Giữ vững các “vùng xanh” trong tâm dịch

03/08/2021 - 06:52

PNO - Ở nhiều khu dân cư của TPHCM, người dân đã tự lập các tổ, đội canh giữ chốt bảo vệ “vùng xanh” (khu vực chưa có ca nhiễm COVID-19).

Ở nhiều khu dân cư của TP.HCM, người dân đã tự lập các tổ, đội canh giữ chốt bảo vệ “vùng xanh” (khu vực chưa có ca nhiễm COVID-19). Ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng cũng là một thứ vắc xin phòng, chống dịch.

Lập chốt để giữ “vùng xanh”

Nửa tháng qua, bất kể mưa hay nắng, một nhóm thanh niên vẫn đứng trực trước khoảng sân của chung cư Ehome 3 (P.An Lạc, Q.Bình Tân) để hướng dẫn người dân giao, nhận hàng hóa và phun thuốc khử khuẩn. Họ là thành viên của Đội hỗ trợ chung cư Ehome 3. 

Nhờ chốt bảo vệ “vùng xanh”, nhiều khu phố ở TP.HCM ngăn chặn được tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 ẢNH: HOÀNG LÂM
Nhờ chốt bảo vệ “vùng xanh”, nhiều khu phố ở TPHCM ngăn chặn được tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 - Ảnh: Hoàng Lâm

Từ ngày 5/6, khi block A3, A4 của chung cư Ehome 3 bị phong tỏa, đội hỗ trợ đã ra đời với khoảng 20 thành viên. Hằng ngày, đội làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa, đi chợ giúp người dân trong các căn hộ bị phong tỏa. Đến ngày 12/7, khi chung cư Ehome 3 được dỡ phong tỏa, đội chuyển sang thực hiện nhiệm vụ giữ “vùng xanh”.

Tại block A3, chung cư Ehome 3, cư dân đã tự lập một “phòng tuyến hai lớp”. Người đến giao hàng sẽ đặt hàng hóa bên ngoài “vùng xanh”. Các thành viên của đội hỗ trợ sẽ phun khử khuẩn, sau đó mang hàng hóa vào đặt ở chiếc bàn bên trong cách đó khoảng 20m. Việc chia vị trí này là để tránh việc người trong chung cư tiếp xúc trực tiếp với người giao hàng, từ đó ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Người dân ra, vào “vùng xanh” cũng được hướng dẫn sát khuẩn, khử trùng, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND P.An Lạc đánh giá cao ý thức, hành động giữ “vùng xanh” của Đội hỗ trợ chung cư Ehome 3. Mới đây, Đảng ủy P.An Lạc đã có chỉ đạo mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn phường, chỉ đạo các khu phố triển khai phong trào tự quản “Hẻm của tôi, tổ dân phố của tôi an toàn với dịch COVID-19”. Theo đó, các đoàn thể chính trị và nhân dân đứng ra chốt chặn, bảo vệ an toàn cho hẻm, khu vực quanh nhà mình.

Tại P.4, Q.3, hơn 10 ngày qua, hàng loạt chốt bảo vệ “vùng xanh” cũng được dân lập ra để phòng, chống dịch COVID-19. Các tình nguyện viên, cán bộ phường cùng với cảnh sát khu vực chia ba ca trực chốt, mỗi ca trực từ 6g đến 23g. Vào giờ cao điểm, số người giao hàng tập trung quá đông, người trực mở loa phóng thanh cầm tay nhắc nhở giữ trật tự, đứng cách nhau 2m, hạn chế trò chuyện. Những người còn lại sẽ hướng dẫn người giao để hàng đúng chỗ và đưa đồ tới tận nơi cho người trong khu dân cư.

Anh Nguyễn Hoàng Huy - tình nguyện viên gác chốt bảo vệ “vùng xanh” ở P.4, Q.3 - chia sẻ: “Chốt được dựng lên để không cho người lạ vào khu dân cư. Shipper khi tới đây được yêu cầu đặt hàng lên chiếc bàn sắt để phun khử khuẩn, gọi điện cho khách ra nhận chứ không chạy xe vào bên trong như trước”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đức - Chủ tịch UBND P.4, Q.3 - các chốt bảo vệ “vùng xanh” ở phường được lập từ ngày 22/7, chủ yếu thực hiện biện pháp phòng dịch nhằm bảo vệ nơi chưa có ca mắc COVID-19. Việc lập chốt nhằm hạn chế người lạ ở ngoài vào, còn người dân bên trong vẫn được ra ngoài khi có việc cấp thiết. Đây là mô hình người dân tự bảo vệ nơi mình sống nên khi triển khai, UBND phường nhận được nhiều sự đồng thuận. Những khu vực phong tỏa được dỡ rào chắn cũng sẽ chuyển thành chốt bảo vệ “vùng xanh” do người dân tự quản để ngăn dịch xâm nhập trở lại.

Tại P.15, Q.Tân Bình, “vùng xanh” của khu phố 1 đã được thiết lập từ rất sớm. Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng ban điều hành khu phố 1 - cho biết, khu phố hiện có chín tổ dân phố, 1.024 hộ, 2.800 nhân khẩu. Từ trước khi TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, khu phố đã thành lập ba chốt ở ba đầu hẻm nối với đường lớn Phan Huy Ích. Người dân ra vào đều phải đi qua chốt này, người không phải cư dân khu phố, kể cả các shipper giao hàng đều phải đứng ngoài chốt, chờ người bên trong ra nhận hàng. Hai khu chung cư trong khu phố cũng có bộ phận bảo vệ trực, đo thân nhiệt cư dân ra vào và ngăn người lạ vào chung cư.

“Lúc mới lập chốt, người dân trong khu phố phản ứng vì đang ra vào tự do, lại gặp phiền toái, nhưng khi hiểu được lợi ích của việc lập chốt, bà con đã ủng hộ. Cùng với việc lập chốt, các tổ dân phố cũng lập nhóm (group) trên mạng xã hội để thông tin về diễn biến dịch, tình hình khu phố. Ở hai chung cư trong khu phố, hằng ngày, tổ phụ trách phòng, chống COVID phát loa hai lần tuyên truyền về phòng, chống COVID-19” - ông Phú nói.

Hiện nay, nhiều người dân ở khu phố 1 đã tự nguyện đăng ký tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”, có người trẻ tuổi, có người trên 65 tuổi. Đội ngũ trực chốt được bà con khu phố cung cấp cơm nước đầy đủ hằng ngày. Mới đây, cư dân trong khu phố còn tự đóng góp hơn 13,5 triệu đồng để bồi dưỡng đội trực chốt tự quản của cả khu phố. Nhờ sự đồng lòng này, từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM đến nay, khu phố 1 vẫn giữ vững được “vùng xanh”, chưa có ca mắc COVID-19.

Ông Lê Hoàng Hà - Bí thư Quận ủy Q.Tân Bình - cho biết, hiện nay, mỗi khu phố hoặc liên tổ dân phố ở quận đều lập “vùng xanh”. Bà con ở khu phố, tổ dân phố chủ động lập chốt ngăn người ngoài vào khu dân cư để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Hiện nay, 70% trong số hơn 1.500 tổ dân phố của quận đã lập rào chắn để tự tạo “vùng xanh”. Ông nói: “Trước đây, Nhà nước tổ chức căng dây phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng hiện nay, các khu vực này đã thu hẹp, không phong tỏa theo vùng phong tỏa rộng nữa. Người dân đã có ý thức tự bảo vệ cộng đồng của mình, giúp quận có nhiều khu dân cư an toàn, không có ca nhiễm COVID-19”. 

Hỗ trợ nhau trong “vùng xanh”

Hai tháng qua, ông Lê Văn Phú - 70 tuổi, thuê trọ ở khu phố 1, P.15, Q.Tân Bình - gặp khó khăn do con trai ông mất việc, thu nhập cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương bảo vệ của ông Phú. Ông kể: “Lương của tôi mỗi tháng chỉ có 4 triệu đồng. Lúc trước, con trai phụ thêm nên đủ ăn, giờ nó mất việc, tiền lương mình tôi không đủ xoay xở. Những ngày qua, tôi chủ yếu sống nhờ sự cưu mang của ban điều hành khu phố và bà con quanh đây”.

Một chốt bảo vệ “vùng xanh” ở P.4, Q.3 - ẢNH: HOÀNG LÂM
Một chốt bảo vệ “vùng xanh” ở P.4, Q.3 - Ảnh: Hoàng Lâm

Theo ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng ban điều hành khu phố 1 - từ khi dịch bùng phát đến nay, ban điều hành khu phố, UBND phường và các nhà hảo tâm đã tổ chức 20 đợt hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho những hộ dân gặp khó khăn về tài chính. Ông nêu quan điểm: “Nếu mình lập “vùng xanh” mà để người nghèo trong vùng bị thiếu đói thì chỉ xanh được một nửa. Do đó, chúng tôi quyết tâm vừa chống dịch, vừa đảm bảo đời sống cho người dân khó khăn”. 

Việc giữ “vùng xanh” ở chung cư Ehome 3 cũng không đơn thuần là “căng dây, lập chốt” mà còn san sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau, nhắc nhở nhau tuân thủ tốt quy định phòng, chống dịch. Để chủ động nguồn thực phẩm, người dân ở chung cư Ehome 3 đã lập nên “quỹ rau xanh” để hỗ trợ nhau.

Đại diện người dân ở chung cư liên hệ với các vựa rau ở Đà Lạt, miền Tây mua rau xanh về đặt ở “Gian hàng 0 đồng” phục vụ người dân. “Có rau ở “Gian hàng 0 đồng”, bà con sẽ không cần ra ngoài mua rau nữa, hạn chế nguy cơ bị lây dịch.

Ngoài ra, chúng tôi còn có danh sách các bác sĩ theo từng chuyên khoa đang sinh sống tại chung cư. Trong dịch bệnh, khi cần tư vấn về sức khỏe, người dân có thể gọi cho bác sĩ” - chị Việt Anh, cư dân Ehome 3, chia sẻ.

Cách đây vài ngày, khi hay tin có trường hợp nghi nhiễm COVID-19, đội tình nguyện ở hẻm 173 An Dương Vương, Q.Bình Tân đã lập tức phun khử khuẩn cho toàn bộ con hẻm, người dân trong hẻm cũng tình nguyện đóng góp quỹ để mua thuốc sát trùng, khử khuẩn.

Tại P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, nhiều khu nhà trọ đã xây dựng “Khu nhà trọ an toàn trong dịch COVID-19”. Ở đó, người dân thuê trọ và chủ trọ mua cồn sát khuẩn, vitamin C, khẩu trang y tế… để phòng dịch; người trong khu trọ hạn chế ra ngoài và người ngoài không được vào khu trọ. Chị Lê Thị Trang chia sẻ: “Khu trọ của tôi góp tiền mua nước rửa tay sát khuẩn để dùng trong nhà và đặt ở cửa ra vào khu trọ. Ai đi làm về đều phải xịt khử khuẩn; người giao hàng đứng ngoài khu trọ gọi người ra nhận hàng, nhận xong thì phải xịt khuẩn trước khi trở vào khu trọ”. 

Hoàng Lâm - Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI