Giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND

19/02/2025 - 10:43

PNO - Sáng 19/2, với đại đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) - ảnh: Med
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) - Ảnh: Media Quốc hội

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3.

Theo đó, đơn vị hành chính của Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã) và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.

Luật nêu rõ, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.

Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.

Nguyên tắc hoạt động của HĐND là làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với trách nhiệm của chủ tịch UBND.

Luật cũng phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp.Theo đó, việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương phải bảo đảm nhiều nguyên tắc như bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương các cấp và giữa các cơ quan, tổ chức thuộc chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương tự chủ trong việc ra quyết định, tổ chức thi hành và tự chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; được phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo quy định, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Về phân cấp, UBND cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, chủ tịch UBND cấp dưới.

Cơ quan phân cấp chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của việc phân cấp và bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp.

Theo quy định của luật, UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phân cấp hoặc đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị thể chế hóa quan điểm chỉ đạo về "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý quy định của dự thảo luật bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương. Việc này nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, bảo đảm phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; "cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó", cũng như yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI