Chuyện “giữ sắc” của nữ giới thật muôn hình vạn trạng. Lắm khi đứng trước gương, họ săm soi từng dấu vết nhỏ xíu trên gương mặt, rồi len lén thở dài hoặc giật mình hoảng hốt. Kiểu như “lại có nếp nhăn nữa rồi!”, “sao hôm nay lại có cái mụn thế này?”. Cầm son phấn trên tay, họ có thể ngần ngừ, tự hỏi: “Màu này có hợp không? Có mốt không?”, bất chấp việc trước đó họ đã dành bao thời gian để lựa đúng cái màu ấy, hãng mỹ phẩm ấy, rồi mới quyết định mua. Thậm chí, nhiều lúc đã trang điểm xong, nếu chưa ưng ý, họ sẵn sàng xóa sạch để làm lại.
Có câu chuyện tiếu lâm kể, ngày kia, sau một hồi ngắm mình trước gương, cô vợ hỏi chồng: “Em có béo ra không anh?”. Chàng đáp: “Không hề. Vẫn thon gọn”. Nàng mừng lắm, nhưng vờ thắc mắc: “Sao nhìn vào gương em thấy như đang tăng ký”. Chàng mỉm cười: “Chắc gương hỏng, có lẽ phải… thay cái khác”. Cô vợ sung sướng, gật đầu cái rụp.
Nhìn thấy vợ/người tình “muôn phần tươi đẹp”, ai lại không khoái ngắm. Cảm hứng của thi ca, nhạc, họa… cũng từ đó tuôn trào. Cái đẹp của sự “giữ sắc” đôi khi chỉ cần như câu thơ của Đinh Hùng: “Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc/ Ta đặt em lên ngai vàng Nữ Sắc/ Trong âm thầm chiêm ngưỡng một làn da/ Buổi em về xác thịt đẫm hương hoa”.
Đã là phụ nữ thì phải “giữ sắc”, phải làm đẹp - “Đẹp rạng ngời mà không chói lóa”. Làm đẹp để cho chồng/người yêu, kể cả người khác phải trầm trồ, khen ngợi. Hãy nghe ông Xuân Diệu tha thiết: “Em ơi chớ phụ duyên trời đất/ Trang điểm vì ta chỉ một lần”. Trang điểm, vì sức hút từ người khác phái, bao giờ cũng đến từ vẻ đẹp cuốn hút ban đầu. Đàn ông đứng trước người đẹp, dù là ai, hẳn phải có lúc hào hứng tột độ như Bích Khê: “Đâu tìm Đào nguyên cho xa xôi/ Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi?”.
|
Thuở trung niên, thi sĩ Bùi Giáng từng bảo: “Em ơi, em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong”. Không chỉ vì “cái bên trong” diệu vợi lạ lùng ấy, mà còn vì hình thức bề ngoài nữa. Ai không từng trải qua cảm giác như nhà thơ Mê hồn ca: “Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân/ Ta gần em, mê từ ngón bàn chân/ Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão/ Khi sùng bái, ta quỳ nâng nếp áo”. Phụ nữ thông minh thừa biết “giữ sắc” chính là giữ loại “vũ khí” để giữ lấy người đàn ông của mình. Phải đẹp. Phải khiến cho “nửa kia” lúc nhìn thấy, phải bàng hoàng: “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?” (Bích Khê). Như vậy, cái “nửa kia” còn muốn léng phéng đâu nữa.
Người ta bảo phụ nữ làm đẹp cho người khác ngắm. Không hẳn. Phụ nữ chăm chút hình thức là do họ có nhu cầu, chứ không vì ai khác. Đó mới là “triết lý” sâu sắc để trả lời câu hỏi: “Phụ nữ làm đẹp để làm gì?”.
Thời tôi còn nhỏ, ở cạnh nhà, có đôi vợ chồng suốt ngày cãi nhau, chỉ vì người chồng mèo mỡ lăng nhăng. Cô Tư - người vợ - thức khuya dậy sớm, “Nung nấu tâm can, vò võ trán” tìm cách trị chồng, đánh ghen nên cửa nhà, con cái… cô đều bỏ bê, nhan sắc ngày một tiều tụy. Đã thế, cô lại còn khóc lóc ỉ ôi. Câu thơ của thi sĩ đời Đường: “Xin đem nước mắt làm mưa giữ chàng” chỉ ép-phê khi chàng còn yêu, còn thương, chứ nếu chàng đã quyết chí thì chẳng còn tác dụng gì. Nhiều phụ nữ nghĩ, một khi nhìn thấy cái “nửa” từng đầu ấp tay gối “xuống cấp” thảm hại, đàn ông sẽ ăn năn, hối lỗi, dừng bước lãng du. Nhầm to! Thậm chí phụ nữ có hạ mình níu kéo: “Chàng ơi! Phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội những khi đói lòng” cũng chẳng xoay chuyển được tình thế.
|
|
Tôi còn nhớ, khi biết chuyện của cô Tư, mẹ tôi đã gọi cô sang nhà “nhỏ to tâm sự” và tư vấn cách tháo gỡ. Từ hôm đó, cô Tư thay đổi hẳn. Cô ăn mặc đẹp hơn, trang điểm kỹ hơn. Thậm chí, lúc chồng chuẩn bị tếch khỏi nhà đi theo “tiếng gọi tình yêu”, cô cũng sửa soạn xiêm y xuống phố. Cô không gây gổ, cũng chẳng níu kéo, đầm đìa nước mắt như trước.
Ban đầu, người chồng hí hửng ra mặt, nhưng rồi đến một ngày, hàng xóm xì xào: “Chắc cô Tư có bồ nên dạo này chưng diện, xí xọn quá”, ông chồng mới giật mình, nhìn lại vợ. Ông bắt đầu nghĩ cách "siết lại kỷ cương", quay lại chú ý đến gia đình, để tránh nguy cơ bị địch đánh đồn nhà khi mình ở tận đồn xa.
Một khi phụ nữ biết làm đẹp cho chính mình cũng là lúc họ tự tin hơn về nhan sắc. Dù chồng hay người yêu đã chân trong chân ngoài hay đã chán chê thì họ cũng mặc. Phụ nữ không nên vì thái độ của “nửa kia” mà âu lo, sợ hãi, để rồi có những biểu hiện làm xấu đi nhan sắc của mình. Vâng, dù thế nào, cũng phải làm đẹp cho mình trước đã.
Nếu mình ngày càng xấu mà cô tình nhân của chồng càng đẹp thì trong cuộc chiến, khả năng mình thua là quá lớn. Vì lẽ đó, câu “slogan”: “Phụ nữ khôn ngoan giữ sắc, không giữ chồng”, thiết tưởng phải hiểu theo nghĩa, “giữ sắc cho chính mình cũng là nghệ thuật giữ chồng”.
Lê Minh Quốc