Đứa cháu gái từ thành phố về thăm nhà, nhân tiện giới thiệu người yêu, đúng hơn là chồng sắp cưới. Chị tôi cau mày, người lớn chưa gặp gỡ nói năng gì mà đùng đùng thông báo sắp cưới là sao. Họ hàng xóm giềng đã có kinh nghiệm thì cười xòa, cưới xin bây giờ thể tất cho tụi nhỏ đi. Nhà trai ở tỉnh này nhà gái ở tỉnh kia mà hai đứa thì đi làm công ty thành phố, bạn bè và các mối quen biết đều ở thành phố. Một cảnh ba quê không thể nhất nhất đúng kiểu ông bà xưa: bước một đến nhà gái thưa chuyện xin cho hai đứa được tìm hiểu nhau, bước hai dạm ngõ, bước ba lễ hỏi…
Tốn kém đã đành mà thời gian đâu dễ, còn sức khỏe nữa. Có cái đám cưới mà lẽ ra cô dâu chú rể là hai người xinh đẹp nhất của ngày thì lại gầy rộc bơ phờ vì những bước trước đó khiến cả hai mệt đừ. Chưa nói lỡ mà không có tiền phải chạy vạy vay mượn.
Tưởng là cháu gái tôi chỉ mệt thôi, nào ngờ buổi sáng mới đưa chồng sắp cưới đi chào bà con họ hàng thì tối hôm đó cháu tới nhà tôi khóc nức nở vì tiền. Cháu kể hàng tháng đi làm dành dụm được vài ba triệu gửi về cho mẹ giữ giùm. Suốt hai năm, cộng thêm lương thưởng dịp lễ tết, cháu tính mình gửi mẹ cũng đã được trăm triệu. Cháu biết nhà mình làm nông chỉ đủ ăn chứ không dư dả nên đã tự dành dụm và nói dối với người yêu cho đẹp mặt là ba me hứa cho trăm triệu làm vốn. Nào ngờ…
Chị tôi cũng khóc, tưởng là con gái đi làm dư dả gửi tiền về phụ giúp gia đình nên chị đã tiêu hết rồi. Mới biết mình vô tâm quá.
|
Ảnh mang tính minh họa. Internet |
*
Bà cô tôi thì rõ ràng hơn, rành mạch khoản nào con biếu tặng khoản nào gửi giữ giùm. Bà tính toán gửi ngân hàng một cục thì tiền lời còn ra tấm ra món, chứ mỗi tháng gửi một hai triệu thì lắt nhắt quá. Bà bèn mua vàng. Có khi tiền không đủ thì bà bù thêm, cũng có khi mua xong chỉ vàng thì còn dư ra một hai trăm ngàn bà ghé nhà rủ tôi đi ăn sáng. Trước đây bà thường ăn sáng bằng thức ăn còn lại của bữa chiều qua, nay rủng rỉnh ra quán đầu ngõ ăn bún ăn phở.
Rủ tôi ăn sáng mục đích là để khoe chỉ vàng mới mua và cũng để khoe con gái đi làm thành phố mà vẫn giữ được cái gốc quê nhà biết tiết kiệm chứ không hoang phí đua đòi. Bà tươi cười mở điện thoại khoe tin nhắn tinh nghịch của con “Hôm nay gửi thóc về kho”.
Tích góp được ba cây vàng bốn số chín thì vàng bắt đầu xuống giá. Khi mua thì bốn triệu ba trăm một chỉ mà lần hồi chỉ còn khoảng ba triệu tư. Giữ tiền cho con mà bị lỗ, bà tính toán rồi buồn rầu tự trách mình. Biết vậy hồi đó cứ gửi ngân hàng thì vừa giữ được vốn vừa có thêm tiền lời. Ba cây vàng coi như mất gần ba chục triệu, bằng giá cái xe tay ga mà con gái mấy lần định mua nhưng rồi lại thôi, để dành.
Bà cô tâm sự với tôi, mỗi lần gọi điện thoại về nói chuyện với mẹ, con gái vui vẻ kể chuyện bạn bè, chuyện công ty. Rồi khi nhắc tới giá vàng thì nó thở phù ra một tiếng và nói có nhiều người vô duyên với tiền bạc mà mình là một trong những người vô duyên đó. Bà nghe mà xót xa áy náy ghê gớm.
Từ nay, khoản con gái biếu tặng bà sẽ không tiêu xài nữa, bà sẽ gom góp để bù được cho con chút nào hay chút đó. Ờ, trước tiên là thôi không ăn sáng ở quán đầu ngõ nữa.
*
Cô bạn thân của tôi thì không gửi ngân hàng cũng không mua vàng. Mua miếng đất là căn cơ nhất, ai cũng cần một căn nhà. Đất vùng ven bây giờ giá cả còn mềm chứ đợi tới lúc nâng cấp lên quận này quận kia giá cả leo thang chóng mặt sao mua nổi. Để dành tiền bằng cách mua miếng đất thì lợi cả đôi đường: còn trẻ trung thì cứ bay nhảy đây đó, tới khi mỏi chân dừng lại thì đã có sẵn một nơi chốn, hoặc cần tiền bán đi cũng không sợ lỗ vì đất đai ngày càng có giá.
Nhưng cô bạn mua trúng miếng đất bị vướng quy hoạch, trong tương lai đường xe lửa sẽ đi qua đó. Đất nông nghiệp, mua bán giấy tay, đợi khi nào được phép cấp sổ đỏ thì mới đi làm giấy tờ có con dấu tròn. Đã có nhiều khu dân cư mọc lên từ những tờ giấy tay đó. Nào ngờ…
Cô bạn ngậm ngùi than thở mình là mẹ đâu thể cầm tiền của con mà để đến nỗi có thành không. Phải tìm cách bù đắp. Mà đắp cách nào thì chưa nghĩ ra. Mỗi lần đi ngang qua khu đất cỏ mọc um tùm chỉ biết thở dài. May mà con mình còn độc thân, đã có dâu có rể mà đụng cảnh này thì mang tiếng để đâu cho hết.
*
Người đàn bà gánh đậu hũ thường đi ngang qua xóm buổi xế. Tôi hay mua đậu hũ cho mấy đứa cháu ăn bữa lỡ, mãi rồi thành quen.
Chị kể con của chị vừa xong đại học, bắt đầu đi làm lương thử việc chỉ đủ cơm bình dân và xăng xe, nhưng những cuộc điện thoại gọi về trò chuyện lấp lánh hy vọng tới ngày có tiền gửi cho mẹ, để mẹ đi du lịch đó đây. Vì mỗi khi bật ti vi chị thường chọn chương trình Du lịch qua màn ảnh nhỏ. Vậy mà con gái để ý, đoán biết được ao ước của mẹ. Con gái nói sẽ tặng mẹ chuyến du lịch xuyên Việt đi qua mười tỉnh thành có cảnh đẹp nổi tiếng nhất nước mình.
Chị cười long lanh nước mắt hạnh phúc, nghe con thủ thỉ mà sướng tai quá đi. Đó là mới nghe nói thôi, đợi khi nào nó được lãnh lương chính thức gửi về rồi chị sẽ tính.
Đang lúc vui chuyện, tôi hỏi chị: “Tính là tính sao?”. Chị nghĩ ngợi một hồi rồi trả lời nỡ lòng nào lấy tiền dành dụm của con mà đi chơi, chị sẽ vô một chân hụi, góp hàng tháng để dành đó tới cuối năm hốt chót được một cục đưa lại cho con.
Tôi hỏi chị không sợ bị bể hụi sao? Chị ngập ngừng gật đầu, sợ chớ sao không...
Nguyên Hương