Giữ Tết Việt, cho mẹ và cho con

09/02/2024 - 06:10

PNO - Dù bao nhiêu tuổi, dù ở trời Âu hay Á, tôi vẫn thèm Tết, vẫn mong ngóng Tết như ngày còn thơ bé.

Tôi có khoảng 6 năm sinh sống ở nước ngoài, nhưng đây là năm đầu tiên không về Việt Nam đón Tết. Khi nói với gia đình và bạn bè rằng “Xuân này con không về”, tôi quả thật có chút chạnh lòng, nhưng rồi tôi nghĩ tốt hơn nên dùng thời gian nhung nhớ ấy để chuẩn bị một cái tết “Việt Nam nhất có thể” cho gia đình nhỏ của mình ngay giữa lòng Budapest (Hungary).

Tết được tạo nên từ những điều nhỏ bé, đơn sơ
Tết được tạo nên từ những điều nhỏ bé, đơn sơ

Từ những ngày đầu tháng Chạp, trong nhóm cộng đồng người Việt ở Hungary (hiện có khoảng 6.000 người) đã có nhiều người rao bán món ngon nhà làm cho ngày tết, nào xôi chè cho dịp đưa ông Công ông Táo, nào bánh chưng, bánh tét và nhiều loại mứt tết.

Ở đây không có mai vàng đào thắm nên nhiều người đã mách nhau một mẹo nhỏ để có hoa chưng tết: Nhà ai có mận thì tầm 20 tháng Chạp cắt vào cắm trong bình, để nước âm ấm thì đến khoảng mùng Một hoa sẽ nở. Hoa mận vốn màu trắng, nếu muốn có chút sắc hồng từa tựa hoa đào thì phải chịu khó pha thêm vài giọt màu hồng trong nước.

Tôi cũng bắt chước làm theo, ra vườn cắt mấy nhánh mận cuối đông trông như củi khô vào cắm trong bình. Chỉ sau hai ngày, từ “bó củi khô” đó, những chiếc nụ có vỏ lụa màu xanh non mơn mởn đã bắt đầu nhú ra.

Mỗi ngày ngắm nghía, tôi nhớ những ngày trước tết ở quê, tôi cũng hay chạy ra mấy cây mai ba trồng trước sân, nhìn nụ to hay nhỏ để đoán xem hoa có nở đúng mùng Một hay không. Tôi nhủ thầm trong lòng, “cảm giác mong ngóng này cũng là Tết chứ đâu!”.

Một cửa hàng ở Four Tigers Market - khu chợ Việt ở Budapest - bày bán lá dong và nhiều loại mứt Tết
Một cửa hàng ở Four Tigers Market - khu chợ Việt ở Budapest - bày bán lá dong và nhiều loại mứt tết

Ngày 23 âm lịch, tôi đặt báo thức để dậy sớm chuẩn bị mâm cúng đưa ông Táo về trời. Tối hôm trước, tôi lên mạng hỏi "bác Google" để xem mâm cúng ông Táo gồm những gì thì hơi hoảng vì thấy nhiều món quá, nào là thịt luộc hoặc gà luộc, rồi món canh, đồ xào, gạo, muối, xôi gấc… Quả là một thử thách với một người không giỏi nữ công gia chánh như tôi.

Thật may, tôi kịp “tư vấn từ xa” qua Zalo với 2 người chị ở nhà thì được biết cúng ông Công ông Táo mỗi nơi một phong tục riêng. Mâm cúng có nhiều món mặn như tôi xem trên mạng thường là của người miền Bắc, còn người quê tôi (Bến Tre) cúng giản dị đơn sơ với hoa trái, trà bánh. Nghe vậy tôi mừng rơn, nhưng không muốn lấy bánh kẹo sẵn có trong siêu thị để cúng mà tự tay nấu xôi, chè để tỏ lòng thành.

Đó là mâm cúng ông Táo đầu tiên của tôi ở xứ người.

“Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”*
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…(*)

Những ngày giáp tết này, không hiểu vì sao trong đầu văng vẳng 2 câu hát trong bài Một thoáng quê hương: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”. Bài hát này chắc hơn chục năm rồi tôi không nghe, nhưng dường như nó đã khắc sâu vào trong tiềm thức tự bao giờ, để những ngày này, khi cảm giác nhớ nhà, nhớ tết dâng lên trong lòng thì ký ức cũng bỗng dưng tìm về. Vậy là tôi “dụ” cậu con trai 8 tuổi ra phố cùng mẹ chụp một bộ hình áo dài.

Phải “dụ” vì cậu không quen với chiếc áo dài có quá nhiều nút, lại cài lên tận cổ nên có chút không thoải mái cho một đứa trẻ con hiếu động. Sau khi giải thích cho con hiểu về chiếc áo Việt Nam và về màu đỏ may mắn trong ngày tết, cậu cũng chịu hợp tác để hai mẹ con có vài bức ảnh tươi tắn gửi về cho gia đình ở quê nhà.

Sinh sống ở nước ngoài, tôi thường được dặn dò là hãy cố gắng giữ Tết Việt cho con, nhưng với tôi, giữ tết còn là cho bản thân mình - một người đã làm mẹ, và đã ngoài ba mươi. Dù bao nhiêu tuổi, dù ở trời Âu hay Á, tôi vẫn thèm Tết, vẫn mong ngóng Tết như ngày còn thơ bé.

(*) Trích lời bài hát Một thoáng quê hương (tác giả: Từ Huy - Thanh Tùng).

Cúc T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI