Giữ "quả bóng thủy tinh" nơi xứ người

23/10/2015 - 15:56

PNO - Sau bao nỗ lực, có những gia đình đã tìm thấy hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều trường hợp loay hoay mãi chưa bén rễ được ở quê hương thứ hai.

Họa từ vội vã, chủ quan

Dù đến nước nào, dù có sự giúp đỡ hay không, cuộc sống mới nơi xứ người cũng bày ra vô vàn thử thách. Với những thất bại về công việc, về vật chất thì còn có thể tạo dựng lại được nhưng khi gia đình đã tan vỡ là rất khó khôi phục.

Gia đình thường được ví như một quả bóng thủy tinh, dễ vỡ tan trong cuộc dời đổi nhưng nếu giữ gìn được, sẽ càng lung linh, lấp lánh. Không chuẩn bị kỹ về tài chính, tay nghề, ngoại ngữ và tâm lý, nhiều người dễ rơi vào tình trạng bị động, vấp phải nhiều bất lợi trong cuộc sống, cuối cùng là đánh mất gia đình.

Chưa kịp thích nghi với cuộc sống mới ở thành phố Toronto, Canada, chị Nguyên Trang đã bị trầm cảm. Chị kết hôn với một người Canada gốc Việt. Tuy được chồng yêu thương nhưng do chị nói tiếng Anh kém, chưa chuẩn bị được tay nghề cụ thể nên khó xin được việc làm.

Chồng đi làm suốt ngày, không có ai trò chuyện, cuộc sống buồn tẻ, chị cảm thấy lạc lõng và sợ hãi. Thông tin con trai duy nhất của chị với chồng cũ ở Việt Nam thường xuyên bỏ học đi chơi càng khiến chị lo buồn. Được chồng mua vé cho về nước thăm con, chị nảy ý định đón con theo.

Vừa thuyết phục chồng cũ buông con, vừa năn nỉ chồng mới chịu cưu mang “tu hú” không phải dễ, nhưng khi tất cả đã xuôi theo ý chị thì bi kịch xuất hiện. Con chị bất ngờ bị “bứng gốc”, nên càng trở nên chống đối, khó bảo, cứ nằng nặc đòi trở về Việt Nam.

Bao bực tức dồn nén, lại thêm phải làm việc vất vả để nuôi cả nhà, chồng đổ lỗi tất cả do chị, gọi hai mẹ con là gánh nặng. Sốc cộng sốc, bệnh trầm cảm của chị Trang càng trở nặng.

Giu
Ảnh mimh họa - Shutterstock

Năm năm trước, dù vốn ngoại ngữ và kiến thức xã hội ít ỏi, nhưng chị Kim Thy vẫn tự tin ra đi khi được chồng bảo lãnh sang xứ sở chuột túi. Chị nghĩ đơn giản, việc gì khó đã có chồng lo, lại còn có khoản trợ cấp xã hội… Sang Úc được hai tháng, chị phát bệnh đau cột sống.

Lúc này, chị mới biết theo quy định chỉ được trợ cấp sau hai năm nhập cư. Thế là đồng lương công nhân của chồng chị phải chia năm xẻ bảy: vừa lo cuộc sống gia đình khi vợ đã ngồi không lại đau ốm, vừa phải thường xuyên gửi về cho cha mẹ của chị ở Việt Nam.

Đáng nói là sau khi bệnh hồi phục, chị vẫn nhất định ở nhà để chồng nuôi. Ngại giao tiếp, ngại bắt đầu ở tuổi 40, không dám thi bằng lái xe… và đủ thứ lý do khiến chị chấp nhận đời nội trợ.

Suốt ngày ru rú trong nhà cũng buồn, bị mấy bà đồng hương rủ rê, chị Thy trốn chồng đi casino đánh bài. Lúc đầu, chị chỉ đánh nhỏ, sau đâm ghiền, chị mượn tiền đánh lớn. Đến khi chồng chị phát hiện sự việc thì nợ đã lút đầu.

Giang hồ tới đòi, cha mẹ chồng không cho con trai trả nợ thay con dâu, lại còn làm áp lực để hai người ly hôn. Chị Thy phải bỏ gia đình, trốn nợ. Năm dài tháng rộng, người chồng hướng đến một bến bờ khác.

Tự chủ để giữ mái ấm

Tuy bạn đời là điểm tựa nhưng cứ “tựa” mãi thì người vợ từ chỗ là nguồn yêu thương chia sẻ có thể trở thành “cục nợ”. Trong vòng xoáy cuộc sống, người chồng cũng có những yếu đuối, căng thẳng, mỏi mệt riêng, cần được trợ giúp, tiếp sức từ nửa kia.

Có những gia đình không chuẩn bị tài chính dồi dào khi ra đi, cuộc sống mới chưa kịp ổn định thì quay qua quay lại đã hết vèo tiền dự trữ. Chồng trách vợ vung tay quá trán, vợ chê chồng kém cỏi, không làm ra tiền. Từ bức bối đâm chán chường, so sánh, mâu thuẫn rồi ngờ vực, hoài nghi lẫn nhau, ảnh hưởng đến mái ấm gia đình.

Không đâu là thiên đường. Ở đâu cũng phải lao động, phải đổ mồ hôi mới có cơm ăn, áo mặc. Nếu vợ chồng, con cái không kịp thời chia sẻ, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khúc quanh mới thì chắc chắn khó thực hiện được giấc mộng đổi đời, sẽ bị thực tế cuộc sống nhấn chìm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI