PNO - PN - Theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM công bố ngày 4/6, chỉ hơn hai tháng nữa, tám quận huyện ở TP.HCM sẽ chính thức thí điểm nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng.
edf40wrjww2tblPage:Content
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh vừa vui, vừa bày tỏ sự lo lắng vì trên thực tế, ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, con người lẫn năng lực chuyên môn…
Nhiều băn khoăn
Vừa hay tin, chị Hồng Phương (đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú) vui mừng ra mặt. Chị cho biết, gia đình chị chỉ có hai vợ chồng, không thuê người giúp việc, cũng không có ông bà ở cùng để chăm cháu. Chị sắp hết thời gian nghỉ hộ sản nên rất lo lắng vấn đề tìm người trông con. Theo chị Phương, việc thuê người giúp việc hay gửi nhóm trẻ gia đình đều khiến gia đình chị không an tâm, nhưng nếu có trường mầm non (MN) công lập nhận giữ trẻ từ sáu tháng thì chị có thể tin tưởng, vì các cô ở trường MN công lập có trình độ, cơ sở vật chất cũng tốt hơn, đảm bảo việc chăm sóc cho bé.
Gia đình chị Phương Uyên (Q.Bình Tân) cũng rất vui vì sẽ có nơi gửi con để đi làm với mức học phí công lập phù hợp hoàn cảnh kinh tế của gia đình chị, nhưng chị vẫn băn khoăn vì nghe nói chỉ có một - hai trường nhận giữ thì không biết con mình có được nhận hay không. "Trẻ nhỏ mới sáu tháng còn bú mẹ, phải lo từng ly từng tí, thường xuyên bón sữa, lo việc vệ sinh liên tục… Một cô giữ nhiều bé chắc chắn không lo xuể. Đó là chưa kể, ở lứa tuổi này, hầu như tháng nào bé cũng bị một vài bệnh vặt cần chăm sóc. Đòi hỏi ở trường mỗi cô giữ một bé là không thể, nhưng không biết một cô sẽ chăm mấy bé để đảm bảo an toàn?”, chị Uyên trăn trở.
Không chỉ các phụ huynh băn khoăn mà nhiều người làm giáo dục cũng lo lắng. Một chuyên viên MN ở Q.12 cho rằng: “Chủ trương trường MN công lập nhận giữ trẻ từ sáu tháng tuổi để người dân yên tâm làm việc là tốt, nhưng thực tế, trường lớp hiện nay còn không đủ chỗ học cho nhiều lứa tuổi, nhất là thiếu hàng ngàn giáo viên (GV) có chuyên môn. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của trẻ ở độ tuổi này?
Theo số liệu chúng tôi có được, số trường MN công lập hiện nay ở các quận huyện chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trẻ nhà trẻ, 60-70% trẻ mẫu giáo. Như vậy, việc dành phòng học chỉ để giữ vài bé 6-18 tháng tuổi sẽ càng làm hạn chế thêm chỗ học của các đối tượng khác. Đó là chưa kể, để giữ nhóm trẻ này, đòi hỏi GV phải có kinh nghiệm, chuyên môn vững và tâm huyết cao. Lâu nay, các trường sư phạm đào tạo GV MN bỏ ngỏ lứa tuổi này, nên vấn đề con người là bài toán khó nhất.
Khó nhất đối với địa phương và nhà trường là chuyên môn giữ trẻ sáu tháng tuổi - Ảnh minh họa: Phùng Huy
Phải đi từng bước
Bà Chung Bích Phương, Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho biết, quận đã lên kế hoạch từ tháng Ba, thực hiện thí điểm ở Trường MN Hoa Anh Đào (P.Tân Thành) và Phượng Hồng (P.Phú Trung). Mỗi trường nhận một lớp, mỗi lớp giữ 12 bé. Đó là con số quá ít so với nhu cầu thực tế nhưng bà Phương nói, không thể cùng lúc đáp ứng hết nhu cầu vì vừa làm phổ cập năm tuổi, vừa đáp ứng chỗ học cho các nhóm tuổi khác, phải có lộ trình từ từ. Chúng tôi xác định ưu tiên cho con công nhân KCN Tân Bình có hộ khẩu tại Q.Tân Phú không có điều kiện gửi con sau sáu tháng tuổi, nhưng phải có xác nhận. Kế tiếp là con của các chiến sĩ phục vụ biển, hải đảo, người lao động nghèo, con cán bộ công chức, ưu tiên cho hai vợ chồng đều là GV…
Theo bà Phương, tuy chỉ nhận 12 bé/lớp nhưng trường không nhận cùng lúc mà chia thành bốn đợt. Đợt đầu, bốn cô chỉ tiếp nhận bốn bé, mỗi cô phụ trách một bé để theo dõi, giúp bé quen dần với môi trường, khi ổn định mới nhận thêm hai bé, dần dần đến cuối năm học mới nhận đủ 12 bé. "Chúng tôi phải chọn GV là những cô được đào tạo nhà trẻ từ những năm 80-90 vì họ có cái gốc giữ trẻ nhà trẻ, lại có kinh nghiệm với lứa tuổi này, chịu thương chịu khó và xen thêm một - hai cô giáo trẻ để kế thừa. Quận đã gửi trên 20 GV đi đào tạo chuyên môn giữ trẻ nhỏ chuyên sâu trong hè này để mỗi năm sẽ triển khai thêm từ hai - ba trường", bà Phương cho biết.
Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh chia sẻ: "Chúng tôi thí điểm ở trường MN mới xây ở xã Vĩnh Lộc A vì phường này có ba trường MN công lập. Phòng đang rà soát chuyển GV có kinh nghiệm ở trường MN Hoa Phượng và Hoa Phượng 1 sang phụ trách. Trường sẽ thí điểm giữ tối đa hai lớp, mỗi lớp chưa đến 15 cháu, khoảng ba cô. Nếu triển khai đại trà thì không đủ GV có tay nghề. Hiện quận đang bồi dưỡng thêm một lớp cao đẳng và một lớp trung cấp khoảng hơn 130 cô, sẽ tốt nghiệp năm học tới. Năm nay, quận có thêm ba trường mới nên cái khó chủ yếu là chuyên môn giữ trẻ sáu tháng. Lứa tuổi này quá nhỏ, nhiều rủi ro, không dám đưa cho các em giáo sinh trẻ giữ. Mỗi lớp chỉ giữ vài cháu nhưng “ngốn” ít nhất là ba cô".
Q.12 là địa bàn đông dân nhập cư và công nhân lao động nên cũng nằm trong diện thí điểm năm đầu tiên. Trường MN Sơn Ca 8 (P.An Phú Đông) là đơn vị được chọn thí điểm vì trường lớp mới, khang trang và có thêm một trường công lập khác gánh phụ áp lực trẻ trên địa bàn. Dù vậy, trường chỉ dám thí điểm nhận một lớp khoảng sáu trẻ để vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với lứa tuổi này, vấn đề không chỉ là giải quyết chỗ học như trẻ năm tuổi mà phải có con người đủ nghiệp vụ chăm sóc trẻ nhỏ. Sáu bé đã chiếm hết một lớp với ba cô và phải kèm thêm một cô phục vụ hỗ trợ, không để xảy ra sự cố.
Có thể thấy, các địa phương được chọn thí điểm đã có những chuẩn bị để đón trẻ từ sáu tháng tuổi, từ tăng cường cơ sở vật chất đến phương thức nhận trẻ, đưa GV tập huấn. Tuy nhiên, một thực tế là lâu nay các trường MN công lập không tồn tại các nhóm trẻ từ 6-18 tháng nên các trường ĐH-CĐ sư phạm cũng không đào tạo GV chuyên trách cho nhóm trẻ này. Như vậy, ngoài những nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện đề án, nếu ngành giáo dục không có phương án điều chỉnh chương trình từ những “chiếc máy cái” là các trường sư phạm, thì việc hỗ trợ giáo dục MN khó đạt hiệu quả, sẽ mãi thiếu GV đạt chuẩn.
Gia Tuệ
Theo kết luận về Đề án hỗ trợ giáo dục MN trên địa bàn TP.HCM của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, từ năm học 2014-2015 sẽ triển khai thực hiện thí điểm việc giữ trẻ từ sáu tháng đến 18 tháng ở tám quận, huyện (Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, Q.7, 12). Mỗi quận huyện thực hiện một - hai trường MN công lập nhận giữ trẻ 6-18 tháng. Năm học kế tiếp, thực hiện thí điểm ở 12 quận, huyện (thêm bốn quận 9, 11, Gò Vấp, Tân Bình), đồng thời khuyến khích các quận, huyện có điều kiện đăng ký thực hiện. Năm học 2016-2017, thực hiện toàn TP nhận giữ trẻ độ tuổi này. Đến năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, các quận huyện tập trung mở rộng số trường nhận trẻ và nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ từ sáu tháng tuổi.
Báo cáo TL "Phát triển lưới điện thông minh và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối điện và năng suất lao động tại EVNHCMC”...
Ngày 15/11, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị kết nối giao thương, giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác...