Giữ niềm tin cho ngành lụa: Cần minh bạch trong kinh doanh

27/10/2017 - 10:30

PNO - Người tiêu dùng tiếp tục đặt ra nghi vấn, liệu có còn những thương hiệu nào khác nữa đang làm ăn theo cách của Khải Silk?

Thực chất các vùng chuyên sản xuất, mua bán lụa của Việt Nam có đang trong tình trạng lập lờ đánh lận con đen? Trong tình huống này, để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp cần phải minh bạch xuất xứ sản phẩm, công bằng với người tiêu dùng. 

Vụ việc Khải Silk nhập nhằng xuất xứ khăn lụa "made in China" vừa xảy ra đã gây rúng động dư luận. Nhiều người tiêu dùng tỏ ra thất vọng về một thương hiệu lớn vì tham lam đã lừa dối, đánh tráo xuất xứ sản phẩm, ảnh hưởng không nhỏ đến cả uy tín của ngành lụa Việt Nam!

Bộ Công thương đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường và Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khẩn trương làm rõ, báo cáo Bộ trưởng về vụ việc này trước ngày 28/10.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng căn cứ quy định pháp luật để xử lý theo trình tự. Cho dù ông chủ Khải Silk đã thừa nhận vi phạm, xin lỗi  và có phương án khắc phục nhưng vụ “cháy” này không chỉ “đốt rụi” uy tín của Khải Silk mà còn cháy lan ra cả các thương hiệu Việt Nam. Thực tế, có hay không chuyện doanh nghiệp (DN) Việt Nam mua tơ Trung Quốc về sản xuất tại Việt Nam? 

Giu niem tin cho nganh lua: Can minh bach trong kinh doanh

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc khẳng định: Vẫn còn lụa thật Vạn Phúc!

Hiện Vạn Phúc có khoảng 785 hộ theo nghề dệt, chiếm gần 60% tổng số hộ tại làng nghề. Hằng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5-3 triệu mét vải. Hiện Vạn Phúc không còn đất trồng dâu, nuôi tằm nhưng các hộ làm nghề nhập nguyên liệu từ các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Sơn La; ven sông Hồng, sông Đáy thuộc Hà Nội… Trung Quốc còn phải thu mua tơ tằm từ Việt Nam, nên không thể có việc thu mua tơ từ Trung Quốc về Việt Nam sản xuất lụa. Tuy nhiên, cũng có những hộ nhập lụa Trung Quốc về bán.

Để hạn chế việc người kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó”, Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc đã vận động người kinh doanh minh bạch xuất xứ sản phẩm với người mua. Hiện Hiệp hội Xây dựng Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc.

Các hộ kinh doanh trong trung tâm phải cam kết chỉ bán lụa thật được sản xuất tại làng. Nếu nhập lụa Trung Quốc hoặc bán lụa không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt và “đuổi” khỏi trung tâm. Không chỉ trung tâm kinh doanh này, làng Vạn Phúc còn có 3 dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng, trong đó không ít cửa hàng có bán lụa Trung Quốc.

Nguyễn Thị Tâm, thành viên Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão (Hà Đông, Hà Nội), đang kinh doanh tại khu vực này: minh bạch xuất xứ

Ngoài lụa Vạn Phúc, cửa hàng có bán thêm nhiều mặt hàng lụa khác như lụa Bảo Lộc, Nha Xá (Hà Nam) và cả lụa Trung Quốc.

Bà Tâm cho biết: "Hiện nay, nguyên liệu tơ tằm khan hiếm, giá lại cao nên dù là cơ sở khôi phục thành công mẫu lụa vân, có đóng góp khôi phục làng nghề, nhưng chúng tôi vẫn rất gian nan khi muốn trụ được với nghề. Là sản phẩm cao cấp, lụa Vạn Phúc có giá khá đắt, khoảng 500.000-800.000 đồng/m, nên kén khách. Để có thêm khách hàng, DN phải nhập sản phẩm Trung Quốc có màu sắc, hoa văn phải tươi mới, giá rẻ về bán thêm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Quan trọng là chúng tôi luôn công khai giá và xuất xứ thật của sản phẩm".

Ông Nguyễn Thái Hòa, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty (CT) cổ phần tơ lụa Bảo Lộc (Baoloc Silk Group - BSG ), tiền thân là CT Dệt may lụa tơ tằm 2/9 cho biết: Lụa Bảo Lộc đang bị gắn mác Ý, Tây Ban Nha bán với giá cao! 

Giu niem tin cho nganh lua: Can minh bach trong kinh doanh

Hiện mỗi năm, Bảo Lộc sản xuất được khoảng 1.000 tấn tơ sống và 3 triệu mét lụa, chiếm 90% tổng năng lực chế biến tơ lụa của tỉnh Lâm Đồng. Riêng BSG mỗi năm sử dụng 70-80 tấn tơ nguyên liệu, sản xuất hơn 1 triệu mét lụa. Chỉ 1/10 số này bán ở thị trường nội địa (hơn 100.000m), còn lại là xuất sang Nhật.

Lụa Bảo Lộc (Baoloc Silk) là một thương hiệu lụa tơ tằm có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Chúng tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ nhập lụa Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào trong nước về gắn mác Baoloc Silk để thu lợi bất chính; mà ngược lại, sản phẩm tơ lụa của CT đang bị không ít DN, cửa hàng trong nước gắn mác lụa Ý, Tây Ban Nha… để đẩy bán với giá cao.

Ở Việt Nam, hiện số lượng các DN chuyên sản xuất lụa tơ tằm chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần lớn chỉ là các CT chuyên kinh doanh. Do thiếu sự ràng buộc về pháp lý và thả nổi quản lý nên người tiêu dùng khó mua được sản phẩm đúng như mong muốn, nếu các DN này cố ý gian lận. 

Dù sản lượng lụa Việt Nam không nhiều, nhưng nếu biết chọn đúng cửa hàng, đúng DN có uy tín, khách hàng vẫn mua được sản phẩm mình cần. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI