Giữ tổ ấm cho con sau ly hôn

05/03/2016 - 08:12

PNO - Phương án “tổ chim” có nhiều mô hình. Bố mẹ nào có điều kiện, có ba căn nhà, các con sẽ ở căn nhà chính, bố mẹ mỗi người một căn...

Giu to am cho con sau ly hon
Lợi ích tốt nhất của phương án tổ chim là lợi ích con cái được ưu tiên hàng đầu - Ảnh mang tính minh họa: Telegraph

Mỗi tháng một lần, Sarah Clarke thu xếp quần áo vào vali, hôn tạm biệt hai con gái nhỏ và rời nhà ở Newcastle. Trong khi đó, chồng cũ của cô, Andrew lại dọn vào nhà. Anh ở với hai con hai đêm, sau đó lái xe về thành phố Warwickshire với bạn gái của mình, để rồi Sarah lại về nhà với hai đứa trẻ. Bốn tuần sau đó, mọi chuyện lặp lại như thế.

Đây là xu hướng mới đang được các cặp ly hôn hay ly thân thử nghiệm trong việc nuôi dạy và gần gũi con cái. Con cái được ở trong căn nhà cũ và bố mẹ luân phiên nhau ở cùng.

Sáng kiến này bắt nguồn từ một vụ ly hôn ở thành phố Virginia, Mỹ năm 2000. Tòa tuyên bố giải pháp tốt nhất là để hai đứa bé ở lại căn nhà cũ của gia đình, mẹ của chúng sẽ ở đó vào những ngày trong tuần, còn bố sẽ đến thăm và ở lại vào hai ngày cuối tuần. Kể từ đó, giải pháp “tổ chim” này đã xuyên đại dương, được áp dụng ngày càng rộng rãi tại Anh, thay cách trao toàn quyền nuôi con cho bố hoặc mẹ.

Thông thường, tòa án không bắt buộc các cặp ly hôn phải theo giải pháp này. Nhưng theo cô Margaret Hatwood, một luật sư gia đình, các cặp vợ chồng thường nghĩ đến phương án này trước khi dắt nhau ra tòa: “Thường các bậc cha mẹ khi chia tay, vẫn nghĩ ra giải pháp tốt nhất cho con. Lợi ích của giải pháp ”tổ chim” là nhu cầu của con cái được ưu tiên hàng đầu, trẻ có sự ổn định. Trẻ thường khó hòa nhập khi phải chuyển từ nhà này sang nhà khác. Với cách này, bố mẹ mới là người di chuyển và nhận những khó khăn chứ không phải trẻ nhỏ”.

Chưa có con số cụ thể bao nhiêu gia đình sau ly hôn ở Anh làm theo cách này, nhưng cô Hatwood cho rằng nó đang được lan tỏa rộng rãi: “Với giải pháp này, các ông bố có cơ hội gần gũi với con cái nhiều hơn”.

Phương án “tổ chim” có nhiều mô hình. Bố mẹ nào có điều kiện, có ba căn nhà, các con sẽ ở căn nhà chính, bố mẹ mỗi người một căn. Hoặc căn nhà chính cùng một căn hộ nhỏ hơn ở gần. Khi Sarah và Andrew chia tay, các con còn khá nhỏ, nên họ chọn giải pháp này: “Chúng tôi cho các con yên tâm rằng chúng sẽ được gặp Andrew thường xuyên và rằng bố mẹ chia tay nhưng vẫn là bạn của nhau”.

Song cũng có những trở ngại nho nhỏ. Nhà không đủ phòng ngủ nên Andrew phải ngủ trên giường của Sarah khi cô dọn ra: “Chúng tôi vạch ra các ranh giới, cả hai phải có những thỏa thuận và hy sinh cho nhau theo năm tháng. Mọi việc dần vào quỹ đạo, tôi không còn trải giường cho anh ấy nữa, mà để anh ấy tự làm”.

Cũng theo cô Hatwood, cha mẹ phải lập danh sách những việc được và không được làm trong căn nhà chung trước khi theo giải pháp “tổ chim”. Họ cần tôn trọng sự riêng tư của người kia khi vào nhà. Nhưng vấn đề lớn là điều gì sẽ xảy ra khi một trong hai người bước vào mối quan hệ mới? Hatwood cho rằng: “Bố mẹ có thể cảm thấy khó khăn khi muốn có mối quan hệ mới. Điều này ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Bạn đừng tạo cảm giác là bố mẹ sẽ trở lại bên nhau, vì đó là mong muốn thông thường của trẻ khi bố mẹ chia tay”.

Cô cũng khuyên các bậc cha mẹ chỉ nên chọn giải pháp này khi chia tay trong êm đẹp, mọi việc được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ từ hai phía. “Chúng tôi không còn là vợ chồng, nhưng việc chúng tôi là bố mẹ của hai đứa trẻ thì không bao giờ thay đổi.

Chúng tôi không còn yêu nhau nhưng chúng tôi yêu các con và sẽ làm tất cả cho chúng. Hai con gái là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, Sarah tâm sự.

Phan Quỳnh Dao (Theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI