Giữa đại dịch Covid-19, chủ trường tư chỉ biết khóc ròng

19/02/2020 - 07:58

PNO - Không có nguồn thu nhưng lương cho người lao động vẫn phải đảm bảo, tiền thuê mặt bằng cũng không thể thiếu khiến nhiều trường tư điêu đứng. Chỉ sợ, thời gian nghỉ càng dài, nhiều chủ trường sẽ không thể cầm
cự nổi…

Một tháng và cũng có khả năng là hai tháng, trường học vẫn không hoạt động, không nhận học sinh, không có nguồn thu học phí nhưng mặt bằng, lương giáo viên, nhân viên vẫn phải đảm bảo thì rất nhiều trường đang cố trụ trong bấp bênh.  

Cầm nhà, bán trường, cho giáo viên nghỉ việc

Đó là những phương án mà chủ các trường tư thục phải bấm bụng “xuống tay” để duy trì ngôi trường qua mùa dịch bệnh. Với những trường mang tính hệ thống, thu học phí trọn học kỳ thì chưa đến nỗi nào, nhưng với các cơ sở đơn lẻ đã thấy ngay khó khăn. 

Bà Lê Thị Bé Tuyết, chủ cơ sở mầm non Đô Rê Mi (H.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cắn răng quyết định giảm biên chế 1/3 nhân sự trong tổng số 42 giáo viên, nhân viên của trường.

Học sinh nghỉ học dài ngày nhiều trường tư gặp khó khăn do chỉ có chi mà không có thu.
Học sinh nghỉ học dài ngày nhiều trường tư gặp khó khăn do chỉ có chi mà không có thu.

“Tôi trăn trở dữ lắm, đến khi đưa ra quyết định là khóc như mưa nhưng không thể làm gì khác hơn. Tôi quyết định như vậy là để các cô sau thời gian được hưởng trợ cấp chờ việc của trường (cho đến hết tháng Ba) thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chứ không thể để các cô nghỉ không lương. Tôi cũng giải thích cho các cô hiểu là trường đang bảo vệ lợi ích các cô trong trường hợp nghỉ dài hạn, vì không đủ khả năng giữ lại hết. Nếu tháng Ba, trường hoạt động trở lại thì các cô có thể quay về”, bà Tuyết chia sẻ.

Vừa chuyển xong lương tháng Một cho giáo viên, bà Tuyết nhẩm tính: trường không phải tốn tiền thuê mặt bằng nhưng trong thời gian không hoạt động tính cho đến tháng Ba, chỉ riêng chuyện trả lương và các khoản trích theo lương dự trù đã hết 500 triệu đồng. Hiện, trường đang sử dụng quỹ dự phòng để chi trả những khoản này nhưng cũng không thể duy trì lâu. Bà Tuyết cho rằng: “Mình cầm cự được là nhờ không thuê mặt bằng và có công việc kinh doanh khác để bù vào, chứ nhiều đồng nghiệp khó khăn hơn rất nhiều”.

Ông Nguyễn Trọng Trung, chủ hai cơ sở mầm non tại TP.HCM đang làm hồ sơ… cầm căn nhà đang ở. Ông cho biết: “Cơ sở mầm non Thiên Ân (Q.Thủ Đức) mỗi tháng tốn 60 triệu đồng tiền mặt bằng, 200 triệu đồng tiền lương giáo viên, nhân viên, 50 triệu đồng đóng bảo hiểm.

Trường Hương Nắng Hồng ở khu công nghiệp Sóng Thần cũng ngốn 50 triệu đồng tiền mặt bằng, 100 triệu đồng tiền lương và 40 triệu đồng đóng bảo hiểm. Mỗi tháng, hai cơ sở chi ra hết 500 triệu đồng. Kỳ nghỉ tránh dịch nối tiếp kỳ nghỉ tết dài nên gần hai tháng nay, chỉ có chi mà không có thu nên rất đuối”. 

Ông Trung tình thật: “Tôi trụ muốn không nổi, đồng nghiệp ở tỉnh Bình Dương thì rao bán trường luôn rồi. Bây giờ, giáo viên tùy vào trường thôi, có trường không trả lương, có trường trả ít... nên phải bán hàng online, về quê phụ việc… Tôi thấy thương giáo viên quá nên không đành để họ như vậy, bèn bàn với bà xã đem nhà đi cầm. Nhưng nếu tình hình này kéo dài cũng không cầm cự được lâu. Lúc đó, buộc phải thỏa thuận với giáo viên chỉ trả được phụ cấp và đóng trọn bảo hiểm xã hội thôi”.

“Hỗ trợ được gì sẽ cố gắng”

Những ngày này, không ít chủ trường phải ngậm ngùi cầm cố nhà cửa, tìm đủ thứ giải pháp để cầm cự cho qua mùa dịch. Bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp), chia sẻ, đây là thời điểm khó khăn chung của các trường tư. Như trường của bà, chỉ riêng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, lương cho đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng phải duy trì đều là những con số không hề nhỏ. Hiện tại, học phí tháng Hai trường vẫn chưa thu, dù học sinh không học tập trung nhưng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn vẫn dạy online cho học sinh, nhất là lớp 12.

“Tình hình khó khăn và chúng tôi cũng cần hướng dẫn về cách chi trả lương sao cho hợp lý để duy trì. Mặc dù trường chưa có quyết định gì nhưng may mắn là nhiều giáo viên đã lên tiếng muốn chia sẻ khó khăn cùng trường”, bà Sa cho biết.

Chủ một hệ thống trường THPT tư thục ở Q.Tân Phú cho biết: trường có hơn 70% giáo viên cơ hữu phải đảm bảo mức lương tối thiểu vùng cộng với đóng bảo hiểm cho tất cả nhân viên, cộng thêm mặt bằng của hai cơ sở không dưới 1 tỷ đồng/tháng. Ngoài khó khăn về kinh tế, vị này cho biết các trường vẫn đang phải “hóng” thông tin có nghỉ tiếp sau tháng Hai hay không, bởi khi biết sớm sẽ có kế hoạch chủ động dạy - học cho giáo viên, học sinh và dự trù kinh phí. 

Đứng trước khó khăn của các trường, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình (TP.HCM)  yêu cầu các trường mầm non ngoài công lập, chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục… báo cáo bằng văn bản những khó khăn khi chi trả tiền lương cho người lao động và các nội dung khác trong quá trình cho học sinh nghỉ học tránh dịch bệnh, kèm theo đề xuất. Văn bản này khiến nhiều chủ trường phấn khởi, cảm thấy ấm lòng dù thừa hiểu cũng khó được hỗ trợ gì nhiều. 

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình, cho biết: “Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nắm được tình hình như vậy, nhưng cần có báo cáo cụ thể để phân loại khó khăn, đề xuất của các trường, sau đó báo cáo lên quận cũng như Sở GD-ĐT TP.HCM xem xét. Những gì trong tầm tay có thể hỗ trợ cơ sở, chúng tôi sẽ cố gắng làm ngay, nhưng trước hết là chia sẻ khó khăn với những người làm giáo dục”.

Hiện Sở GD-ĐT TP.HCM nắm tình hình khó khăn chung của các trường tư lẫn trường công để báo cáo UBND TP.HCM. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI