Nếu cách đây khoảng hai mươi năm, người ta chủ yếu làm ăn co cụm, “lượm bạc cắc”, không dám phô trương thì giờ đây hoàn toàn ngược lại. Bắt đầu thời kỳ mở cửa, người người nhà nhà thành lập doanh nghiệp, mở công ty.
Người vợ lâu nay đứng trong bóng tối, làm hậu thuẫn cho chồng thì giờ đây được người chồng đẩy ra ánh sáng với các chức danh: giám đốc/phó giám đốc công ty hay chí ít cũng là kế toán, thủ quỹ…
|
Ảnh minh hoạ |
Hai câu chuyện dưới đây chỉ là một khía cạnh nhỏ trong kinh doanh gia đình. Thương trường là chiến trường, khi cả hai vợ chồng cùng xông pha trận mạc thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Lệnh ông không bằng cồng bà
Giám đốc trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài về kế thừa công ty của cha với khoảng 150 lao động. Mất hai năm để học và quen việc, anh quyết định cải tiến năng suất của công ty nhằm tăng sức cạnh tranh thị trường nước ngoài.
Mời chuyên gia về đào tạo, thành lập nhóm chất lượng, sắp xếp lại sản xuất… Dự án khởi động ì ạch bởi con người quen nếp bao lâu nay, ngại thay đổi. Cứ cách làm cũ, dựa chủ yếu vào đơn hàng từ phòng kinh doanh, có nhiều làm nhiều, ít làm ít. Một chính sách khen thưởng (bằng tiền) được đặt ra. Loạt quy trình được ban hành kèm thêm có thưởng nếu giám đốc thấy cá nhân/bộ phận tuyệt đối tuân thủ. Tuy có biện pháp chế tài, nhưng sau sáu tháng thực hiện, dự án được đánh giá ở mức nâng cao nhận thức con người đã là tốt rồi. Tất nhiên, giám đốc trẻ không hài lòng, anh vẫn thấy chậm chạp, và còn muốn hơn nữa.
Thế rồi, một ngày, mọi người thấy vợ giám đốc xuất hiện ở công ty. Sếp công bố với các phòng, vợ sếp phụ trách vật tư. Quy trình sếp ban hành trước đây được rà soát, chỉnh sửa. Chính tay vợ sếp giám sát việc mua hàng. Mọi thứ dần vào nền nếp với không ít lời ca thán từ nhân viên. “Tốn quá nhiều giấy tờ, qua mấy khâu kiểm tra”, “Mua một món hàng phải thương lượng giá đến ba lần, phải có chứng cứ thương lượng giá”…
Rồi vợ sếp làm cuộc “cách mạng kho” khi thủ kho vừa nghỉ hưu. Kho có cả ngàn mặt hàng từ bu-lông, ốc vít cho đến sắt thép. Không sao, mọi thứ dọn hết ra ngoài, và kiểm đếm từng con ốc. Vợ sếp yêu cầu trang bị loạt thùng nhựa, khay đựng vật liệu, thêm chi phí tốn kém như: lương công nhân (phải bỏ hết mọi việc để dọn kho), không thành vấn đề, miễn sao mọi thứ ngăn nắp, hợp lý, khoa học. Quan trọng hơn nữa, vợ sếp nắm được con số tồn kho thực tế. Tài sản là đó chứ đâu.
Lệnh sếp bà ai dám cãi? Một tuần liền chỉ làm việc dọn kho và sắp xếp, phòng kế toán phải tham gia kiểm đếm để nhập số liệu thực tế vào máy tính. Thôi thì, đủ màn ca thán của nhân viên (tất nhiên là nói sau lưng), cuộc cải tổ nào bắt đầu mà không có tiếng khen chê?
|
Ảnh minh họa |
Nhờ quyết tâm của sếp bà, cái kho vốn hai chục năm phủ bùi nhùi, hầm bà lằng được lôi ra hết, lau dọn lại sạch sẽ. Thủ kho mới được sếp bà đào tạo theo ý của sếp. Mọi thứ ngăn nắp trật tự, xuất nhập theo quy trình, mua vật tư không dư không thiếu đúng kế hoạch, quy định thời gian xuất kho, không ai được phép vào kho nếu không có lệnh…
Hết kho nguyên vật liệu đến kho bán thành phẩm và thành phẩm. Thêm hai tuần nữa, sếp nắm được chính xác con số thực tế tài sản tồn kho. Và căn cứ vào đó làm kế hoạch “tối thiểu”, “tối đa” cho nguyên vật liệu, thành phẩm… Mọi thứ đi vào nền nếp.
Tất nhiên, sếp ông cũng thầm khâm phục vợ mình. Bao nhiêu khẩu hiệu, quyết định, quy trình ban hành không “xi-nhê”, chỉ cần có sự hiện diện của bà vợ là đâu vào đấy. Lệnh ông không bằng cồng bà là thế. Tuy nhiên, ý nghĩa ở chỗ tích cực một khi vợ phụ một tay hậu thuẫn cho chồng trong việc phát triển công ty. “Chống chỉ định” với sự can thiệp quá sâu của vợ vì có nguy cơ làm hỏng sự nghiệp của chồng.
Của chồng công vợ?
Thời còn hàn vi, vợ chồng đêm nằm gác tay lên trán nghĩ đến ngày mở được công ty, thành lập doanh nghiệp. Bao nhiêu kiến thức tích lũy được vận dụng. Rồi vận hội đến, bung ra làm ăn, việc đầu tiên nghĩ đến là đặt cái tên cho công ty, doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất…
Trên đời này không có gì không thể xảy ra. Một ngày nào đó, vợ chồng bỗng dưng muốn… chia tay bởi ngàn lẻ một lý do, không vì con cái thì vì tài sản, hay do sự xuất hiện một tình cảm ngoài luồng. Vấn đề quan trọng là cái thương hiệu, nhất là đang thời kỳ ăn nên làm ra. Quá đáng tiếc!
Một phụ nữ chia sẻ: “Ngày ra tòa ly hôn, dù cái thương hiệu không phải tên hai vợ chồng ghép lại nhưng ổng ra điều kiện nếu tôi giữ tên thương hiệu tôi phải chấp nhận mất một ngôi nhà và một phần lớn tài sản của công ty. Tiếc cái thương hiệu bao nhiêu năm mình lao tâm khổ tứ, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chẳng lẽ để mất, tôi đành chấp nhận. Sau cuộc ly hôn, gần như phải làm lại trên cơ sở một cái nền chẳng có gì”.
Chuyện vợ chồng đồng cam cộng khổ cùng xây dựng lên từ con số không, thời nào cũng có và nhiều tình huống xảy ra. Ngoài việc giữ vững thương hiệu, phát triển công ty, thì việc đồng vợ đồng chồng là vấn đề rất cam go, nhất là khi thương trường quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Nhiều khi chỉ vì không còn lòng tin với người phối ngẫu, mà mọi thứ có trong tay bỗng một ngày mất sạch.
Giữ được thương hiệu “vợ chồng” luôn là thách thức trong kinh doanh cho bất cứ ai.
Kim Duy