Giữ nghề dệt chiếu

09/05/2013 - 09:19

PNO - PN - Chiếc chiếu cói bị “lép vế” trước chiếu công nghiệp, nghề dệt chiếu cói đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, nhiều người dần bỏ nghề… Thế nhưng, chị Đỗ Thị Tuyết Nhung (52 tuổi), ngụ số 253/12 KP.4, Trần Xuân Soạn, P.Tân...

“Hồi còn bé tí, mình đã biết phụ ông bà luồn cói vào giữa các sợi dây gai, nhưng mình không nghĩ lớn lên sẽ theo nghề. Khi lập gia đình, nhà chồng lại có nghề dệt chiếu truyền thống, vì vậy mình gắn với nghề đến nay” - chị Nhung chia sẻ.

Trước đây, những gia đình ở tổ 5, tổ 6 P.Tân Kiểng đều theo nghề dệt chiếu. Người làm, người mua tấp nập. Nhưng khi các khu công nghiệp hình thành, nhiều người đã bỏ khung dệt, tìm kế mưu sinh trong nhà máy, xí nghiệp; nhà nào có mặt bằng thì kinh doanh phòng trọ. Riêng chị Tuyết Nhung không bỏ nghề. “Làm chiếu không chỉ là cái nghiệp, mà hơn hết, tôi muốn lưu giữ và truyền nghề đến các thế hệ sau” - chị bộc bạch.

Là thành viên tổ PN giảm nghèo của Hội PN phường, chị Nhung được các thành viên trong tổ hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2005, chị được Hội PN phường bảo lãnh vay năm triệu đồng từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Làm ăn có hiệu quả, chị tiếp tục được đáo hạn với số vốn vay lên đến 20 triệu đồng.

Giu nghe det chieu

Chị Tuyết Nhung (phải) quyết giữ nghề dệt chiếu truyền thống

Tận mắt chứng kiến quy trình dệt chiếu, mới thấy để làm ra sản phẩm không hề đơn giản. Muốn dệt được tấm chiếu, cần phải có hai người cùng tham gia các công đoạn: giăng trân (sợi dây gai nằm dọc thân chiếu), dệt, bẻ góc, cắt biên... Lác phải được lựa kỹ lưỡng, thanh mảnh, dẻo dai. Có như thế khi lên tấm, chiếu mới trắng, bóng mượt. Không chỉ khó tính trong công đoạn chọn nguyên liệu, cách dệt, chị Nhung còn kỹ lưỡng trong cả phần phơi chiếu. Thời điểm từ 9 - 12g trưa là lúc thích hợp để phơi chiếu.

Dù hiện nay đã có nhiều loại máy hỗ trợ, nhưng chị Nhung vẫn trung thành với nghề dệt thủ công truyền thống. Dệt theo lối thủ công thì một ngày, hai người làm khéo cũng chỉ được hai chiếc chiếu, nhưng lại làm vừa lòng những vị khách khó tính nhất. Giá cả luôn ổn định từ 150.000-300.000đ/chiếc. Chị chia sẻ: “Làm chiếu không quá phức tạp, chị em nghèo đều có thể tham gia học và làm nghề”.

Nghề đã không phụ người, sản phẩm của chị Tuyết Nhung có mặt ở nhiều chợ truyền thống tại TP.HCM. Từ diện hộ nghèo, đến nay chị Nhung đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Chiếu cói của chị Nhung luôn được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng tốt, nhiều mẫu mã. Chị còn tạo việc làm cho hai lao động tại địa phương với thu nhập trung bình ba triệu đồng/người/tháng.

Làm kinh tế giỏi, chị Tuyết Nhung còn là hội viên phụ nữ nhiệt tình với các hoạt động của Hội ở phường như tham gia chương trình gia đình tiết kiệm điện, gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững…

Chị Lê Thị Thanh Tiến - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Kiểng, Q.7 cho biết: “Hiện, gia đình chị Tuyết Nhung là hộ duy nhất trên địa bàn phường còn theo nghề dệt chiếu. Hội PN sẽ cố gắng hỗ trợ bằng cách giới thiệu vay vốn, giới thiệu đầu ra sản phẩm… để gia đình chị giữ nghề và lưu truyền nghề dài lâu”.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI