Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà còn là dịp để mỗi người lắng lòng nhìn lại và hướng về cội nguồn, gia đình và những giá trị truyền thống.
Với những người con xa xứ, tết có thể không đủ đầy như ở quê nhà, nhưng bằng tình yêu và sự trân quý đối với nếp nhà, họ vẫn giữ lửa đoàn viên theo cách riêng của mỗi gia đình.
|
Gia đình con gái tác giả ở Anh đang gói bánh tét (ảnh tác giả cung cấp) |
Tết xa nhưng chưa bao giờ xa...
Những năm gần đây gia đình tôi đón tết khá đặc biệt: không có cảnh về quê tảo mộ, gia đình sum vầy bên mâm cỗ cúng ông bà, không có những buổi đi chợ hoa, chụp ảnh tết cùng nhau, nhưng vẫn đong đầy những khoảnh khắc ấm áp.
Gia đình nhỏ của 2 đứa con của tôi, một ở Canada, một ở Anh, dù cách nửa vòng trái đất vẫn giữ trọn truyền thống gia đình. Năm nào các con cũng chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để cúng ông bà tổ tiên.
Đứa con trai nhắn về: "Mẹ ơi, tụi con ăn tết sớm vào cuối tuần này vì ngày thường vẫn đi làm. Dù rất bận rộn nhưng tụi con vẫn chuẩn bị đầy đủ lễ nghi, vẫn có hoa, có bánh chưng, vợ con kho nồi thịt kho có cả khổ qua hầm như mẹ hay làm".
Lòng tôi vô cùng ấm áp. Vậy là dù ở nơi xa, các con vẫn nhớ về nguồn cội, vẫn gìn giữ những truyền thống tốt đẹp mà gia đình đã truyền lại.
Còn con gái út, thay vì đơn giản hóa tết theo lối sống hiện đại, con lại rủ bạn bè đến nhà để cùng gói bánh chưng, bánh tét. Giữa một thành phố xa lạ, những đôi tay trẻ lại cùng nhau tỉ mẩn, chăm chút... rồi cùng chuyện trò về tết quê nhà trong niềm vui hân hoan.Tôi mỉm cười hài lòng khi nhìn thấy hình ảnh con và bạn bè vui vẻ bên nhau, như thấy lại chính mình ngày trước, cùng gia đình quây quần chờ bánh chưng chín trong đêm giao thừa.
Tết xa nhưng chưa bao giờ xa, bởi các con vẫn giữ được sợi dây kết nối với quê hương, với ông bà, cha mẹ, và với những giá trị truyền thống gia đình.
|
Thành phẩm bánh tét giữa trời Tây của gia đình con gái (ảnh: tác giả cung cấp) |
Tấm thiệp chúc tết từ trái tim
Có lẽ điều làm tôi xúc động nhất mùa tết năm nay là tấm thiệp chúc mừng của đứa cháu nội. Dù tiếng Việt không rành, cháu vẫn cố gắng gửi những lời chúc, kèm bức vẽ đầy màu sắc và ý nghĩa.
"Happy tết!
Tết này con không thể ở Vietnam nên bức vẽ này là cách con có thể thể hiện điều đó! Hy vọng cả nhà thích cái vẽ ảnh của con. Chúc mừng năm mới!
Miss you all,
xoxo Zara"
|
Tấm thiệp của cháu nội làm ấm lòng cả nhà nhân dịp xuân mới (ảnh: tác giả cung cấp) |
Tôi ngắm nhìn tấm thiệp, lòng ngập tràn niềm vui và tự hào. Một đứa trẻ sống ở nước ngoài, lớn lên giữa một nền văn hóa khác, nhưng vẫn hiểu rằng tết là thiêng liêng, là thời khắc kết nối gia đình. Mặc dù cháu không được đón giao thừa dưới bầu trời quê hương, nhưng trong tâm hồn con chắc chắn tết vẫn là một điều thật đẹp.
Tôi chợt nhận ra rằng, chỉ cần chúng ta không ngừng nhắc nhớ, không ngừng vun đắp, thì những giá trị truyền thống vẫn sẽ mãi lan tỏa qua từng thế hệ, dù ở bất cứ nơi đâu.
|
Mâm cỗ tết nhà con trai tác giả ở Canada (ảnh: tác giả cung cấp) |
Giữ lửa truyền thống - trách nhiệm của mỗi chúng ta
Ngày nay, nhiều gia đình Việt Nam có thành viên sống xa quê nên đôi khi không còn đón tết theo cách sum vầy trọn vẹn như xưa. Cuộc sống bận rộn, công việc, lịch trình khác biệt khiến nhiều người không thể dành trọn những ngày tết cho gia đình. Nhưng chỉ cần một chút cố gắng, một chút yêu thương, chúng ta vẫn có thể giữ được hơi ấm mùa xuân.
Tết không nhất thiết phải có mai, đào rực rỡ hay tiếng pháo nổ giòn tan. Đôi khi, chỉ cần một bữa cơm gia đình với những món ăn truyền thống, một cuộc gọi hỏi thăm ba mẹ, hay một tấm thiệp chúc tết gửi từ phương xa cũng đủ làm cho ngày xuân thêm ý nghĩa.
|
Mâm cỗ ngày Tết của gia đình còn gái tác giả tại London (Anh quốc) |
Giữ gìn phong tục tết không chỉ là giữ gìn một truyền thống, mà còn là gìn giữ sợi dây yêu thương kết nối giữa các thế hệ. Khi chúng ta cùng con trẻ kể chuyện về ngày tết quê nhà, cùng nhau bày mâm cỗ, hay đơn giản là dạy con viết một lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt, đó chính là cách để duy trì những giá trị tốt đẹp.
Tôi tin rằng, chỉ cần chúng ta còn trân trọng những phong tục này, thì dù có đi xa đến đâu, dù cuộc sống có đổi thay thế nào, tết vẫn luôn trọn vẹn.
Tết xa quê hương, nhưng sẽ không mất đi ý nghĩa khi trong lòng mỗi người vẫn giữ được hơi ấm gia đình, vẫn hướng về nguồn cội, thì tết vẫn luôn ở đó - trọn vẹn, đong đầy và thiêng liêng.
Xuân đến, lòng hướng về nhau, tết xa vẫn gần…
Lê Thị Thanh Lâm
(Phó chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TPHCM)