Những đứa trẻ từ làng tò he
Ngày trước huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) có nhiều làng theo nghề tò he. Nghệ nhân Lê Văn Trùy nói ở làng khi ấy, nhiều cụ ông thạo làm tò he, là thầy chỉ dạy các thế hệ con cháu nhưng khó có thể khẳng định nghề tò he tồn tại chính xác từ khi nào, chỉ ước chừng 300-400 năm trước. Sau vài thế kỷ, nghề nặn tò he trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của làng quê Việt Nam, đặc biệt ở vùng Bắc Bộ.
|
Nghệ nhân Lê Văn Trùy đang sắp xếp lại sản phẩm để khách hàng lựa chọn |
Lớn lên trong làng mà thế hệ cha ông mưu sinh bằng nghề tò he, hay xem tò he là thú chơi không thể thiếu cho con trẻ, ông Trùy mê tò he từ khi còn là thiếu niên. “14, 15 tuổi tôi đã say mê xem người lớn nặn tò he. Tôi xin làm thử và dần thạo việc. Tôi giúp được mọi người các công đoạn khác nhau cho đến khi tự sáng tạo nên con vật của mình. 45 năm làm nghề tò he, tôi trải đủ nhiều thời gian để biết được giữ nghề không dễ” - nghệ nhân Lê Văn Trùy chia sẻ.
Nhiều người cùng thế hệ của ông đã tìm công việc khác vì thấy thu nhập từ làm tò he bấp bênh, nghề không còn thịnh. Người bỏ nghề nhiều hơn số học mới nên lâu dần, người nặn tò he ít đi hoặc chỉ làm thời vụ, không xem đó là công việc mưu sinh. Chính gia đình ông cũng chật vật trong cái khó của việc tìm đầu ra, không cạnh tranh nổi với những món đồ chơi nhựa được sản xuất công nghiệp.
“Ngày tôi còn bé, trẻ con ít đồ chơi. Tò he là món đồ nhiều màu sắc mà đứa trẻ nào cũng thích. Nhưng cân đo giữa việc xem tò he là thú chơi và công việc mưu sinh, buộc tôi phải nhìn khác. Thời sau này, các con có nhiều đồ chơi nhựa, cuộc sống nhiều lựa chọn giải trí nên tò he dần bị quên đi. Nhưng đâu thể ép người khác phải thích điều mà họ đang không xem là quan trọng” - nghệ nhân Lê Văn Trùy nói thêm.
|
Anh Lê Xuân Tùng phụ cha bán tò he |
Thời thế thay đổi, có thể bên ngoài là những cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại nhưng dưới mái nhà nhỏ của nghệ nhân Lê Văn Trùy, ông vẫn ngày ngày truyền nghề cho con. Từ con gái đầu cho đến 2 con trai là Lê Xuân Tung, Lê Xuân Tùng đều biết làm tò he khi mới hơn 10 tuổi. Năm 2004, gia đình ông từ Bắc vào Nam sinh sống và tìm thị trường cho nghề nặn tò he.
Những năm tháng đói ăn nhưng hạnh phúc
“Gia đình 5 người, mỗi ngày, tiền ăn thôi đã khó. Ngày làm tò he nhưng chiều tôi và con phải làm thêm nhiều việc để có tiền trang trải” - ông Trùy kể. Song niềm vui của trẻ em miền Nam khi được cầm trên tay 12 con giáp và nhiều nhân vật nặn từ tò he khiến ông cùng các con có thêm động lực. Họ sáng tạo nhiều hơn từ chất liệu cho đến cách pha màu, cách tiếp thị.
Nếu ngày trước, bột nặn tò he được làm từ gạo nếp, gạo tẻ với tỉ lệ 2:1 thì sau thời gian nghiên cứu, thay đổi, ông chọn làm bằng đất sét để tăng tuổi thọ cho sản phẩm, để tò he trở thành món quà lưu niệm không phai màu. Nhờ internet, họ quảng bá nghề nặn tò he qua mạng, biết các nhân vật, hình tượng hoạt hình nào đang được trẻ em yêu thích để làm ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu.
|
Các con vật do 2 cha con thực hiện bằng đất sét |
Nghệ nhân Lê Văn Trùy nói ông luôn ủng hộ các con tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng đến các trường học để vừa giúp lan tỏa nghề truyền thống, vừa có thể tận tay chỉ dạy các em cùng làm. Biết đâu trong những thế hệ học trò, có cháu sẽ thích nghề tò he, yêu văn hóa dân gian của dân tộc và tìm được cách mới hơn để giữ nghề.
Đến nay, gia đình nghệ nhân Lê Văn Trùy đã gặt hái được nhiều trái ngọt. Năm 2014, nhờ tham gia chương trình Vietnam’s got talent, anh Lê Xuân Tùng được chú ý. Không chỉ nặn tò he, anh sáng tạo bức tranh làm từ bột tò he nhiều màu sắc gây ấn tượng mạnh với khán giả, giám khảo. Nhiều lời mời Lê Xuân Tùng tham gia các sự kiện để đưa tò he tiếp cận gần hơn với người dân Việt các vùng miền, thậm chí người Việt đang sống ở nước ngoài.
Năm 2020, anh Lê Xuân Tùng và Lê Xuân Tung xác lập kỷ lục “2 nghệ nhân đầu tiên dùng bột tò he kết hợp với mắt xích và ốc vít để vẽ tranh trên sân khấu”. Chính từ đây, danh tiếng gia đình làm tò he của nghệ nhân Lê Văn Trùy và các con được biết đến rộng rãi hơn. Ngoài tăng thu nhập, việc giữ nghề, sáng tạo nghề truyền thống của gia đình truyền cảm hứng đến nhiều người, trong đó có không ít người đang theo nghề tò he.
“Nhà tôi giờ có 10 thành viên thì 8 người đang theo nghề tò he. 1 cháu học lớp Chín cũng được chỉ dạy để nối nghiệp gia đình. Tôi vui vì các con, dâu, rể trong nhà đều yêu thích nghề tò he. Tôi biết, cố gắng giữ nghề truyền thống giữa thời hiện đại rất khó. Chúng tôi đã trải qua nhưng không có nghĩa tương lai đã hết vất vả. Tôi cùng các con, cháu luôn động viên nhau bởi giữ nghề tò he như giữ nếp nhà, một phần văn hóa của dân tộc mà ta đã trót gắn bó, đâu thể nói bỏ là bỏ được” - nghệ nhân Lê Văn Trùy chia sẻ.
Diễm Mi