrah và Haj nữa”. Hiện nay, người đàn ông 36 tuổi này làm đủ mọi công việc như chở người dân đến các trung tâm tiêm chủng hoặc ra khỏi thị trấn, thậm chí trở thành một youtuber, sản xuất các video về cuộc sống ở Mecca. Anh cũng có tiền tiết kiệm ở Indonesia và đã nhờ gia đình chuyển tiền sang khi cần.
Thỉnh thoảng, Kurdi nhận được sự hỗ trợ từ những đồng hương người Indonesia. Anh cũng đã hai lần nhận được lương thực thiết yếu từ Tổng Lãnh sự quán Indonesia. Muhammad Kurdi quyết định ở lại Ả Rập Saudi ít nhất cho đến khi giấy phép lao động hết hạn vào đầu năm 2022. Kurdi chia sẻ: "Một số người nhập cư quyết định ở lại đây vì họ không chắc chắn về cuộc sống khi quay về quê hương".
Ngay cả những người lao động nhập cư từ các nước láng giềng với nhau cũng gặp trở ngại do việc đóng cửa biên giới. Su Thandar Win, một người lao động Myanmar tại Thái Lan, khoe ảnh cậu con trai bảy tuổi trên điện thoại và nở nụ cười tự hào. Thế nhưng niềm vui nhanh chóng biến mất khi cô giải thích lý do đã không gặp con trong hơn hai năm. Người mẹ 26 tuổi chia sẻ: "Tôi đã để con lại cho mẹ tôi nuôi”. Việc biên giới Thái Lan - Myanmar đóng cửa vào tháng 3/2020 do COVID-19 đã ngăn cản chuyến về nhà hằng năm của Su.
Su và chồng cô nằm trong số 1,7 triệu công dân Myanmar đang làm việc tại nước láng giềng Thái Lan và là một phần của mạng lưới quan trọng gồm những người lao động ở nước ngoài hỗ trợ người thân ở quê nhà. Tình hình hiện tại khiến hàng ngàn người Myanmar phải sống với nỗi lo thường trực về tài chính lẫn sự an toàn của những người thân yêu.
Su tâm sự: "Tôi muốn quay lại Myanmar làm việc vì chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc ở các nước khác và tôi cũng muốn sống cùng gia đình ở quê nhà”. Tuy nhiên, người mẹ trẻ vẫn sợ hãi về tương lai bất định nếu vợ chồng cô quay trở lại.
Khi giáo viên toán James Prodger rời Anh cùng vợ và đứa con mới biết đi để đến làm việc ở Singapore vài năm trước, anh đã hình dung ra một khoảng thời gian ở nước ngoài xen kẽ với những kỳ nghỉ thú vị ở Đông Nam Á và những chuyến về nhà thường xuyên để thăm gia đình. Đại dịch đã khiến những kế hoạch đó chệch hướng. Anh hiện điều hành Công ty Tư vấn giáo viên quốc tế, chuyên tuyển dụng giáo viên làm việc tại các trường học ở 80 quốc gia trên thế giới.
James đã khảo sát 250 giáo viên người Anh đang làm việc ở nước ngoài hoặc từng bày tỏ sự quan tâm đến công việc này. James cho biết, ngày càng nhiều người được hỏi muốn làm việc ở các quốc gia nơi COVID-19 nằm trong tầm kiểm soát, dù Anh là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới.
Đi để tìm tương lai tốt hơn
Kể từ đầu năm 2021, mỗi tháng có khoảng 60.000 người Philippines rời khỏi đất nước để tìm việc ở các quốc gia khác. Lala Abalon đã dành năm năm lăn lộn giữa các công việc văn phòng tạm thời ở Dubai trước khi tìm được công việc ổn định là nhân viên dịch vụ khách hàng tại một công ty bất động sản. Đại dịch đã buộc cô cùng hàng trăm ngàn người lao động Philippines khác ở vịnh Ba Tư và vùng lân cận phải khăn gói về nước.
Một nhân viên tuyển dụng của ABD Overseas Manpower Corp. ở Makati, Philippines hỗ trợ chị Juvy Magno hoàn thiện hồ sơ xin việc làm giúp việc gia đình ở Ả Rập Saudi
Chín tháng sau khi trở về nhà bố mẹ đẻ ở Philippines, cô nóng lòng muốn quay lại Dubai. Abalon hiện quản lý cửa hàng mì của gia đình ở phía bắc Manila, nói: “Tôi không thấy tương lai của mình ở đây. Cuộc sống ở Philippines rất khó khăn. Ở nước ngoài, mức lương và mọi thứ đều tốt hơn”.
Khi các quốc gia bắt đầu đóng cửa biên giới trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19, chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động một chiến dịch hồi hương cho những người Philippines bị mắc kẹt ở nước ngoài. Ít nhất 560.000 người đã quay trở lại. Tuy nhiên, đó không phải là một sự trở về lý tưởng. Nền kinh tế Philippines giảm 9,6% vào năm 2020 - nghiêm trọng nhất Đông Nam Á - và sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 đang cản trở sự phục hồi.
Alicia Devulgado - Chủ tịch Hiệp hội Tuyển dụng lao động ở nước ngoài của Philippines - cho hay: “Những người lao động ra nước ngoài thường nói với tôi rằng họ sẽ chết vì đói nếu ở lại với gia đình”. Một cuộc khảo sát do Tổ chức Di cư quốc tế công bố vào tháng 5/2021 cho thấy gần một nửa số người Philippines trở về có ý định rời đi lần nữa.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, mỗi tháng có khoảng 60.000 người Philippines rời đất nước để tìm việc ở các quốc gia khác. Con số đó chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình trước đại dịch. Việc khởi hành là điềm báo tốt cho một nền kinh tế phụ thuộc vào kiều hối. Tiền do người Philippines làm việc ở nước ngoài gửi về nước chiếm 9% GDP vào năm 2019. Các dòng tiền này đã giảm 0,8%, xuống còn 29,9 tỷ USD, vào năm 2020. Đây là mức giảm đầu tiên kể từ năm 2001.
Giáo viên James Prodger chuyển đến Singapore cùng vợ và con trai vào năm 2019
Philippines xuất khẩu lao động trong nhiều năm nhưng xu hướng trên đột ngột tăng vào thập niên 1970, khi các nền kinh tế châu Á mở cửa và tăng trưởng bắt đầu. Ngày nay, các quốc gia vùng vịnh Ba Tư cũng tiếp nhận một lượng lớn người di cư Philippines.
Trên toàn cầu, cộng đồng người Philippines đạt con số 10 triệu vào năm 2019. Nhiều người được tuyển làm các công việc như xây dựng, y tá và giúp việc gia đình. Vào tháng 4/2021, ông Benjamin Diokno - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines - cho biết: “Người Philippines là lao động được ưa thích trên toàn cầu về một số kỹ năng, với đạo đức làm việc và khả năng sử dụng tiếng Anh tốt. Triển vọng dài hạn cho người Philippines ở nước ngoài về cơ bản là cao". Tuy nhiên, có một mặt trái: Sự di cư của quá nhiều công dân (bao gồm cả các nhà khoa học và kỹ sư) đã làm cạn kiệt lực lượng lao động trong nước, gây ra sự thiếu hụt các chuyên gia có tay nghề cao. Nhân viên y tế cũng ra nước ngoài để được trả lương cao hơn, gây ra tình trạng thiếu hụt bác sĩ và y tá ở quê nhà.
Đôi vợ chồng lao động nhập cư người Myanmar - Su và Zaw - ở Bangkok, Thái Lan
Nhu cầu đối với công nhân Philippines đã tăng lên trong những tháng gần đây, đặc biệt là từ Ả Rập Saudi, Mỹ và Anh. Chính phủ đã ưu tiên tiêm vắc-xin cho những người sớm bay ra nước ngoài, góp phần thúc đẩy một số người chọn rời đi. Tốc độ khởi hành sẽ cao hơn nếu không có các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi-rút và giới hạn đối với các cuộc xuất cảnh của nhân viên y tế. Ngoài ra, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã thắt chặt kiểm soát biên giới để đối phó với sự bùng phát dịch.
Chính phủ đang khuyến khích đào tạo thêm cho những người trở về muốn ở lại đất nước, tìm việc làm tại các trung tâm hỗ trợ và giáo dục. Một số được thuê để xây dựng tuyến đường sắt nối một tỉnh lân cận với thủ đô Manila, một phần của cơ sở hạ tầng quốc gia. Các khoản vay lên tới 2.100 USD cũng được cung cấp cho những người về nước muốn thành lập doanh nghiệp.
Trở về từ Dubai, Abalon đã cân nhắc việc đi học để trở thành một người chăm sóc ở Mỹ hoặc xin việc phục vụ bàn ở Canada. Cô nói: “Có lẽ tôi sẽ cân nhắc việc ở lại Philippines nếu một trận đại dịch khác xảy ra hoặc một khi tôi có đủ tiền để nghỉ hưu. Song hiện tại, làm việc ở nước ngoài đem lại tương lai tốt hơn".
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.